Lấy thân mình chặn lựu đạn
Sinh ngày 28-4-1914, ông Yakov Tikhonovich Novichenko lớn lên như bao đứa trẻ ở ngôi làng yên bình Travnoe của thành phố Krasnoyarsk thuộc vùng Siberia, Nga. Năm 1938, ông nhập ngũ, phục vụ ở vùng Viễn Đông và sau đó tham gia cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945) chống phát xít Đức.
Năm 1945, Thiếu úy Yakov Tikhonovich Novichenko cùng một đơn vị tình nguyện của Hồng quân Liên Xô tham gia giải phóng Bình Nhưỡng khỏi sự chiếm đóng của Nhật. Và cũng chính tại nơi đây, vị sĩ quan Liên Xô này đã trở thành anh hùng của Triều Tiên.
Câu chuyện diễn ra vào ngày 1-3-1946. Trung đội của Novichenko được giao nhiệm vụ bảo vệ lễ đài cho phái đoàn chính phủ Triều Tiên tại một cuộc mít tinh ở Quảng trường ga Bình Nhưỡng kỷ niệm phong trào độc lập của Triều Tiên. Các quân nhân Liên Xô có mặt từ rất sớm. Tranh thủ thời gian, ông ngồi đọc cuốn “Brusilov’s Breakthrough” (tạm dịch: Cuộc tổng tấn công của Brusilov). Đến giờ làm việc, ông giắt quyển sách vào thắt lưng trước bụng và đi phân công, kiểm tra các vị trí bảo vệ lễ đài.
Buổi mít tinh bắt đầu. Nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, khi đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời, có bài phát biểu khai mạc. Xung quanh ông là đám đông hàng nghìn người. Đột nhiên, không biết từ đâu có ai ném một quả lựu đạn lên lễ đài (nghi phạm ngay lập tức bị quật ngã và mang đi. Về sau, hắn được xác định là thành viên của nhóm khủng bố có tên là Hội Áo trắng). Quả lựu đạn lăn từ trên xuống và đến đúng vị trí đứng của Novichenko. Ngay lập tức, ông cúi người nhặt quả lựu đạn rồi liếc nhìn xung quanh. Có tiếng ai đó hét lên: “Ném đi!” Nhưng ông thoáng nghĩ: “Ném đi đâu khi xung quanh toàn người là người”. Không chút chần chừ, ông liền nghiêng người xuống đất, lấy tay ép quả lựu đạn vào bụng và nằm đè lên. Sau đó là một tiếng nổ chát chúa.
Hành động dũng cảm đó đã cứu sống Chủ tịch Kim Nhật Thành, còn Novichenko bị thương rất nặng. Một bác sĩ quân y, lúc đó có mặt tại hiện trường, sau này kể lại: “Trước mặt chúng tôi là một người gần như nát bét. Tay phải bị cắt lìa, vùng ngực bị thương tổn nghiêm trọng, mắt trái lồi ra ngoài, cùng nhiều vết thương khác trên cơ thể. Kỳ lạ thay, anh ta vẫn sống!”. Khi tới thăm khám Novichenko, bác sĩ trưởng của kíp mổ còn nói với ông: “Chính quyển sách dày mà anh mang theo đã “đỡ bớt” các mảnh kim loại văng ra từ vụ nổ. Nếu không, có lẽ giờ này cậu đang phiêu diêu ở thế giới bên kia rồi”.
Novichenko nằm điều trị ở bệnh viện trong hơn 2 tháng. Hằng ngày, Chủ tịch Kim Nhật Thành đều cho người mang hoa quả đến cho ân nhân của mình. Đệ nhất phu nhân Triều Tiên Kim Jong-suk là người đầu tiên đến thăm ông cùng với những món ăn do đích thân bà chuẩn bị. Ông còn được tặng một hộp đựng xì gà bằng bạc có khắc dòng chữ: “Món quà tặng Anh hùng Yakov Novichenko từ Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành”. Thậm chí, cấp trên còn quả quyết rằng Novichenko đã được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Năm tháng bị lãng quên
Bình phục gần như hoàn toàn, Novichenko trở về quê nhà sau 8 năm trong quân ngũ. Vốn tính thật thà, ông thuật lại cho dân làng sự việc mình cứu Chủ tịch Kim Nhật Thành như thế nào. Vì vậy, cả làng rất háo hức chờ người đưa thư mang thông báo quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho ông Novichneko. Thời đó, một tập thể hay cá nhân nào được tặng danh hiệu cao quý nhất của Liên bang Xô viết này là vinh dự chung cho cả cộng đồng.
Thế nhưng, tin tức vẫn bặt vô âm tín. Dần dà, nhiều người vốn trước đó coi việc phải đến chào ông là một nghĩa vụ, giờ đã tảng lờ như không hề quen biết. Một số còn trêu chọc ông: “Thế nào hỡi người anh hùng, vẫn chưa đeo “ngôi sao” (ám chỉ danh hiệu Anh hùng Liên Xô) trên ngực áo à?”. Dân làng đều nghĩ ông đã bịa ra câu chuyện hoang đường này với mong muốn được nổi tiếng. Chính Ivan, con trai của ông, sau này cũng cho rằng, làm gì có ai sống sót sau một vụ nổ lựu đạn như vậy. Do đó, thật khó để nhiều người trong chúng ta tin rằng câu chuyện của ông là sự thật.
