Một doanh nghiệp Hàn Quốc đã đặt nhà máy sản xuất tại tỉnh Bắc Ninh được 12 năm nhưng hiện nay họ mới chỉ có nhà ở cho chuyên gia người nước ngoài bên trong khu công nghiệp. Doanh nghiệp rất mong đợi các dự án nhà ở công nhân sớm được triển khai.
"Chúng tôi đã phải đi thuê nhà ở bên ngoài cho khoảng 300 công nhân. Nếu có các dự án nhà ở công nhân tập trung, ổn định thì sẽ giữ chân người lao động tốt hơn, cũng như đảm bảo cuộc sống an toàn cho họ, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh", ông Kim Dong Young - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần UIL Việt Nam cho hay.
Thời gian qua, một số nhà ở công nhân đã được xây dựng, với hình thức cho thuê hoặc bán. Ví dụ như căn hộ hơn 50m2, có giá 400 triệu đồng, gia đình anh Sỹ cũng phải vay mượn thêm mới đủ tiền mua căn hộ.
"Mong rằng nhà nước mình sẽ xây dựng nhiều chung cư để những người công nhân, người lao động xa quê như em được an cư lạc nghiệp", anh Vũ Chí Sỹ - công nhân Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.
Theo nghiên cứu của Công ty Cát Tường - một đơn vị chuyên triển khai các dự án nhà ở xã hội, người công nhân chỉ bỏ ra 10 - 15% tổng thu nhập hàng tháng để lo nhà ở. Ví dụ lương 8.000.000 - 10.000.000 đồng, họ sẽ trích ra 1.000.000 - 1.500.000 triệu đồng/tháng để thuê hoặc trả tiền mua nhà.
Nếu vượt quá, họ sẵn sàng chọn nhà trọ không đảm bảo bên ngoài, để tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình. Bởi vậy, doanh nghiệp kỳ vọng, các gói hỗ trợ cho nhà ở công nhân tới đây sẽ tính toán kỹ cách thức hỗ trợ cho cả công nhân và doanh nghiệp xây nhà.
Việc làm nhà ở cho công nhân cũng không chỉ đơn giản xây nhà xong rồi để đó. Thực tế, nhiều dự án đã không thu hút được công nhân vào ở, do thiếu các dịch vụ thiết yếu.
Các doanh nghiệp cho rằng, cần phải tạo sinh khí cho các khu nhà ở công nhân, bằng cách đầu tư đồng bộ hạ tầng, tiện ích, tạo ra nếp sống mới hấp dẫn để thu hút người công nhân vào ở.