Thực trạng kinh tế Việt Nam 2022
Năm 2022 thực sự là cần thiết để các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và kể cả đơn vị tham mưu cải cách và chính sách quản lý kinh tế Việt Nam thấm thía hơn về những cụm từ “bất định”, “phức tạp”, “khó lường” khi theo dõi bối cảnh kinh tế thế giới. Các nền kinh tế đã từng bước mở cửa trở lại, dù vẫn ghi nhận những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh mới (như bệnh đậu mùa khỉ,…). Xung đột Nga – Ucraina bùng phát từ tháng 2/2022, cùng với các biện pháp theo xu hướng cấm vận trả đũa của nhiều nền kinh tế đã có những ảnh hưởng nặng nề đến đà phục hồi của chuỗi cung ứng, giá trị mặt hàng trên thị trường thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực ở nhiều quốc gia, kể cả các nền kinh tế hàng đầu. Xu hướng liên minh đối đầu trả đũa giữa một nhóm nền kinh tế cũng đang trở nên phức tạp hơn.
Dù có nhiều khó khăn, các nền kinh tế đã và đang nỗ lực mở cửa trở lại, và tăng cường thúc đẩy hợp tác đối thoại trên nhiều lĩnh vực. Hiệp định RCEP đã đi vào thực hiện từ đầu năm 2022 và đã bước đầu giúp gắn kết các nền kinh tế thành viên vào đà phục hồi xuất khẩu cho khu vực. Hiệp định CP-TPP tiếp tục ghi nhận sự quan tâm của nhiều nền kinh tế. Là thành viên quan trọng tại nhiều cơ chế chính thức và nghiên cứu ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã thường xuyên tham gia trao đổi phối hợp, hỗ trợ các nền kinh tế ở khu vực đi từ những thách thức rất phức tạp trong năm cho đến những thành công rất to lớn trong việc tổ chức hội nghị cấp cao ASEAN, G20, APEC. Vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên về khuôn khổ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm thiết lập các quy định và thương mại trong khu vực đã diễn ra vào tháng 12/2022. Nói như vậy để thấy bối cảnh càng phức tạp, khó khăn thì yêu cầu trao đổi, phối hợp và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trong bối cảnh đó, đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng theo dõi, cập nhật các đánh giá và kiến nghị nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng môi trường thuận lợi cho cải cách, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Triển vọng kinh tế Việt Nam 2023
Trước những biến động của kinh tế thế giới và tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, Thủ tướng Chính Phủ đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/09/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới, từ đó góp phần quang trọng củng cố ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh ấy, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương luôn tư duy cho Chính phủ, cho Bộ KHĐT không chỉ dừng lại ở ứng phó với các thay đổi ở bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, mà còn phải có cả những tham mưu cải cách quan trọng nhằm nâng cao năng lực nội tại, mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh những nhiệm vụ tham mưu thường xuyên đã trở thành thương hiệu như cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh, Viện đã có những tham mưu mới, quan trọng về hoàn thiện thể chế liên kết vùng, phát triển kinh tế tuần hoàn… Trong thời gian vừa qua, Viện cũng đã có những dịp tham vấn các chuyên gia, chia sẻ các ý tưởng xây dựng chương trình quốc gia về năng suất lao động đến năm 2030 – một nhiệm vụ mới mà Chính phủ và Bộ KHĐT giao cho Viện.
Trong khuôn khổ hội thảo, Viện cũng tổ chức công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vong năm 2023” nhằm nhìn lại kết quả kinh tế và công tác cải cách và điều hành kinh tế trong năm qua, và đánh giá triển vọng kinh tế năm 2023. Viện hy vọng sẽ được lắng nghe ý tưởng, kiến nghị của các chuyên gia để góp phần làm sâu sắc hơn nữa các sáng kiến tham mưu về “Đổi mới nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế” trong thời gian tới.