Khắc phục tình trạng cán bộ “lướt sóng”

“Lướt sóng” là môn thể thao dưới nước, người chơi lợi dụng lực đẩy đầu các con sóng để tiến nhanh về phía trước. Trong công tác cán bộ, “lướt sóng” để chỉ những người được bổ nhiệm thần tốc, luân chuyển qua các vị trí từ thấp đến cao một cách nhanh chóng.

Mặc dù đúng quy trình, thủ tục nhưng mỗi vị trí công tác chỉ “lướt sóng” để làm đẹp “sơ yếu lý lịch”, thực tế năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý, sâu sát cơ sở của cán bộ thì còn phải đặt dấu hỏi.

Nhận rõ có một bộ phận cán bộ “lướt sóng”, mới đây, tại Quy định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đã tăng thêm hai điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn so với trước đây, đó là: Cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên; đối với nhân sự từ nguồn ở bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Đồng thời, cán bộ phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là hai năm (trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định)...

nlntv-luotsong-1663551690.jpg
Ảnh minh họa quy trình bổ nhiệm cán bộ: Dangcongsan.vn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn về công tác cán bộ, đó là: Phải biết rõ cán bộ. Biết không phải theo mối quan hệ thân quen, họ hàng thân tộc, anh em, bầu bạn, mà biết rõ là cần có cách nhìn nhận, đánh giá về quá trình học tập, công tác, năng lực sở trường, về phẩm chất đạo đức và năng lực trí tuệ để bố trí công việc cho hợp lý. 

Chiếu theo Quy định 80 mà làm sẽ bảo đảm cán bộ được đảm nhận chức vụ có thời gian thể hiện năng lực cá nhân, tạo điều kiện cho cán bộ cống hiến, sâu sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân, có đủ trình độ lý luận và thực tiễn để hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ đảm nhận. Đồng thời, đây là điều kiện để mỗi cơ quan, đơn vị có điều kiện đánh giá, nhìn nhận những ưu, nhược điểm của cán bộ.

Để quy định đi vào cuộc sống, quan trọng vẫn là khâu tổ chức chỉ đạo thực hiện. Dẫu biết rằng mọi quy định, quyết định đều không phủ quát hết mọi đối tượng, mọi khía cạnh của thực tiễn nhưng nếu chúng ta làm nghiêm túc, công tâm, khách quan, chú trọng quan tâm, quy hoạch, tạo nguồn, bồi dưỡng, rèn luyện, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ có đạo đức trong sáng, năng lực vượt trội từ sớm thì không sợ cán bộ bị trễ nhịp phát triển. Ngược lại, nếu quy định thực hiện không nghiêm, lại biến “những trường hợp đặc biệt” thành đa số, nơi đâu cũng “linh hoạt” áp dụng mà không kèm theo các điều kiện đặc biệt thì công tác cán bộ sẽ bị méo mó, khó có thể chọn được cán bộ tốt phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Do vậy, quá trình tổ chức thực hiện phải hết sức chú trọng phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn. Đồng thời, cấp trên thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với định kỳ, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; xây dựng kế hoạch, phân công tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất...

Làm tốt những việc trên sẽ khắc phục được tình trạng cán bộ "lướt sóng", góp phần lựa chọn được những cán bộ đủ đức, đủ tài phục vụ cho dân, cho nước, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; tạo chuyển biến tích cực vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.