Khơi gợi tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của sinh viên Việt Nam

Sáng 12/8, tại Khách sạn Grand Plaza - Hà Nội, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với các tổ chức, đơn vị, trường đại học và cao đẳng trong nước và quốc tế tổ chức “Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia: Những lý luận và thực tiễn hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam” lần thứ I. Chương trình nhằm khơi gợi tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của sinh viên Việt Nam trong quá trình hội nhập hiện nay.
khoi-goi-tinh-than-khoi-nghiep-va-doi-moi-sang-tao-cua-sinh-vien-viet-nam-01-1691842687.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Sau 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được thành tựu lịch sử trong lĩnh vực kinh tế. Trong đó, khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là đối với lực lượng thanh niên và sinh viên Việt Nam. Trong quá trình phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của thanh niên và sinh viên Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao, khơi dậy khát vọng khởi nghiệp trong thanh niên là yếu tố quyết định góp phần vào phát triển kinh tế và làm giàu cho Quốc gia và Dân tộc.

Nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trong các nhà trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia tổ chức Diễn đàn nhằm trao đổi về những vấn đề nghiên cứu, đào tạo và thực tiễn hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam. Từ đó, rút ra những khuyến nghị về chính sách và hoạt động phát triển khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam. Chương trình diễn đàn thu hút hơn 300 đại biểu là khách mời từ các cơ quan  Bộ, ban, ngành, các trường đại học, học viện, cao đẳng; các tổ chức trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, diễn đàn có sự tham dự của: GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Cố vấn cao cấp Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia; TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia; NGND. Trần Tiến Dũng - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn xã Văn phòng Chính phủ; TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc Gia; TS. Trần Duy Khanh - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC; GS.TS Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo; Ngài Andrew Goledzinowski - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam; TS. Lưu Tiến Minh - Ủy viên Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Học sinh Sinh viên (Bộ GD-ĐT); ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Thị trường và Doanh nghiệp (Bộ KH&CN); Bà Phạm Thị Thanh - Phó Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; GS.TS Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc học viện Nông nghiệp Việt Nam; PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường đại Công Đoàn; PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại; TS. Trịnh Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường CĐ Thương mại & Du lịch Hà Nội; TS. Lưu Hữu Đức - Giám đốc TT Đổi mới sáng tạo và Hỗ trợ khởi nghiệp Học viện Tài chính; PGS.TS Vũ Thị Phương Anh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam; PGS.TS Lê Văn Thăng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM và nhiều chuyên gia, các bạn sinh viên ở các trường đại học; các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương và thu hút nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đến tham dự…

khoi-goi-tinh-than-khoi-nghiep-va-doi-moi-sang-tao-cua-sinh-vien-viet-nam-02-1691842687.jpg
TS. Đinh Việt Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, phát biểu tại chương trình

TS. Đinh Việt Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cho biết: “Việc thực hiện chương trình diễn đàn này cũng là để hiện thực hoá Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT, ngày 30/3/2018, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” và các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khác mà Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trong những năm qua. Việc Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với một số trường đại học, cao đẳng có uy tín tại Việt Nam tổ chức diễn đàn khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam” là hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh đất nước ta đang trong giai đoạn hội nhập hiện nay”.

Có thể khẳng định, các trường đại học, cao đẳng đóng vai trò quan trọng trong việc khơi nguồn và phát triển tinh thần khởi nghiệp sinh viên nói riêng và toàn trường nói chung. Tại đây, các chuyên gia, giảng viên trong nhà trường sẽ được bảo về quyền sở hữu trí tuệ, được chuyển giao những thành quả nghiên cứu khoa học; sinh viên được cung cấp môi trường học tập, nghiên cứu và đào tạo đầy đủ; được trang bị những kiến thức, kỹ năng và tư duy khởi nghiệp. Đồng thời, các trường cũng là đầu mối phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và cung cấp cơ hội thực tập, tư vấn và hỗ trợ kinh doanh cho sinh viên khởi nghiệp thành công.

khoi-goi-tinh-than-khoi-nghiep-va-doi-moi-sang-tao-cua-sinh-vien-viet-nam-03-1691842683.jpg
TS. Trần Duy Khanh – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp Quốc gia

TS. Trần Duy Khanh – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp Quốc gia cho biết: “Ở Việt Nam, giáo dục khởi nghiệp đang là vấn đề mới, nhiều trường đại học vẫn chưa có chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực này. Trong khi đó, đào tạo khởi nghiệp đã trở thành công việc đương nhiên của nhiều trường đại học trên thế giới đã làm. Những năm gần đây, ở Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch dịch COVID-19, nhưng nguồn đầu tư cho KNĐMST lại tăng cao nhất từ trước đến nay, đã có hơn 1,5 tỉ USD đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Tại Việt Nam, cả nước hiện có hơn 1000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó, có 202 khu làm việc chung, 217 quỹ đầu tư, nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh...Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và lấy năm 2016 là “Năm khởi nghiệp Quốc gia”, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong cả nước”.

