Hồ sơ mật: “Điệp viên” bồ câu - Phần 2

Trong chiến tranh, CIA đã huấn luyện nhiều loại động vật để thực hiện nhiệm vụ tình báo, nhưng bồ câu vẫn chứng minh là hiệu quả hơn cả. Ngày nay, với hàng loạt các thiết bị tiên tiến được phát minh, vai trò của loài chim này trong lĩnh vực tình báo có còn được phát huy?

“Điệp viên” bồ câu có còn tồn tại?

Trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển, nhiều thiết bị thông tin liên lạc, thu thập và truyền tải thông tin, hay các thiết bị không người lái có kích thước nhỏ có thể điều khiển từ xa được ra đời, nhiều người cho rằng, bồ câu không còn được sử dụng trong hoạt động tình báo. Tuy nhiên, những sự việc diễn ra gần đây đã khiến không ít người hoài nghi về điều đó.

hms-1-1682049083.jpg
Nhiều chú chim bồ câu đã bị bắt vì tình nghi được sử dụng với mục đích gián điệp. Ảnh minh họa: Getty Images

Mới đây nhất, vào ngày 16-3, theo cảnh sát địa phương, một người dân đã bắt giữ một con chim bồ câu bị tình nghi là gián điệp tại quận Puri, tỉnh Odisha, Ấn Độ. Đây là vụ bắt giữ thứ hai trong vòng một tuần có liên quan đến bồ câu gián điệp tại khu vực này. Trước đó, một chú chim bồ câu đã bị bắt từ một chiếc thuyền đánh cá ngoài khơi bờ biển Paradip vào ngày 8-3.

Khi kiểm tra, cảnh sát phát hiện con chim này được gắn thẻ ở 2 chân bằng vòng đồng và nhựa. Một thẻ có ghi “REDDY VSP DN”, thẻ còn lại mang số “31”. Theo người dân, chú chim này đã xuất hiện ở làng Nanpur khoảng 1 tuần trước khi bị phát hiện và bắt giữ. Cảnh sát cho biết họ đang điều tra xem liệu con chim bồ câu này có phải được sử dụng với mục đích gián điệp hay không.

Con chim bị bắt vào ngày 8-3 có gắn các thiết bị, bao gồm một thiết bị giống máy ảnh và một vi mạch. Những thiết bị này đã được gửi đến Phòng thí nghiệm Pháp y Trung ương để kiểm tra. Được biết, trên cánh của con chim cũng có một dòng chữ được viết bằng ngôn ngữ không xác định. Cảnh sát nghi ngờ rằng con chim này được sử dụng để làm gián điệp.

Vào năm 2016, cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ một con chim bồ câu đem theo thông điệp đe dọa Thủ tướng Narendra Modi. Con chim được phát hiện tại thành phố Pathankot, bang Punjab, gần biên giới Pakistan. Theo báo cáo, thông điệp đe dọa trên con chim cảnh báo ông Modi rằng mọi đứa trẻ Pakistan đang chuẩn bị chống lại Ấn Độ. Trước đó, một con chim bồ câu cũng bị cảnh sát nước này bắt vì nghi ngờ đang được Pakistan sử dụng cho hoạt động gián điệp. Trên đuôi của nó có dòng chữ viết bằng tiếng Urdu có nội dung: “Tehsil Shakargarh, quận Narowal” cùng với một dãy số. Ấn Độ sau đó cũng chụp X-quang nó để kiểm tra xem nó có được gắn máy ảnh, máy phát hoặc chip ẩn hay không.  

Năm 2008, các lực lượng an ninh Iran phát hiện và bắt 2 “đối tượng lông vũ” bị tình nghi làm gián điệp gần một trong những cơ sở hạt nhân ở Natanz. Đây là nơi đặt nhà máy làm giàu uranium dưới lòng đất của Iran. Hai con chim có đeo vòng kim loại màu xanh ở chân và gắn kèm những sợi dây trong suốt. Các cơ quan an ninh nước này nhận định, đây có thể là cách để con chim thu thập và truyền tải thông tin.

hms-2-1682049083.jpg
Một con chim có gắn các thiết bị vào chân bị bắt ở Odisha do bị tình nghi làm gián điệp. Ảnh: hindustantimes

Sau các sự việc, các quốc gia không tiết lộ thêm chi tiết về những con chim bồ câu đã bị bắt nhưng theo các chuyên gia, hiện nay chim bồ câu tình báo có thể vẫn được sử dụng và chúng được trang bị cả công nghệ định vị như GPS. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, không có gì phải lo lắng về việc này. Một số giả thiết được đưa ra rằng những chú chim bị bắt giữ thời gian qua là của những người chơi chim. Họ trang bị máy ảnh và gắn GPS để theo dõi lộ trình của những “thú cưng” của mình. Một số chim lạc đường có thể hạ cánh khẩn cấp trên tàu hoặc đáp xuống một vị trí nào đó để tìm kiếm thức ăn.