“Tiếng xấu” đồn xa! Trong một phiên họp thảo luận về việc liệu có nên bầu ông Novichenko làm chủ tịch mới của nông trang tập thể hay không thì một vị lãnh đạo cấp trên có mặt tại sự kiện đã thẳng thừng phản đối: “Kẻ nào đã nói dối một lần, kẻ ấy không thể tin tưởng được”. Đấy là giọt nước làm tràn ly. Ông Novichenko ngay lập tức viết thư gửi lên Bộ Quốc phòng. Cả làng náo động khi có tin ông được tặng thưởng nhưng rồi lại thất vọng bởi đó không phải là danh hiệu Anh hùng Liên Xô mà chỉ là Huân chương Cờ đỏ.
Cuối cùng, ông cũng hết hy vọng. Không còn ai thấy ông nhắc đến bất cứ chuyện gì về chiến tranh nữa.
Phục hồi danh dự
Vào một ngày mùa xuân năm 1984, khi ông Novichenko đang cắt cỏ ngoài vườn thì có mấy người khách đến gặp và nói: “Bác hãy chuẩn bị đến gặp Chủ tịch Kim Nhật Thành”. Người cháu gái của ông kể lại rằng cô không thể hình dung được ông mình đã ngạc nhiên đến mức nào. Thì ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên đang đi trên một đoàn tàu bọc thép đến thăm Moscow và quyết định dừng lại ở thành phố Krasnoyarsk để thăm người ân nhân Liên Xô từng cứu mình.
Ông được đưa đến nhà ga. Hai người ôm chầm lấy nhau và cùng trò chuyện rôm rả (nhà lãnh đạo Triều Tiên nói tiếng Nga rất giỏi). Chủ tịch Kim Nhật Thành còn trách khéo người bạn Liên Xô: “Tại sao đồng chí không viết thư cho tôi một lần nào vậy?” rồi nói thêm: “Dù tôi rất bận rộn nhưng đồng chí hãy cứ dành thời gian viết thư cho tôi. Hãy đến Bình Nhưỡng thăm tôi!”.
Tin tức lại lan đi và lần này mọi người trong làng đã tin những gì ông Novichenko kể. Nụ cười tự hào đã nở lại trên môi của người cựu quân nhân Liên Xô. Ông cho rằng, việc chứng minh câu chuyện của mình là sự thật còn quý hơn cả danh hiệu anh hùng mà trước đây ông hằng mong mỏi.
Năm 1985, câu chuyện cứu sống nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành của ông Novichenko được xây dựng thành một bộ phim lịch sử với tựa đề “One second for a feat” (tạm dịch: Một giây để lập chiến công) bởi đạo diễn người Nga Eldor Urazbayev. Đến gặp nguyên mẫu Novichenko trước khi bấm máy, đạo diễn Urazbayev chia sẻ: “Trước đây, tôi cứ nghĩ người anh hùng phải trông rất hoành tráng, phong độ. Nhưng ông Novichenko lại không hề giống chút nào với mẫu người anh hùng trong hình dung của tôi. Ông ấy là một con người quá khiêm tốn”.
Hằng năm, đến ngày quốc khánh hay ngày lễ lớn của Triều Tiên, cả gia đình ông Novichenko đều đến thăm đất nước này. Ông đã gặp Chủ tịch Kim Nhật Thành rất nhiều lần ở Bình Nhưỡng. Ông cũng được trao tặng danh hiệu Anh hùng của Triều Tiên nhưng “danh hiệu” cao quý nhất chính là hình ảnh của ông trong lòng người dân quốc gia Đông Bắc Á. Nhiều bậc cha mẹ Triều Tiên còn đặt tên con mình là Yakov. Năm 1987, Triều Tiên cho dựng tượng ông Novichenko đang lao mình về quả lựu đạn như một cách để tri ân ông.
Ông rất đau buồn khi nghe tin Chủ tịch Kim Nhật Thành mất ngày 8-7-1994. Đúng 5 tháng sau, ông cũng qua đời. Tuy nhiên, các thế hệ trong gia đình ông Novichenko vẫn thường xuyên đến thăm Triều Tiên, trong đó có dịp vào tháng 4-2017 nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Ngày 28-4-2014, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông Novichenko, Đại sứ Triều Tiên tại Nga khi đó là Kim Yong-jae cùng các quan chức Triều Tiên đã viếng mộ, đặt vòng hoa và cúi đầu trước người mà họ gọi là Anh hùng của Triều Tiên. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, cháu nội của lãnh tụ Kim Nhật Thành, đã cho dựng một tượng chân dung nhỏ của ông Novichenko trên ngôi mộ với dòng chữ trên bia: “Cựu chiến binh Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Anh hùng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Yakov Tikhonovich Novichenko, 28-4-1914 / 8-12-1994”.
Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.