Katinat gây tranh cãi từ việc ủng hộ lũ lụt miền Bắc: Nữ đại gia đứng sau là ai?

Thương hiệu Katinat gây tranh cãi khi trích 1.000 đồng từ mỗi ly nước để ủng hộ miền Bắc, nhận hàng chục nghìn lượt phản ứng phẫn nộ. Ít ai biết, người đứng sau chuỗi cafe 'sang chảnh' này là một đại gia trong giới kinh doanh - tài chính, "bà trùm" đằng sau nhiều thương hiệu F&B đình đám tại Việt Nam.
katinat-truong-nguyer-thien-kim-1726202806.jpg
Bà Trương Nguyễn Thiên Kim - người đứng sau nhiều thương hiệu F&B đình đám tại Việt Nam (Ảnh: Internet)

Bà Trương Nguyễn Thiên Kim - một cái tên quen thuộc trong giới kinh doanh và tài chính, đồng thời là người đứng sau chuỗi cà phê Katinat, đã góp 32 tỷ đồng để thành lập công ty vận hành thương hiệu này. Bà Kim không chỉ được biết đến là vợ của ông Tô Hải – Tổng Giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap, mà còn là người đứng sau nhiều thương hiệu F&B đình đám tại Việt Nam.

Khi thành lập, Công ty cổ phần Café Katinat có vốn điều lệ 38 tỷ đồng, trong đó bà Trương Nguyễn Thiên Kim nắm giữ 84,2% cổ phần, tương đương 32 tỷ đồng. Các cổ đông khác bao gồm ông Đinh Việt Hà và ông Lê Ngọc Khánh, mỗi người góp 3 tỷ đồng, chiếm 7,89% cổ phần.

Ngoài Katinat, bà Thiên Kim còn là một doanh nhân thành đạt với nhiều chức vụ quan trọng tại các doanh nghiệp lớn như thành viên HĐQT tại Công ty cổ phần Sữa Quốc tế, thành viên HĐQT độc lập tại Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Bến Thành, thành viên Ban kiểm soát tại Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây, và Giám đốc Tài chính tại Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á. Đặc biệt, bà sở hữu 5,17% cổ phần Công ty Chứng khoán Vietcap, tương đương gần 992 tỷ đồng tính đến ngày 12/9.

katinat-5282-1726202641.jpg
Bài đăng của Katinat được cho là gây phẫn nộ trên MXH (Ảnh: Internet)

Katinat và sự kiện gây tranh cãi về việc ủng hộ miền Bắc:

Ngày 11/9, thương hiệu Katinat đã đăng thông báo trên fanpage về việc trích 1.000 đồng trên mỗi ly nước bán ra từ ngày 12/9 đến 30/9 để ủng hộ đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả thiên tai. Mặc dù hành động này được công bố với mục đích thiện nguyện, nhưng lại vấp phải nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng.

Một số người cho rằng, chương trình này dường như đang lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người dân miền Bắc để quảng bá thương hiệu và kích cầu doanh số. Hơn nữa, thời điểm kết thúc chương trình vào ngày 30/9 bị cho là không hợp lý, vì cứu trợ cho người dân vùng bão lũ cần sự nhanh chóng và khẩn cấp. Nhiều bình luận trên bài đăng cho rằng: “Thay vì mua một ly nước 60.000-70.000 đồng để trích 1.000 đồng ủng hộ, hãy nhịn uống một ly và chuyển trực tiếp số tiền đó cho miền Bắc.”

Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ, thương hiệu Katinat đã nhanh chóng đăng lời xin lỗi khách hàng trên fanpage, đồng thời thông báo rằng họ đã đóng góp trực tiếp 1 tỷ đồng cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương. Điều này thay thế cho việc trích tiền trên mỗi ly nước bán ra như kế hoạch ban đầu.

Hành động thiện nguyện của Katinat ban đầu có ý nghĩa, nhưng sự thiếu tính toán kỹ lưỡng và chiến lược truyền thông không phù hợp đã dẫn đến phản ứng tiêu cực từ cộng đồng. Trong khi các doanh nghiệp có thể tham gia vào công tác xã hội, việc làm sao để hành động đó vừa hiệu quả, vừa nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Trường hợp của Katinat là một bài học đáng giá cho các doanh nghiệp trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông và thực hiện trách nhiệm xã hội một cách phù hợp hơn.

BXT/T.H