Vì sao bồ câu lại được “chọn mặt gửi vàng”

Trong suốt chiều dài lịch sử, hàng loạt các loài động vật đã được thử nghiệm và huấn luyện cho nhiệm vụ truyền tin và thu thập thông tin tình báo. Tuy nhiên, bồ câu chứng minh là loài nổi trội hơn cả. Vậy loài vật nhỏ bé này có những đặc điểm đặc biệt nào giúp chúng được “chọn mặt gửi vàng”?

Ngày nay, việc gửi tin nhắn hay thông điệp trở nên dễ dàng khi có sự xuất hiện của nhiều công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, vào thời điểm cách đây hàng nghìn năm, khi công nghệ thông tin chưa ra đời, con người sử dụng các phương thức thông tin liên lạc thủ công như bằng ngựa hoặc đi bộ. Tuy nhiên, việc truyền tin bằng ngựa hay đi bộ tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể lường trước được, bao gồm việc người đưa tin không đáng tin cậy, mất tin nhắn, chậm trễ, hoặc không đảm bảo tính bảo mật. Một con ngựa có thể chạy xa được bao nhiêu? Nếu tin nhắn là khẩn cấp thì sao?  Theo các nghiên cứu, việc sử dụng chim bồ câu không chỉ giải quyết được yếu tố nhanh mà còn cả yếu tố bảo mật.

Trong các nghiên cứu về đường bay và chuyển động của loài chim này, các chuyên gia nhận thấy bồ câu có khả năng ghi nhớ tuyệt vời. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các loài chim và linh trưởng có nhiều kỹ năng nhận biết và hành vi phong phú, nhưng cơ chế đằng sau những khả năng này vẫn chưa được hiểu rõ. Một giả thuyết phổ biến rằng, trí nhớ dài hạn cho phép chúng ghi nhớ các sự kiện bên ngoài một cách cụ thể và liên kết các hành vi phù hợp với những sự kiện đó. Để tìm hiểu khả năng ghi nhớ của loài chim này, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu khoa học quốc gia, Viện nghiên cứu thần kinh Mediterranean (Pháp) tiến hành thí nghiệm với 2 con bồ câu. Họ cho 2 con vật xem hàng nghìn bức ảnh. Sau vài tháng, họ cho chúng xem lại đồng thời huấn luyện chúng cách dùng mỏ đánh dấu lên những ảnh mà chúng từng nhìn thấy. Thử nghiệm này được lặp lại nhiều lần. Kết quả cho thấy, 2 con chim đã nhớ được từ 800 - 1.000 bức ảnh. Ngoài việc ghi nhớ, chim bồ câu còn có thể phân biệt các bức ảnh và thậm chí là hai người khác nhau trong một bức ảnh.

Theo các nhà khoa học, bồ câu có thể tìm được đường về nhà ở khoảng cách lên tới 1.760km. Câu hỏi cho đến nay vẫn làm khó các nhà khoa học là làm thế nào để những chú chim tìm đường về nhà từ một khoảng cách xa hàng nghìn km? Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu, nhưng khả năng tìm đường về nhà, xác định chính xác hướng bay và tìm được ngôi nhà mong muốn giữa hàng nghìn ngôi nhà khác của bồ câu vẫn là câu hỏi bí ẩn chưa có lời giải đáp đầy đủ.  Nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra như sóng âm, từ trường và tín hiệu khứu giác đã được đưa ra để giải thích cho khả năng “có một không hai” của loài chim này.

Các nhà khoa học hiện nay tin rằng chim bồ câu dẫn đường có cả cơ chế la bàn và bản đồ giúp chúng xác định hướng về nhà. Cơ chế la bàn giúp bồ câu bay đúng hướng, trong khi cơ chế bản đồ cho phép chúng so sánh vị trí chúng đang ở với nơi chúng muốn trở về (nhà). Cụ thể, chúng căn cứ vào ánh nắng Mặt Trời để dẫn đường. Các nhà khoa học cho rằng, đó là “đồng hồ sinh học” trong cơ thể chim bồ câu điều chỉnh theo sự di chuyển của Mặt Trời để lựa chọn phương hướng. Chúng còn có thể kiểm tra độ lệch sáng, chỉ cần không có mây đen che kín bầu trời thì có thể sử dụng Mặt Trời làm “la bàn” được. Trong khi đó, cơ chế bản đồ vẫn là còn là một bí ẩn.

hms-3-1682049083.jpg
Bồ câu có thể bay 1.000km/ ngày hoặc hơn với tốc độ trung bình khoảng 100 km/h. Ảnh: denverpost.com

