Khám phá Địa đạo Kỳ Anh – Huyền thoại trong lòng đất

Khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Địa đạo Kỳ Anh (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) liên tục mấy tuần gần đây mở cửa đón tấp nập, lượng khách đến tham quan ngày càng đông.
hinh-1-1711191418.jpg
Hầm cứu thương sau lưng Đình Thạch Tân

Du khách khi đến với Địa đạo Kỳ Anh tham quan, tại đây du khách được đón tiếp và nghe thuyết minh về hoàn cảnh ra đời, tổng quan về Địa đạo Kỳ Anh - Đình Thạch Tân - Hầm ông Tân, Mương Làng - Cây Rỏi cổ thụ - Thưởng thức ẩm thực dân dã (khoai mỳ, uống nước lá,...) và gặp gỡ trò chuyện cùng nhân chứng sống; xem trình diễn chiếu cói tại làng nghề chiếu cói Thạch Tân; tham gia ẩm thực cùng người dân địa phương.

Địa đạo Kỳ Anh được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia vào tháng 7.5.1997, là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng, cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn trải nghiệm của giới trẻ hiện nay.

hinh-2-1711191418.jpg
Địa đạo Kỳ Anh có tổng chiều dài khoảng 32 km

Kỳ Anh là địa đạo lớn thứ ba của cả nước, sau địa đạo Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) và địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị). Đến với mảnh đất Quảng Nam anh hùng, nơi ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

Theo Ông Huỳnh Kim Ta - Trưởng thôn Thạch Tân (xã Tam Thăng) kiêm bảo vệ, hướng dẫn viên Khu di tích lịch sử cách mạng địa đạo Kỳ Anh cho biết, gần đây du khách trở lại khá đông, trong quý 1.2024 này gần 3.000 lượt khách đến tham quan Địa đạo, phần lớn là khách đến từ ngoại tỉnh và học sinh các trường trong tỉnh đến tìm hiểu lịch sử, giao lưu, sinh hoạt trải nghiệm thực tế.

hinh-3-1711191419.jpg
Xem các hiện vật được trưng bày tại nhà truyền thống ở Địa đạo Kỳ Anh

Đến với mảnh đất Quảng Nam anh hùng, nơi ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Địa đạo Kỳ Anh thuộc xã Kỳ Anh trước đây (nay là xã Tam Thăng), thành phố Tam Kỳ, cách trung tâm thành phố 7 km về phía Đông Bắc. Địa đạo Kỳ Anh hình thành trong bối cảnh lịch sử của cuộc đấu tranh chống Mỹ vào giai đoạn quyết liệt nhất ở chiến trường Quảng Nam những năm 1964 - 1975. Cuộc chiến đấu của quân và dân Kỳ Anh diễn ra vô cùng quyết liệt, anh dũng, sáng tạo trong chiến đấu, bám trụ đánh bại và tiêu diệt nhiều sinh lực kẻ thù làm cho địch “Bạt vía kinh hồn”. Tính sáng tạo đó được thể hiện qua việc xây dựng hệ thống địa đạo, mở ra hệ thống hầm bí mật trong lòng đất để trụ bám, đánh địch, một thành đồng lũy thép, địa đạo của lòng dân.

Trong một lần tình cờ, tôi có cơ hội được gặp bác Huỳnh Kim Hạnh (58 tuổi), là người được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt nhất trên mảnh đất Thạch Tân này. Hiện nay bác Hạnh cũng là người hướng dẫn du khách đến tham quan, nghiên cứu địa đạo. Đầu tiên, bác Hạnh giới thiệu đình Thạch Tân, là ngôi đình cổ, được xây dựng từ 300 năm trước, gắn liền với việc khai canh, khai cơ thờ các bậc tiền nhân. Đình là một bộ phận quan trọng của hệ thống địa đạo Kỳ Anh.

