Hội nghị Kết nối giao thương sản phẩm OCOP

Sáng 31/8, tại TP. Tam Kỳ, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa các chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại năm 2024.
hoi-nghi-ket-noi-giao-thuong-san-pham-ocop-1-1725173665.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã ưu tiên đầu tư thích đáng để phát triển sản phẩm đặc trưng xứ Quảng; đồng thời, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi kích thích thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển, đa dạng và phong phú về chủng loại, chất lượng cao, thân thiện với môi trường, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 407 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao, nhiều sản phẩm có giá trị, có thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường, giải quyết đầu ra sản phẩm cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong nước mà còn ở các nước trong khu vực.

Những địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP được được nhận 3 - 4 sao gồm: huyện Tiên Phước, Thăng Bình, Đại Lộc và thành phố Tam Kỳ. Chương trình đã thu hút được 325 chủ thể của các tổ chức kinh tế khác nhau tham gia, trong đó hộ sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ lớn với 164 chủ thể (chiếm tỷ lệ 50%), HTX và Tổ hợp tác 118 chủ thể (chiếm tỷ lệ 36%), doanh nghiệp 43 chủ thể (chiếm tỷ lệ 14%). Hiện tại có 246/407 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, 161/407 sản phẩm tiếp tục duy trì, phát triển và đăng ký công nhận lại; ông Trần Văn Noa, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Quảng Nam, cho biết.

hoi-nghi-ket-noi-giao-thuong-san-pham-ocop-2-1725173665.jpg
Ông Trần Văn Noa, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam phát biểu

Tại hội nghị, Sở NN&PTNT cung cấp thông tin 246 sản phẩm OCOP còn hiệu lực (206 sản phẩm 3 sao, 40 sản phẩm 4 sao) để các chủ thể cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm; liên kết, liên doanh để cùng nhau phát triển, đưa giá trị của sản phẩm OCOP Quảng Nam lên tầm cao mới; nhiều chủ thể tham dự hội nghị thông tin khái quát về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, quy trình chế biến sản phẩm và việc xây dựng thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và kết nối thị trường tiêu thụ, nhất là giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp nông thôn như: gạo, đường các loại, nông sản,…

Với sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh, Chi cục PTNT, Trung tâm Khuyến công và XTTM cùng phòng NN&PTNT các huyện, thị xã, thành phố; đại diện các siêu thị, doanh nghiệp, các chủ thể trao đổi nhu cầu, ký kết hợp đồng tiêu thụ các loại sản phẩm OCOP, cập nhật hồ sơ, thủ tục liên quan để đưa sản phẩm ra thị trường, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, tính pháp lý và đáp ứng nhu cầu về sản lượng.

hoi-nghi-ket-noi-giao-thuong-san-pham-ocop-3-1725173665.jpg
Các chủ thể ký kết giao thương

Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Vũ, PGĐ Sở NN&PTNT đánh giá cao những ý kiến tham gia, chia sẻ đầy trách nhiệm, tâm huyết của các cơ quan, ban, ngành, các chủ thể sản phẩm OCOP, các đối tác tiêu thụ sản phẩm OCOP, các đơn vị xuất khẩu. Những ý kiến tâm huyết đó sẽ giúp kết nối giữa nhà sản xuất và đối tác tiêu thụ ngày càng gần hơn, sản phẩm OCOP sẽ có nhiều cơ hội vươn ra thị trường nhiều hơn.

hoi-nghi-ket-noi-giao-thuong-san-pham-ocop-4-1725173665.jpg
Ông Nguyễn Xuân Vũ, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam kết luận hội nghị

Trong thời gian đến, các chủ thể OCOP quan tâm đầu tư sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO, phát triển những sản phẩm mới từ nhóm danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Quảng Nam. Hạn chế việc đăng ký sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến, sản phẩm trùng lắp; định hướng thời gian đến: 

Một là, tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Chú trọng thiết kế bao bì, nhãn mác; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc, mang trí tuệ, bản sắc địa phương.

Hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận. Trường hợp phát hiện chủ thể vi phạm quy định, sẽ đề nghị UBND tỉnh thu hồi lại Giấy công nhận và đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt nghiêm theo quy định. Tổ chức đánh giá công nhận lại đối với những sản phẩm OCOP đã hết thời hạn theo quy định.

Ba, đẩy mạnh công tác truyền thông cho Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức.

Bốn là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP đã được công nhận nhằm quảng bá hình ảnh OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm; xây dựng một số Trung tâm OCOP cấp huyện; phát triển, nâng cấp các điểm bán hàng OCOP; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại OCOP trong và ngoài tỉnh, chú trọng kết nối để xúc tiến đưa sản phẩm OCOP ra nước ngoài.

Năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025; phối hợp với các đơn vị có liên quan, hỗ trợ chủ thể đưa sản phẩm OCOP đã được công nhận lên các sàn thương mại điện tử để kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Sáu, các địa phương tăng cường kiểm tra thực tế sản xuất, tư vấn, hướng dẫn chủ thể phát triển sản phẩm tuân thủ đúng quy định; kiểm tra, theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của những chủ thể có sản phẩm OCOP sau khi được công nhận; ông Nguyễn Xuân Vũ, PGĐ Sở NN&PTNT cho biết.

hoi-nghi-ket-noi-giao-thuong-san-pham-ocop-6-1725173665.jpg
Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại hội nghị

Phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, cải tiến bao bì nhãn mác theo hướng “đúng, đẹp”; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc, mang trí tuệ, bản sắc địa phương; ông Võ Hưng Phó trưởng phòng, Chi cục PTNT Quảng Nam, chia sẻ câu chuyện về sản phẩm.

hoi-nghi-ket-noi-giao-thuong-san-pham-ocop-5-1725173665.jpg
Các chủ thể giao lưu

Hội nghị Kết nối giao thương sản phẩm OCOP, đã khép lại chuỗi các hoạt đoạt Festival Nghề truyền thống - Quảng Nam 2024, là một trong những hoạt động trọng tâm của Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Phúc Đinh