Hội thảo nâng cao nhận thức về hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống

Đinh Thảo
Sáng ngày 12/4/2024, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo nâng cao nhận thức về hệ thống quản lý năng lượng & tối ưu hóa hệ thống - Dự án “Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống và thực hành tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” (Dự án IEEP).
z5343302194463-8493dfca34da18594690682bc3ea372e-1712975862.jpg
Quanh cảnh hội thảo

Dự án IEEP là một hợp phần thuộc chương trình chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam - EU (SETP) do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ; Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững - Bộ Công Thương dự và chủ trì buổi hội thảo; cùng dự có đại diện Văn phòng dự án IEEP, chuyên gia dự án ngân hàng thế giới, các diễn giả, cố vấn giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng; đại diễn Sở Công Thương, Sở KHCN, Trung tâm Khuyến công và XTTM, Trung tâm TKNL&SXSH khu vực MTTN và nhiều doanh nghiệp tham gia.

Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng, theo dự báo trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp quan trọng góp phần giảm áp lực về nhu cầu năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Để thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động SDNL TK&HQ một cách rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội, trong hơn 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thực thi một loạt các chính sách và chương trình, hành động quan trọng. Theo các quy định của Luật SDNL TK&HQ có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải có các trách nhiệm như: Chỉ định người quản lý năng lượng; Thực hiện kiểm toán năng lượng; Áp dụng mô hình quản lý năng lượng, Xây dựng và thực hiện kế hoạch hằng năm và 05 năm về SDNL TK&HQ.

Trên thế giới, tiêu chuẩn quản lý năng lượng đã được ban hành và sử dụng tại nhiều nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... từ năm 2000 và đã mang lại kết quả tiết kiệm năng lượng đáng kể cho các doanh nghiệp, tổ chức áp dụng. Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đã ban hành Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 - Hệ thống quản lý năng lượng vào năm 2011 và Phiên bản sửa đổi ISO 50001:2018 vào năm 2018. Sau đó, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 50001:2019: Hệ thống quản lý năng lượng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố năm 2019 hoàn toàn tương thích với ISO 50001:2018. Hiện nay, Hệ thống quản lý năng lượng này đã được nhìn nhận như là một công cụ quản lý năng lượng hữu hiệu trong rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức trên thế giới.

z5343302194460-9661ee6122474127d3ab3edd77db4178-1712975837.jpg
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững – BCT phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững - Bộ Công Thương nhấn mạnh: "Việc áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 kết hợp với các giải pháp tối ưu hóa hệ thống sẽ giúp các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tuân thủ các qui định của Luật Sử dụng năng lượng kiết kiệm và hiệu quả được chi phí năng lượng, giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh và góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững".

z5343302186744-0f8c0f20f9ffaa7ae216a60823779ef7-1712975890.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Bộ Công Thương

Hội thảo là cơ hội để các đơn vị tư vấn, doanh nghiệp công nghiệp nâng cao hiểu biết về hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 và tối ưu hóa hệ thống và cũng là cơ hội để nắm bắt các thông tin cụ thể về các hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 nói chung và của Dự án IEEP nói riêng, các doanh nghiệp tham gia tập huấn chia sẻ./.

Phúc Đinh