hinh-4-1711191420.jpg
Cây rỏi cổ thụ trên 100 năm tuổi dân quân địa phương nơi làm đài quan sát của dân quân địa phương

Địa đạo Kỳ Anh bắt đầu đào từ tháng 5/1965 và hoàn thành vào năm 1967. Tổng chiều dài địa đạo khoảng 32 km, nằm dưới mặt đất chừng 1,6 m, chiều rộng từ 0,5-0,8 m, chiều cao khoảng 0,8-1 m, chiều dài các đoạn Địa đạo tùy theo địa thế của mỗi thôn (trong lòng địa đạo có nơi rất hẹp, nhằm đề phòng khi địch phát hiện miệng địa đạo, dùng hơi cay hay lựu đạn ném xuống, ta dễ dàng bịt kín ngăn đoạn còn lại để thoát tránh thương vong).

Địa đạo là mạng lưới đường hầm gồm: hầm cứu thương, hầm chỉ huy, hầm tác chiến, hầm chứa lương thực, theo dạng bàn cờ, quanh co, uốn khúc, nhiều ngõ ngách, chạy dài men theo các bờ tre, mương nước, bụi rậm, nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà dân, qua giếng nước, gian bếp trải khắp thôn xóm trong toàn xã, trong đó qui mô và sử dụng địa đạo có hiệu quả nhất là ở thôn Thạch Tân và thôn Vĩnh Bình.

hinh-5-1711191420.jpg
Mô hình hầm tránh pháo khi có máy bay ném bom

Lực lượng tham gia đào địa đạo là lực lượng tổng hợp, sức mạnh quân dân: Bộ đội, du kích địa phương, phụ nữ, nông dân, thanh thiếu niên… Dụng cụ đào được người dân sử dụng hầu hết đều gắn liền với cuộc sống như cuốc, xẻng ngắn cán, xà beng và mủng, thúng, trạt để đem đất đổ đi nơi khác. Vì là nơi gần sát với tai mắt của địch nên công việc được tiến hành vào ban đêm và bí mật, khẩn trương. Miệng hầm nằm trong các nhà dân, gian bếp, chuồng bò, đình, bụi tre, giếng nước, gốc cây… và được ngụy trang cẩn thận không để địch phát hiện.

Địa đạo là thành trì vững chắc giúp quân và dân Kỳ Anh trụ bám đánh địch mỗi khi chúng càn quét, bảo tồn lực lượng, tổ chức phản công và giữ vững địa bàn. Đồng thời là nơi ẩn nấp của các cán bộ bám trụ sát dân, nắm chắc từng địa bàn được phân công phụ trách, đáp ứng được yêu cầu đánh địch, bảo tồn lực lượng. Địa đạo Kỳ Anh cũng là nơi tổ chức sơ cấp cứu thương binh, nơi tiếp tế lương thực cho lực lượng vũ trang quân khu, tỉnh đội góp phần lập chiến công hiển hách oai hùng.

hinh-6-1711191420.jpg
Du khách trải nghiệm làm chiếu cói tại Thạch Tân

Sau khi được nghe giới thiệu lịch sử xây dựng, đấu tranh của quân và Nhân dân xã Kỳ Anh, được đi thăm hệ thống địa đạo, chúng tôi khâm phục tinh thần dũng cảm, sự sáng tạo, ý chí quật cường của người dân nơi đây đã kỳ công xây dựng nên một “Thành đồng trong lòng đất”, bất chấp gian khổ, hy sinh.

Chia tay địa đạo Kỳ Anh, mặc dù không nói ra nhưng mỗi người đều cảm thấy tự hào về tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường chiến đấu của người dân xứ Quảng đã lập nên chiến công vang dội. Và hôm nay đây dưới mỗi bước chân chúng ta đi vẫn còn xương thịt của hàng trăm chiến sĩ kiên cường, bất khuất nằm lại nơi mảnh đất thiêng liêng này. Thạch Tân và địa đạo Kỳ Anh là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Quang Khải