Tới dự lễ khai giảng có Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí Bộ thông tin và Truyền thông; Ông Đinh Đức Thiện - Hiệu trưởng Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông cùng đông đảo các học viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí.
Theo ban tổ chức khóa học, chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí”, nội dung gồm 7 chuyên đề với 80 tiết, trong đó 48 tiết học, 8 tiết báo cáo, 16 tiết viết thu hoạch; 8 tiết đi thực tế. Cụ thể:
Phần I: Kiến thức chung về nghiệp vụ quản lý báo chí
Phần II: Kỹ năng quản lý của cơ quan báo chí
Phần III: Đi thực tế và viết thu hoạch
Kết thúc khóa học, học viên đủ điều kiện sẽ được Trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học. Đây là một trong những điều kiện để hoàn thiện điều kiện về tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí.
Tại lễ khai giảng, Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí Bộ thông tin và truyền thông cho biết: Cả nước hiện có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, với hơn 18.000 người được cấp thẻ nhà báo. Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, bám sát với tình hình thực tiễn và có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, hiện nay báo chí của nước nhà đang đứng trước các thách thức lớn với nhiều thực trạng nhức nhối như nạn “câu view” đang “đồng hóa” báo chí điện tử, tình trạng nhiều cơ quan báo chí chỉ chú trọng phản ánh các vấn đề, vụ việc tiêu cực, nhưng không tập trung vào các tin, bài có tính lý luận khoa học.
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc nêu rõ, cơ quan quản lý Nhà nước không chỉ chú trọng quản lý nội dung đi đôi với quản lý nền tảng, công nghệ, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ mà còn tiếp tục rà quét, đo đạc và siết chặt hoạt động báo chí theo đúng tôn chỉ mục đích. Xử lý mạnh mẽ, triệt để tình trạng báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin, báo hóa mạng xã hội và tình trạng “tư nhân hóa “ hoạt động báo chí.
Chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện - xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại. Cả xã hội đang thực hiện chuyển đổi số và báo chí cũng trong hướng đi này, đây là sự lựa chọn duy nhất, là xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại. Chưa bao giờ từ khóa “Chuyển đổi số” lại được nhắc nhiều như hiện nay. Khi người đọc đã có sự thay đổi nhu cầu và thói quen, thì chuyển đổi số là điều bắt buộc, để giúp báo chí gần gũi và phục vụ bạn đọc và công chúng tốt hơn. Do đó, báo chí phát triển theo hướng có trọng tâm và quản lý phải hài hào trên cơ sở Luật Báo chí và những quy định của Đảng, nhất là công tác cán bộ, Cục trưởng cục báo chí Lưu Đình Phúc nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi lễ khai giảng, Ông Đinh Đức Thiện - Hiệu trưởng Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản thông tin và truyền thông nêu rõ: “Với quan điểm đào tạo, bồi dưỡng theo hướng mở, trong quá trình học tập có sự tương tác đa chiều giữa giảng viên với học viên và giữa học viên với học viên; trong đó đặc biệt chú ý tới những bài tập tình huống trong thực tế tác nghiệp cũng như lãnh đạo, quản lý của các học viên đã và sẽ trải qua trong quá trình công tác của mình. Đứng lớp của khóa học là các giảng viên có trình độ lý luận, nghiệp vụ và có kinh nghiệm thực tế lâu năm, nắm bắt đầy đủ chủ chương, chính sách, chiến lược phát triển về lĩnh vực báo chí”.
Khóa học bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý Nhà nước về Báo chí sẽ đáp ứng điều kiện để nhiệm lãnh đạo các cơ quan báo chí (theo quy định về điều kiện bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí tại điều 6, Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21/8/2007 của Ban bí thư Trung ương ban hành "Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí"). Thông qua khóa học các học viên sẽ được trang bị kiến thức pháp luật, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực báo chí. Cung cấp kiến thức về nghiệp vụ quản lý báo chí và kỹ năng cơ bản về lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí cho học viên sẽ được bổ nhiệm là lãnh đạo các cơ quan báo chí.