TS Trần Duy Khanh chia sẻ thêm: “Một câu hỏi đặt ra, vì sao số đông sinh viên chưa “nhiệt tình” tham gia các hoạt động khởi nghiệp do các trường ĐH, CĐ phát động?, hoặc có tham tham gia nhưng “hời hợt”, “chiếu lệ” cho có..? Theo một thống kê, có đến 66,6%  sinh viên Việt Nam hiện nay chưa hề biết đến các hoạt động khởi nghiệp; 62% sinh viên được hỏi cho rằng các hoạt động khởi nghiệp hiện nay đang mang tính phong trào, chưa thực sự hiệu quả; có tình trạng trên, theo tôi, có thể do một số nguyên nhân: 1 - Ý thức của từng sinh viên. 2 - Vai trò của các trường ĐH, CĐ trong phong trào khởi nghiệp cho sinh viên. Nội dung đào tạo về khởi nghiệp. Cho đến nay, vẫn chưa có một bộ giáo trình hay quy trình chuẩn thống nhất về nội dung đào tạo, thời gian đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên trong các trường đại học. Chương trình đào tạo, nội dung đào tạo, thời gian đào tạo… vẫn do các trường “tự biên tự diễn”. Nên có trường hợp (không phải ít) các thầy cô bê nguyên nội dung giáo trình quản trị doanh nghiệp ra đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên (có cắt bớt ngắn đi), hoặc có trường hợp bê nguyên nội dung đào tạo nâng cao cho doanh nghiệp…để đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên…”.

khoi-goi-tinh-than-khoi-nghiep-va-doi-moi-sang-tao-cua-sinh-vien-viet-nam-04-1691842686.jpg
TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, chia sẻ

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, con đường khởi nghiệp và kinh doanh, từ việc buôn bất động sản, đến chứng khoản và nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Ông đưa ra quan điểm, nếu mạnh dạn khởi nghiệp, phải tập trung vào con đường đã lựa chọn. Ông khuyên sinh viên là nắm được thời cơ khi kinh doanh. Làm thế nào để kết nối doanh nghiệp với sinh viên, việc này ở Việt Nam rất yếu kém, trong khi đó ở nước ngoài, doanh nghiệp rất quan tâm đến tài trợ cho các trường đại học. Hiện nay ở Việt Nam tư tưởng kinh doanh chưa được bài bản, phần lớp thương mại đều trong tay nước ngoài. Câu hỏi đặt ra đối với thị trường Việt Nam. 70 % xuất khẩu và kinh doanh thị trường đều trong tay nước ngoài. Vậy đây sẽ là câu hỏi đặt ra đối với nhà khởi nghiệp, đặc biệt là thế giới trẻ hiện nay đó là sinh viên Việt Nam".

khoi-goi-tinh-than-khoi-nghiep-va-doi-moi-sang-tao-cua-sinh-vien-viet-nam-05-1691842686.jpg
Ngài Andrew Goledzinowshi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam

 “Tôi vui mừng đến tham dự chương trình diễn đàn. Tôi xin chia sẻ đôi chút kinh nghiệm về mình với quý vị ngày hôm nay. Hôm nay chia sẻ giao lưu với quý vị về khởi nghiệp, năm nay là kỷ niệm 50 năm đối tác giữa Việt Nam và Australia, đối với Việt Nam là 50 năm của thử thách và cũng là 50 năm của thành công. Sau chiến tranh, Việt Nam được xây dựng lại mạnh mẽ và quyết liệt, đó cũng là giai đoạn mở ra nền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam đã thích nghi với nhiều hoạt động nhanh chóng, nền kinh tế của Việt Nam dựa trên hiệu suất lao động ở Việt Nam. Thế giới ngày nay có sự thay đổi mới về công nghệ, về nền kinh tế xanh. Tôi vinh dự với Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng tôi tập trung sự hợp tác vào chuyển đổi số, kinh tế số. Lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam khi đến Australia, thì cũng đã đề cao về kinh tế số. Từ khoá tôi muốn chia sẻ là quan hệ đối tác giữa 2 nước” - Ngài Andrew Goledzinowshi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam chia sẻ.

