Trong vòng thương lượng thứ hai diễn ra ở Belarus ngày 3/3, Moscow và Kiev đã đạt thỏa thuận về việc thiết lập các hành lang nhân đạo giữa chiến sự.
Phát biểu với hãng thông tấn Ukraine 24 hôm 4/3, Alexey Arestovich, cố vấn của Tổng thống Ukraine cho rằng các nhà đàm phán Nga đang giảm dần những đòi hỏi. Ông nêu ví dụ về một tuyên bố được cho là của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
“Nếu chúng ta xem xét kỹ, chúng ta thấy họ đã ngừng nói về phi hạt nhân hóa. Ngay cả vấn đề về tình trạng trung lập đối với Ukraine cũng không được đề cập đến. Song, câu hỏi về việc ngăn chặn triển khai một số vũ khí tấn công nhất định ở Ukraine đã được bàn đến", ông Arestovich cho hay.
Tuy nhiên, theo đài RT, hiện chưa rõ vị cố vấn Ukraine muốn nhắc tới phát biểu nào của ông Lavrov. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài hôm 3/3, nhà ngoại giao hàng đầu Nga nhấn mạnh, "phi phát xít hóa Kiev" vẫn là một trong những mục tiêu then chốt của Moscow ở Ukraine.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng thẳng thừng bác bỏ các nhận định của ông Arestovich.
Chính phủ Nga tuyên bố "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Kiev là hai mục tiêu cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" mà Tổng thống Vladimir Putin phát động ngày 24/2. Phương Tây đã lên án chiến dịch này và cho triển khai hàng loạt các biện pháp trừng phạt Moscow.
NATO không trực tiếp tham chiến ở Ukraine
Các ngoại trưởng của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 4/3 đã nhóm họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kể cả đề xuất của Kiev về việc thiết lập một vùng cấm bay phía trên nước này.
Phát biểu sau cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: "NATO là một liên minh quốc phòng. Nhiệm vụ cốt lõi của chúng tôi là giữ cho 30 quốc gia thành viên được an toàn. Chúng tôi không phải là một phần của cuộc xung đột này. Và chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo nó không leo thang và lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine. NATO không tìm kiếm một cuộc chiến với Nga".
Ông Stoltenberg xác nhận, NATO đã huấn luyện và trang bị cho hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine trong những năm qua. Ông cho rằng, điều đó giúp quốc gia Đông Âu chống đỡ các cuộc tập kích của lực lượng Nga hiện nay.
Theo tổng thư ký NATO, liên minh sẽ tăng cường tham vấn với các nước không phải thành viên nhưng đang tham gia mọi sự kiện của khối là Thụy Điển và Phần Lan, đồng thời tăng cường hỗ trợ đối với Gruzia, Bosnia và Herzegovina.
Ông Stoltenberg nói, các nước thành viên đã nhất trí rằng NATO "không nên điều máy bay hoạt động trong không phận Ukraine hoặc binh lính đến lãnh thổ Ukraine". Liên minh hiện cũng không muốn lập vùng cấm bay ở Ukraine vì điều đó đồng nghĩa các lực lượng NATO sẽ phải bắn hạ máy bay quân sự Nga tham gia chiến dịch tấn công ở nước láng giềng.
Tuần trước, Tổng thống Nga Putin từng cảnh báo, bất kỳ bên thứ 3 nào cố gắng can thiệp vào chiến dịch của Moscow sẽ phải lĩnh các hậu quả "chưa từng thấy". Nhiều nước phương Tây coi đây là lời đe dọa của ông Putin về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tuấn Anh