Tối ngày 21/11, tại Trung tâm văn hóa tỉnh Trà Vinh, Tuần lễ Văn hóa, Du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ gắn với lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2023 chính thức khai mạc. Sự kiện này kéo dài từ ngày 21 - 27/11/2023 với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi.
Dự lễ khai mạc có ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh; Ông Lâm Minh Đằng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; Ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Nguyễn Văn Triết, UV BTV Tỉnh uỷ Chủ tịch UBMTTQ tỉnh; Bà Dương Thị Ngọc Thơ, UV BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Ông Lê Thanh Bình, UV BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh,... cùng lãnh đạo các tỉnh bạn, chức sắc tôn giáo, các cơ quan báo chí, truyền thông và toàn thể bà con nhân dân, du khách thập phương.
Là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của Trà Vinh, Tuần lễ năm nay diễn ra với quy mô cấp tỉnh gắn liền với nhiều hoạt động mới mẻ, hấp dẫn như Farmtrip, Hội thi trình diễn trang phục Khmer, trình diễn nghề làm bánh dân gian,… nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Ok Om Bok. Đồng thời, đây cũng là dịp quảng bá tiềm năng du lịch, liên kết, xúc tiến phát triển ngành du lịch của tỉnh Trà Vinh.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Lê Thanh Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Tuần lễ chia sẻ: “Sự kiện “Tuần lễ Văn hóa, Du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2023” diễn ra trong không khí phấn khởi trước những thành tựu về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đã đạt được. Thông qua các hoạt động trong chuỗi sự kiện Tuần lễ hội nhằm quảng bá, giới thiệu điểm đến an toàn, hấp dẫn cho du khách trong cả nước, du khách quốc tế và bà con nhân dân tỉnh nhà tham quan, vui chơi giải trí, vui cùng lễ hội. Nhân dịp này, tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành, quý vị Chư tăng, đồng bào Khmer trong tỉnh tiếp tục giữ gìn sự đoàn kết, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; bảo tồn, khai thác có hiệu quả giá trị di sản, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trong tương lai”.
Chương trình khai mạc mang âm hưởng nghệ thuật và đặc trưng văn hóa Trà Vinh như múa trống Chhay-dàm (Sa Dăm), điệu Lâm Thôn, ca cổ,… với những điệu múa dân gian, lưu truyền rộng rãi qua nhiều thế hệ trong cộng đồng phum sóc, trở thành biểu tượng không thể thiếu trong các dịp lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer, được tái hiện rõ nét qua các tiết mục trình diễn đầu tư công phu.
Chị Vũ Thị Hằng, du khách đến từ Hà Nội hào hứng: “Mặc dù đã được tham dự nhiều lễ hội trên cả nước nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến với Lễ hội ở Trà Vinh, bản thân cảm thấy không khí rất sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú, ẩm thực đa dạng và nét văn hoá rất riêng của vùng đất Nam Bộ. Tôi hy vọng trong tương lai, Trà Vinh sẽ sớm là địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch Việt Nam”.
Ông Dương Hoàng Sum - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết: “Thông qua lễ hội nhằm bảo tồn nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh; giới thiệu, quảng bá đến du khách những hình ảnh về con người Trà Vinh; tiềm năng thế mạnh, sự phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của tỉnh. Việc tổ chức sự kiện cũng góp phần tăng cường công tác giao lưu, liên kết phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch của tỉnh với các tỉnh, thành bạn trong cả nước. Cuối cùng việc tổ chức sự kiện là để tạo không gian vui chơi, giải trí vào dịp cuối năm cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, góp phần phục hồi phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của tỉnh sau gần 02 năm bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh”.
Cùng với sự đổi mới và phát triển của Việt Nam trên bước đường hội nhập kinh tế toàn cầu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cộng đồng các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trong tỉnh Trà Vinh đã đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng để hôm nay Trà Vinh ngày càng trở nên tươi đẹp hơn, trù phú hơn với khát vọng ngày càng phát triển và phồn vinh trong tương lai.