Ngài Andrew Goledzinowshi nói thêm: “Trước đây Australia cũng tài trợ xây 2 cây cầu ở Việt Nam, mà sau nay kỳ vọng xây dựng cây cầu quan hệ giữa hai nước. Australia đến với Việt Nam đó là sự sáng tạo, sự hợp tác trong thời gian tới. Đó là đối tác cùng xây dựng, cùng phát triển. Một điều quan trọng: Sự hợp tác này không chỉ phụ thuộc vào chính phủ 2 nước, mà còn là sự kết hợp giữa các nhà kinh tế, trường học, doanh nghiệp để góp phần vào sự phát triển đó. Vai trò của chính phủ hướng tới sự hỗ trợ về hạ tầng, xin được chia sẻ về môi trường học tập tại Australia để có thể hợp tác giữa các trường Đại học của Việt Nam và Australia. Thời gian trước đây tôi có làm việc với Bộ Giáo dục & đào tạo, chúng tôi muốn xây dựng một ngôi trường đại học uy tín tại Việt Nam. Chúng tôi muốn đưa cơ sở lý luận kinh tế, thương mại vào thực tiễn. Nhiệm kỳ của tôi ở Việt Nam mặc dù ngắn, nhưng tôi xin hứa sẽ cố gắng hết sức để kết nối, hỗ trợ đồng hành cùng với Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục đào tạo”.

Với tiến trình phát triển của thời đại, sứ mệnh của các trường đại học luôn được mở rộng cho phù hợp với sự phát triển của kinh tế, chính trị và xã hội, điều này khẳng định mối quan hệ chặt chẽ tồn tại giữa các hoạt động nghiên cứu, đào tạo của trường đại học với xã hội. Tức là nếu giai đoạn đầu tiên của đại học có mục đích chia sẻ tri thức; giai đoạn kế tiếp là nhằm mục đích sử dụng nghiên cứu để thu thập, truyền tải và tích hợp kiến thức mới; thì thế hệ thứ ba tổng hợp các phát triển kinh tế và xã hội và trọng tâm của việc chuyển giao tri thức cho các sứ mệnh đã được phát triển. Do đó, có thể nói rằng, một loại hình trường đại học mới ra đời đó là trường đại học khởi nghiệp và xuất phát từ tính năng động của nó bằng cách tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới và mối quan hệ với môi trường xung quanh.

khoi-goi-tinh-than-khoi-nghiep-va-doi-moi-sang-tao-cua-sinh-vien-viet-nam-06-1691842686.jpg
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại chia sẻ

Đóng góp ý kiến, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại chia sẻ: “Khởi nghiệp tạo ra một làn sóng mới và trở thành nền tảng quan trọng đối với phát triển kinh tế. Các nỗ lực trong triển khai hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam đã bước đầu đạt được các thành tựu đáng ghi nhận. Các trường đại học là một trong những yếu tố của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam, các trường đại học cần tham gia đào tạo và chuyển giao tri thức khởi nghiệp đến các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội. Các trường đại học là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Bài viết này hướng tới mô tả thực trạng đào tạo khởi nghiệp ở các trường đại học – thông qua điển hình nghiên cứu tại trường Đại học Thương mại. Từ đó, bài viết chỉ ra bối cảnh thuận lợi và khó khăn trong công tác đào tạo khởi nghiệp ở các trường đại học và đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo khởi nghiệp trong các nhà trường cũng như gia tăng vai trò của các trường đại học đối với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Đào tạo về khởi nghiệp là một lĩnh vực đào tạo cần thiết và có tiềm năng trong dài hạn. Chất lượng hoạt động đào tạo là môt biến số quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng 39 hoạt động khởi nghiệp. Do vậy, rất cần có sự đầu tư thích đáng cho hoạt động đào tạo khởi nghiệp trong thời gian tới tại nước ta. Hoạt động đào tạo khởi nghiệp phải hướng tới những đối tượng có tiềm năng về khởi nghiệp. Chương trình đào tạo về khởi nghiệp với từng nhóm đối tượng tiềm nâng về khởi nghiệp phải đảm bảo sự phù hợp và có tính thực tiễn cao”.

khoi-goi-tinh-than-khoi-nghiep-va-doi-moi-sang-tao-cua-sinh-vien-viet-nam-07-1691842683.jpg
TS. Lưu Hữu Đức - Giám đốc TT Đổi mới sáng tạo và Hỗ trợ khởi nghiệp Học viện Tài chính phát biểu

