Kết nối doanh nhân đất Việt chắp cánh tài năng Việt

Ngày 9/7, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long và Tạp chí Tinh hoa Đất Việt phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình giao lưu với chủ đề "Linh thiêng hào khí Thăng Long, rạng danh con cháu Lạc Hồng - Doanh nhân đất Việt chắp cánh tài năng Việt"

Chương trình được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), hướng tới chào mừng Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 02/9/2024) và 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Phát biểu khai mạc chương trình, đại diện Ban Tổ chức cho biết, đây là chương trình giao lưu nghệ thuật đặc sắc, với sự tham gia của các khách mời đặc biệt là những nhân chứng lịch sử, những cựu tù chính trị nhà tù Hỏa Lò, những tấm gương tiêu biểu trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

ba-loan-1720577426.jpg
GS.TS Từ Thị Loan - viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Lọng - phát biểu tại chương trình

Với sự tri ân sâu sắc và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", chương trình được tổ chức nhằm kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà thiện tâm trong cả nước dành sự quan tâm thiết thực, chia sẻ và tôn vinh các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng, các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vườn lên đạt thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập.

Phát biểu tại chương trình, GS. TS Từ Thị Loan - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho biết, trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta - những con dân Việt luôn tự hào là dòng máu Lạc Hồng với truyền thống yêu nước quật cường của cha ông và luôn cố gắng trao truyền, tiếp nối hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Trong cuộc sống hòa bình, hạnh phúc ngày hôm nay, chúng ta không bao giờ quên tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh xương máu cho nền độc lập dân tộc, các chiến sĩ cách mạng đã chịu cảnh tra tấn, tù đầy vì tương lai tươi sáng của đất nước. Nối tiếp truyền thống hào hùng của cha ông, thế hệ trẻ ngày hôm nay đã không ngừng tu dưỡng, phấn đấu để tiếp tục làm rạng danh dòng máu Tiên - Rồng, đạt thành tựu đáng ghi nhận trong học tập và rèn luyện.

gia-dinh-co-cong-cm-1720577636.jpg
Ban tổ chức trao quà tri ân cho các cựu tù chính trị, thương bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng

GS. TS Từ Thị Loan nhấn mạnh: Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long và Tạp chí Tinh hoa Đất Việt đã không ngừng cố gắng quảng bá, tôn vinh những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc, lan tỏa tinh thần yêu thương, cổ vũ động viên tinh thần hiếu học của thế hệ trẻ, hỗ trợ nhân tài, chắp cánh cho tài năng Việt. 

Việc tổ chức Chương trình giao lưu với chủ đề "Linh thiêng hào khí Thăng Long, rạng danh con cháu Lạc Hồng - Doanh nhân đất Việt chắp cánh tài năng Việt" là một trong những nỗ lực nhỏ bé của chúng tôi, nhằm tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết, niềm tự hào dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ và giáo dục truyền thống yêu nước tiếp nối sự nghiệp hào hùng của cha ông.

Trong dịp này, Ban Tổ chức đã trao quà cho 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 20 gia đình chính sách có công với cách mạng, các cựu tù Hỏa Lò, Phú Quốc và 20 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật nhưng đạt được thành tích xuất sắc trong học tập.

toan-canh-1720577793.jpg
Toàn cảnh chương trình

Chương trình cũng ghi nhận và biểu dương những doanh nhân, doanh nghiệp, lương y, nghệ nhân, nhà hoạt động xã hội,… đã dành sự quan tâm thiết thực, chia sẻ và hưởng ứng cho chương trình. Tôn vinh các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, kinh doanh, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo an sinh xã hội.

Thông qua chương trình, Ban Tổ chức hy vọng sẽ tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội với chủ đề thắp sáng ngọn lửa tri ân, từ đó nhân rộng lên những tấm gương người tốt - việc tốt, đưa những giá trị đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam vươn cao hơn nữa trong cộng đồng quốc tế.

Nguyễn Liên