Khai thông vốn phục vụ tăng trưởng

Lương Đàm
Mặt bằng lãi suất cho vay đang duy trì thấp, nhưng chưa đạt kỳ vọng vay của doanh nghiệp, vì vậy đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải tiếp tục “khai thông”.
sieu-thi-1701567953.jpg
Kỳ vọng sức mua cuối năm khởi sắc, ngân hàng tăng cường hỗ trợ vốn.

Linh hoạt để đẩy vốn vay

Trong công điện mới đây gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện giải pháp nâng cao hiệu quả điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, điều hành tín dụng; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo NHNN, đến cuối tháng 11/2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 8,09%, như vậy vẫn còn khoảng 6 - 7% vốn tín dụng toàn ngành, tương đương 600.000 - 700.000 tỷ đồng cần được giải ngân đến hết năm. Đề cập về lãi suất, một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện đã giảm khoảng 1,5 - 2%/năm so với cuối năm ngoái, nhưng tốc độ giảm này chưa tương xứng với mức giảm 3 - 4% của lãi suất huy động.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại diện Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết, ngân hàng đang áp dụng chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ các khách hàng cá nhân vay thế chấp trung và dài hạn với lãi suất chỉ từ 6,8%/ năm. Đây là lần điều chỉnh giảm lãi suất thứ 5 của MSB kể từ đầu năm 2023. Chương trình được áp dụng đến hết 31/12/2023 đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay thế chấp mục đích mua nhà, xây sửa nhà, mua sắm trang thiết bị gia đình, du học, chi trả học phí... và được thiết kế dưới dạng các gói vay với lãi suất cạnh tranh chỉ từ 6,8%/ năm.

Đối với nhóm khách hàng đang sở hữu căn hộ chung cư hoặc nhà phố khi đăng ký vay tại MSB sẽ được miễn bước chứng minh thu nhập... Bên cạnh đó, với chính sách tín dụng linh hoạt, MSB cũng áp dụng phương pháp phê duyệt ưu tiên đối với nhóm khách hàng trên, khách hàng có thể vay lên tới 10 tỷ đồng mà không cần chứng minh thu nhập...

Ngân hàng Bảo Việt cũng vừa tung ra gói tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua bất động sản xây dựng, sửa chữa nhà... với lãi suất từ 6,5%/năm; Ngân hàng TMCP Á Châu nâng gói tín dụng ưu đãi lên 50.000 tỷ đồng, lãi suất giảm đến 3%...

Cùng với nỗ lực giảm lãi suất, giới phân tích nhận định, tín dụng có thể tăng khoảng 2%/tháng từ nay tới cuối năm, bởi thời điểm này đang là cao điểm cho các đơn hàng cho năm mới. Tuy nhiên, cơ chế cho vay vốn cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Ông Lê Vĩnh Sơn, đại diện Hiệp hội Sản xuất sản phẩm công nghiệp Hà Nội cho biết, thực tế cho thấy doanh nghiệp trả nợ trước thường chịu phạt lãi trả trước 1 - 5%. Vì vậy, các ngân hàng nên miễn phí trả nợ trước hạn hoặc chỉ áp dụng mức khoảng 1% thay vì để phí cao như hiện nay.

Bên lề cuộc họp báo Chính phủ mới đây, lãnh đạo NHNN khẳng định, toàn bộ hệ thống ngân hàng có thể chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng không thể hạ chuẩn điều kiện cho vay. Mọi điều kiện, nguyên tắc, thủ tục cho vay phải theo đúng quy định. Các ngân hàng thương mại có thể linh hoạt, tính toán hợp lý để tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tập trung hỗ trợ khách hàng bên cạnh chính sách ưu đãi lãi suất.

Tháo gỡ ''điểm nghẽn''

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh nhận định, dịp cuối năm, nhu cầu tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng cũng như đi lại, du lịch và các hoạt động kinh tế dịp Tết cổ truyền sẽ tăng trưởng. Tăng trưởng này sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng. Nhưng để tăng trưởng tín dụng tốt đòi hỏi phải kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư.

Theo TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, hiện nay tình hình kinh tế còn khó khăn, có thể kéo dài đến năm 2024. Song, kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi. Trước thực tế hiện nay, NHNN cần tháo gỡ các “điểm nghẽn” đến nơi đến chốn, nhất là nỗ lực giảm lãi suất huy động và rà soát lại tất cả các gói tín dụng...

“Một yêu cầu mang tính thời đại là phải chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, Việt Nam có nhiều chương trình quốc gia, do đó, cần có đạo luật chuyển đổi xanh để không lỡ mất cơ hội. Ngoài ra, Việt Nam cần tận dụng cơ hội khi doanh nghiệp còn sức lực, còn chống chịu được và muốn vậy cần tập trung tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản ở cả cung và cầu, bởi lĩnh vực này có tác động tới nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế và cần củng cố thị trường tài chính để tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế”, TS Trần Du Lịch nhận định.