Một số nhà nghiên cứu tin rằng chim bồ câu dẫn đường sử dụng khả năng cảm nhận từ tính, bao gồm việc dựa vào từ trường của Trái đất để dẫn đường. Họ phát hiện ra rằng chim bồ câu dẫn đường có các hạt sắt trong mỏ cho phép chúng phát hiện từ trường một cách dễ dàng. Nhiều nghiên cứu gần đây cho biết thêm, chim bồ câu dẫn đường có thể dựa vào sóng âm tần số thấp để tìm đường về nhà. Những âm thanh tần số thấp này không thể nghe được bằng tai người, nhưng chúng được tạo ra bởi hầu hết mọi thứ, kể cả đại dương và vỏ Trái đất. Chim bồ câu dẫn đường có thể lắng nghe những âm thanh này cho đến khi chúng nhận ra âm thanh đặc trưng của nơi chúng trú ngụ. Tất nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, một khi chim bồ câu đưa thư đến gần nhà hơn, chúng cũng có thể cảm nhận được phương hướng bởi các địa danh quen thuộc, giống như con người sử dụng khi điều hướng.

Khả năng tìm đường về nhà độc đáo của chim bồ câu đã không ngừng được con người hoàn thiện và củng cố thông qua việc chọn chim, lai tạo, nhân giống và huấn luyện. Những con chim bồ câu đưa thư tốt thậm chí còn có thể tìm được đường về nhà sau vài năm vắng mặt tại địa bàn. Các nhà nghiên cứu hiện vẫn không ngừng nghiên cứu để phát huy tối đa những đặc điểm nổi trội đó của loài chim này. Họ còn tìm cách tích hợp, tối ưu hóa các thiết bị điện tử vào chim bồ câu. Năm 2007, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công việc điều khiển đường bay của chim bồ câu bằng công nghệ điện tử. Nhờ việc cấy các thiết bị điện tử tinh vi vào các vùng khác nhau của não chim bồ câu, các nhà khoa học Trung Quốc có thể điều khiển đường bay theo hướng phải, trái hoặc lên hay xuống của con chim thông qua máy tính.

Ngoài ra, bồ câu cũng là 1 trong số hiếm các loài vật nhận ra hình ảnh phản chiếu của chính nó trong gương. Nó là một trong 6 loài và là động vật không có vú duy nhất có khả năng này. Chim bồ câu cũng là loài rất thông minh khi có thể nhận ra tất cả 26 chữ cái trong bảng chữ cái và có thể khái niệm hóa vấn đề. Cũng giống như con người, loài chim này có thể nhìn thấy màu sắc. Điểm khác biệt là chúng có thể nhìn thấy tia cực tím, một phần của quang phổ mà con người không thể nhìn thấy. Do đó, ngày nay chúng còn được sử dụng trong các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ trên biển vì giác quan độc đáo này kết hợp với tầm nhìn bao quát tuyệt vời.

Ngoài đặc điểm nổi trội về khả năng ghi nhớ và điều hướng, chim bồ câu còn có vô số lợi thế khác khiến chúng trở thành lựa chọn hàng đầu cho việc truyền và thu thập thông tin. Thứ nhất, chúng là loài rất dễ dàng vận chuyển và ăn ít. Bên cạnh đó, chúng bay rất nhanh, cao nên khó bị phát hiện và tiêu diệt. Theo các nghiên cứu, bồ câu có thể bay 1.000km/ ngày hoặc hơn với tốc độ trung bình khoảng 100 km/h. Một số con có thể đạt tốc độ tới 180 km/h. Chúng có thể bay cao từ 1,8km trở lên. Ngoài ra, chúng cũng không dễ bị phân tâm khỏi nhiệm vụ của mình bởi ngoại cảnh.

Hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc sử bồ câu trong hoạt động tình báo. Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng, trong thời đại của Google Maps, một công cụ hiệu quả và đáng tin cậy hơn nhiều, chim bồ câu đã là phương tiện lỗi thời cho hoạt động tình báo, một số khác lại nói rằng loài vật này có những ưu điểm mà các công nghệ tiên tiến không thể nào có được, trong đó có việc bảo mật thông tin. Trong khi việc truyền tin qua các kênh hiện đại tiềm ẩn nguy cơ bị nghe lén, theo dõi, gây nhiễu, thì việc gửi thông điệp nhờ bồ câu có vẻ an toàn hơn. Đặc biệt, nếu không may bị bắt, sẽ rất khó để tìm bằng chứng về nguồn gốc hoặc điểm đến của chúng.

Không ai có thể chắc chắn rằng bồ câu có còn được sử dụng trong các hoạt động tình báo ngày nay hay không, nhưng có một điều không thể không thừa nhận là loài chim này sở hữu những đặc điểm “độc nhất vô nhị” giúp chúng được tin tưởng giao phó những nhiệm vụ quan trong, kể cả nhiệm vụ tình báo.