Trong tham luận “Thực trạng công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên Học viện Tài chính hiện nay’’, TS. Lưu Hữu Đức - Giám đốc TT Đổi mới sáng tạo và Hỗ trợ khởi nghiệp Học viện Tài chính phát biểu: "Các dự án khởi nghiệp của sinh viên hiện nay còn nhỏ lẻ, tự phát chưa được định hướng phát triển nên khi thực hiện thì không đem lại kết quả như mong đợi. Việc tiếp cận với nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên vô cùng khó khăn, các cá nhân, doanh nghiệp đòi hỏi yêu cầu chặt chẽ, tính thực tiễn cao trong mỗi dự án khởi nghiệp. Chính vì vậy, Bộ giáo dục và Đào tạo thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp… thực thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để hướng dẫn, định hướng cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Tạo điều kiện, cơ hội để các dự án khởi nghiệp sinh viên tiếp cận được với các đơn vị, vườn ươm, quỹ hỗ trợ để có thể đưa dự án khả thi vào kinh doanh. Tổ chức giới thiệu, nhân rộng các mô hình điểm, hoạt động có hiệu quả trong công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tìm hiểu và học tập kinh nghiệm. Các Ban/ngành chức năng thường xuyên tổ chức các cuộc thi liên quan đến khởi nghiệp để sinh viên có ý tưởng sáng tạo tham gia, giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, cung cấp kiến thức khởi nghiệp, tìm kiếm và tôn vinh những ý tượng sáng tạo khởi nghiệp hiệu quả”.

khoi-goi-tinh-than-khoi-nghiep-va-doi-moi-sang-tao-cua-sinh-vien-viet-nam-08-1691843898.jpg
Lễ ký kết thỏa thuận giữa các đơn vị

Trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn, đã diễn ra Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác giữa Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia và các trường đại học, cao đẳng nhằm thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia, Những đơn vị ký kết gồm: Đại học Thương Mại, Đại học Công đoàn, Học viện Nông nghiệp, Đại học Bách khoa TP.HCM, Học viện Tài chính, Trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội, Trường Cao đẳng Quảng Nam.

Khép lại chương trình, TS. Đinh Việt Hoà khẳng định: “Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy, việc đào tạo môn khởi nghiệp hoặc phát triển cao hơn là thành lập các trường đại học khởi nghiệp là một nhu cầu tất yếu và là hơi thở của tiến trình phát triển của nhân loại. Hơn nữa, ở mỗi trường đại học khởi nghiệp có thể áp dụng các mô hình hoạt động khác nhau, tuy nhiên các mô hình của các trường đại học khởi nghiệp thường có ba đặc điểm nổi bật đó là tập trung vào các hoạt động kinh doanh (thương mại hóa) các sản phẩm của các thành viên trong trường đại học; tập trung vào những đóng góp mà trường đại học mang lại cho môi trường xã hội; các chiến lược cải tiến trong việc thành lập doanh nghiệp và những thay đổi trong cơ cấu tổ chức. Với sự phát triển từ các chức năng giảng dạy và nghiên cứu truyền thống sang các hoạt động liên quan đến chuyển giao công nghệ thông qua liên kết với ngành và phổ biến tư duy kinh doanh trong cộng đồng đại học, vì các trường đại học khởi nghiệp đã tạo điều kiện cho các tổ chức tạo ra cơ sở hạ tầng đổi mới đã tác động đến sự đổi mới, tạo ra các ứng dụng công nghệ mới và toàn cầu hóa, góp phần tạo nên một không gian liên kết, thăng tiến tri thức và hỗ trợ những thay đổi hiệu quả, thúc đẩy, trong môi trường xã hội, những đổi mới thuận lợi đến sự phát triển của các nền kinh tế...”.

Tuy nhiên, với sự phát triển của chức năng giảng dạy và nghiên cứu, cũng như chuyển giao công nghệ thông qua liên kết với ngành công nghiệp và phổ biến tư duy khởi nghiệp trong cộng đồng học thuật, các trường đại học khởi nghiệp đã tạo ra một cơ sở hạ tầng đổi mới, với nhiều tác động tích cực cho sự phát triển vi mô và vĩ mô. Quá trình chuyển đổi sang đại học khởi nghiệp thể hiện nhu cầu định hướng chiến lược để kiến thức được sử dụng và từ đây vai trò của trường đại học trong xã hội được mở rộng, hình ảnh của một tổ chức là nguồn sáng tạo công nghệ và góp phần phát triển kinh tế trong tương lai, dẫn đến một quỹ đạo chuyển đổi trường đại học. Chính vì vậy, đại học khởi nghiệp là sự cải tiến của đại học nghiên cứu nhờ kết hợp một động lực tuyến tính nghịch đảo và phản hồi với xã hội.

Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia được tổ chức không chỉ là ngày hội cho những thanh niên, sinh viên Việt Nam, mà diễn đàn còn là nơi để các doanh nghiệp tiếp cận và lựa chọn những tài năng trẻ. Diễn đàn tổ chức còn nhằm trao đổi những vấn về lý luận và thực tiễn hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam hiện nay nhằm đề xuất những kiến nghị về chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên, sinh viên, thúc đẩy sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp phát triển trong tương lai. /.

Minh Đức