Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, doanh thu thương mại điện tử tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2023.
Cụ thể, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tới các nền tảng thương mại điện tử khổng lồ như: Amazon, Walmart, Alibaba...
Đồng tình với nhận định chung này, ông Nguyễn Thái Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Ứng dụng Công nghệ AI và Thương mại số còn chỉ ra rõ sự “lép vế” của doanh nghiệp Việt trước đối thủ ngoại trên sàn thương mại điện tử quốc tế. Đó là “Khó khăn trong việc nghiên cứu thị trường để đáp ứng đúng sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài; Là việc chưa đủ kỹ năng tiếp cận nguồn kiến thức về quy định của quốc tế cũng như kiến thức về marketing trong thương mại điện tử xuyên biên giới. Bên cạnh đó vấn đề năng lực tài chính còn hạn hẹp”.
Từ những quy định và yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu, năng lực của nhân lực trong phát triển sản phẩm và năng lực cạnh tranh của sản phẩm cũng là bài toán đặt ra cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thêm vào đó, rào cản chi phí về logistics cũng là một bất lợi cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào hoạt động xuất khẩu xuyên biên giới thông qua TMĐT khi chưa nắm rõ được quy trình vận hành, phải gồng lỗ vì chi phí vận chuyển cao.
“Cần phải có một trung tâm điều phối chung về logistics cho cả nước hay theo từng khu vực để đáp ứng hiệu quả các phương án bảo quản hàng hoá, tối ưu chi phí vận chuyển, giúp doanh nghiệp có giá bán cạnh tranh nhất”, ông Nguyễn Thái Bình cho hay.
Thương mại điện tử đã và đang là cơ hội vàng cho xuất khẩu Việt, nhưng bên cạnh đó cũng không ít những thách thức. Ông Nguyễn Thái Bình chia sẻ: “Khi kinh doanh trên các sàn TMĐT lớn như như Amazon, Walmart, Alibaba… từ góc độ quảng bá thương hiệu đã mang lại giá trị tốt, nhưng bên cạnh đó góc độ thương mại chưa phát huy được. Do đó, doanh nghiệp Việt cần xác định mục tiêu cho từng nhóm sản phẩm, từng thị trường cụ thể. Từ đó có giải pháp thương mại hóa theo từng thị trường cụ thể. Đặc biệt, sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam trong và ngoài nước sẽ giúp các doanh nghiệp xúc tiến thương mại hiệu quả hơn”.
Nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối toàn cầu, trong đó coi hỗ trợ doanh nghiệp tham gia bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới mà một giải pháp cốt lõi, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Cùng với đó là Nghị định 80/2020/NĐ-CP hướng dẫn luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định này đưa ra những mức hỗ trợ rất cụ thể đối với doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số; hoặc khi tham gia bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử lớn hỗ trợ 50% chi phí mở gian hàng và duy trì gian hàng trên những nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế./.