Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn là chủ trương lớn của Thái Nguyên, đã được các địa phương trong tỉnh quan tâm, sát sao thực hiện. Trong đó, huyện Phú Bình dù đối mặt với nhiều khó khăn khách quan, nhưng bằng quyết tâm cao và chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đã nỗ lực làm tốt công tác quan trọng này, giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn.
Trong những năm qua, UBND huyện Phú Bình đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đạt nhiều kết quả. Công tác đào tạo nghề có nhiều đổi mới cả về nội dung chương trình và hình thức đào tạo theo hướng xã hội hóa, hợp tác liên kết để nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội. Công tác lao động, việc làm được quan tâm triển khai đồng bộ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có gần 2.300 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm và hơn 450 người được hỗ trợ học nghề. Kết quả, đã giải quyết việc làm được cho 1.560 lao động.
UBND huyện Phú Bình cho biết, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và người dân, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt nhiều kết quả, học viên tham gia vào lớp học nghề đều tự tạo việc làm tại gia đình, góp phần ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập. Phần lớn lao động nông thôn khi tham gia các lớp học nghề đã mạnh dạn, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, góp phần nâng cao năng xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Công tác dạy nghề đã tạo được uy tín và niềm tin đối với người lao động, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Bình, Trung tâm GDNN-GDTX huyện là đơn vị chủ đạo trong việc triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Năm 2024, Trung tâm đã triển khai 5 lớp đào tạo cho tổng số 150 học viên với các nghề phù hợp nhu cầu của người lao động như: Kỹ thuật chế biến món ăn, trồng rau an toàn, nuôi và phòng, trị bệnh cho lợn... Trong quá trình đào tạo, Trung tâm thường xuyên tổ chức cho cho học viên đi thăm quan các mô hình có quy mô vừa và nhỏ để học viên học tập kinh nghiệm như: Mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Đồng Liên; mô hình chăn nuôi bò của gia đình anh Hồng ở xóm Phú Xuân, xã Nga My; mô hình chăn nuôi lợn của anh Khoát Hạnh ở Ngọc Sơn, Điềm Thụy; mô hình nuôi gà của gia đình anh Hiếu Nhạn ở Bảo Lý….
Chị Hoàng Thị Thắm (xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành) cho biết, từ kiến thức có được thông qua lớp đào tạo nghề chăn nuôi, cùng nguồn vốn chính sách hỗ trợ, gia đình chị nay đã có cuộc sống ổn định, ngày thêm phát triển. “Được Nhà nước hỗ trợ bò giống để nuôi, lại được địa phương đưa tận nơi để nhận bò và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, kết hợp kiến thức chăn nuôi đã được đào tạo bài bản, gia đình tôi đã cố gắng chăm sóc thật tốt để con bò phát triển, có nguồn thu nhập phát triển kinh tế. Sau vài tháng nuôi, đến nay con bò của gia đình tôi rất khỏe mạnh và ăn tốt. Kinh tế gia đình đã ngày một ổn định” – chị Thắm vui mừng chia sẻ.
Với những kết quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo tại huyện Phú Bình. Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện, công tác đào tạo nghề đã cơ bản làm thay đổi nhận thức của người lao động trong phát triển kinh tế tại địa phương; tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tăng thời gian sử dụng lao động, giảm thiểu tệ nạn xã hội, tạo nên những thành quả trong nông nghiệp, nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh chính trị trên địa bàn.
Bước sang năm 2025 và những năm tiếp theo, huyện Phú Bình xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, thực hiện lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triến kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm tiếp tục giữ vững hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt đối với hộ nghèo, trợ giúp đối tượng có thể tiếp cận tốt hơn đối với lĩnh vực đào tạo nghề, việc làm; Gắn chặt giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm, chú trọng đào tạo đón đầu nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp và thị trường lao động; Tăng cường triển khai có hiệu quả các chương trình vay vốn tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất; Đa dạng hoá các nguồn tín dụng nhằm thúc đẩy tạo việc làm mới, việc làm cho đối tượng yếu thế tạo thu nhập ổn định cho lao động địa phương, đặc biệt là đối với các xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn; khuyến khích các hình thức phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình...
Do đó, huyện Phú Bình sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình và người dân về học nghề, việc làm hợp pháp có thu nhập ổn định cho người lao động là “chìa khóa” giúp thực hiện thành công công cuộc giảm nghèo bền vững ở địa phương…