Đặc sắc Lễ dâng y Kathina tại Chùa Hang

Võ Việt
Lễ dâng y Kathina là nghi lễ mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, bên cạnh ý nghĩa thể hiện thiện tâm của Phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, còn có ý nghĩa cầu cho phum, sóc yên ấm, gia đình bình an, cầu mưa thuận gió hòa, tạo không khí vui tươi cho Phật tử, cho bà con trong phum, sóc.
chua-hang-12-1700538875.jpg

Hàng năm, trong khoảng thời gian từ ngày 15/9 đến 15/10 Âm lịch, bà con người Khmer Nam Bộ cư trú tại khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, lại rộn ràng tổ chức Lễ dâng y Kathina hay còn gọi là Lễ dâng bông hoặc Lễ dâng y cà sa. Đây là nơi toạ lạc của Chùa Hang - ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer.

chua-hang-1-1700538874.jpg

Chùa Kompông Chrây (có nghĩa là "bến cây đa"), còn có tên là Kompongnikroth (tên chính của chùa là Kompông Chrây, vì hồi xưa phía trước cổng chùa có một bến đò ở dưới gốc cây đa). Sau này, người dân thấy cổng phụ được thiết kế như một cái hang nên người ta mới gọi là "Chùa Hang".

chua-hang-9-1700538874.jpg

Đối với những người dân theo Phật giáo Nguyên thủy (Phật giáo Nam tông hay Phật giáo Tiểu thừa), Lễ dâng y Kathina mang một ý nghĩa hết sức to lớn, vừa thể hiện thiện tâm của người phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, vừa tạo nên niềm vui lớn trong mùa lễ hội cho người phật tử tại gia

chua-hang-2-1700538874.jpg

"Kathina" theo ngôn ngữ kinh điển của Phật giáo Nam Tông, dùng trong việc chép kinh cùng tụng niệm thì có nghĩa là sự vững bền, chặt chẽ. Lễ dâng y của Phật tử người Khmer sẽ gieo nhiều phúc đức và việc người nhận y áo là các nhà sư, sẽ viên mãn trong quá trình tu tập

chua-hang-8-1700538874.jpg

Vật phẩm dâng lên lễ, ngoài những lễ vật truyền thống như, áo cà sa vật phẩm quan trọng nhất để tưởng nhớ về nghi thức của lễ do Phật dựng lên, bình bát để sư sãi khất thực, tập, viết..., còn có các vật dụng sinh hoạt, đồ dùng hằng ngày cần thiết khác trong chùa như: Thuốc uống, thực phẩm, đồ gia dụng

chua-hang-7-1700538874.jpg

Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy từ khởi nguyên, mỗi năm có một mùa an cư nhập hạ kéo dài 3 tháng, sau những ngày người tu hành đã tinh tấn trong đạo học và giữ gìn thu thúc trong giới hạnh là đến ngày phật tử có cơ hội duy nhất trong năm dâng bộ y áo cà sa Kathina, bình bát và tứ sự tới chư vị Tỳ khưu. Vì thế, hàng năm, từ rằm tháng 9 tới rằm tháng 10, tại các trường hạ, nơi có chư tăng an cư, Lễ dâng y Kathina được tổ chức long trọng và thiêng liêng

chua-hang-3-1700538874.jpg

Lễ dâng y Kathina là ngày lễ dâng lên Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) tứ vật dụng, nhất là các lễ vật thiết yếu dùng trong nhà chùa và dùng trong sinh hoạt của chư tăng như: Áo cà sa, bình bát để sư khất thực, nhu yếu phẩm, tập viết… Đây là những vật phẩm để các sư sãi dùng trong học tập và sinh hoạt hằng ngày, trong các lễ vật đó, chiếc áo cà sa là một lễ vật rất quan trọng không thể thiếu

chua-hang-4-1700538874.jpg

Ngoài ra, nhiều gia đình còn cúng dường cho chùa nhiều vật dụng khác như: Giường, bàn ghế, tủ, chăn, gối... để thể hiện lòng thành kính cũng như góp phần trang bị vật dụng cho nhà chùa. Ngoài việc dâng các lễ vật thiết yếu đến ngôi Tam bảo, các tín đồ phật tử và các mạnh thường quân còn đóng góp kinh phí với mục đích là để trùng tu, sửa chữa chùa chiền và cung cấp lương thực, thực phẩm đến các chư tăng, để các ngài yên tâm tu học, phụng sự phật pháp

chua-hang-5-1700538874.jpg

Trong dịp lễ dâng y diễn ra, y áo và các vật cúng dường khác được phật tử đặt vào mâm rồi đội lên đầu để tỏ lòng kính ngưỡng tam bảo, sau đó đi diễu hành trong thôn xóm, làng mạc trước khi đến chùa để dâng lên chư tăng. Khi tiến hành lễ dâng y, phật tử không trực tiếp tự tay dâng y mà đặt y trước mặt chư tăng. Chư tăng chỉ nhận bằng cách im lặng chứ không dùng tay thụ nhận

chua-hang-10-1700538875.jpg

Lễ dâng y là nghi lễ mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, bên cạnh ý nghĩa thể hiện thiện tâm của phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, còn có ý nghĩa cầu cho phum, sóc yên ấm, gia đình bình an, cầu mưa thuận gió hòa, tạo không khí vui tươi cho phật tử, cho bà con trong phum, sóc. Bên cạnh đó, giúp con người sống gần gũi và thân thiện, đoàn kết, sống có trách nhiệm và luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau, góp phần bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường sự đoàn kết giữa chư tăng, phật tử trong phum, sóc

Võ Việt