Hà Nội: Xây dựng Thủ đô thực sự là Thành Phố đáng sống

Nam Lê
Để đáp ứng yêu cầu phát triển, hiện nay TP. Hà Nội đang tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 (theo Luật Quy hoạch) và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045 tầm nhìn 2065 (theo Luật Quy hoạch đô thị). Cùng đó, Thành Phố cũng đang triển khai sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến thực hiện quy hoạch.

Đối với công tác quy hoạch, phát triển đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị: Vụ Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan tập trung đổi mới phương pháp luận về quy hoạch, Tăng cường hướng dẫn, có ý kiến với địa phương về quy hoạch, Tăng cường kiểm tra và quản lý công tác quy hoạch, đặc biệt là công tác điều chỉnh quy hoạch ở các địa phương.

Đối với công tác quản lý phát triển đô thị, năm 2024, ngành Xây dựng tập trung nghiên cứu, hoàn thiện Luật Quản lý Phát triển Đô thị, cụ thể hóa hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, Nghiên cứu xây dựng chương trình quốc gia về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị giai đoạn 2026 - 2030, Xây dựng công cụ quản lý đánh giá mô hình đô thị như mô hình đô thị thông minh, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Đối với hạ tầng kỹ thuật đô thị, các đơn vị cần sớm hoàn thiện hồ sơ Luật Cấp thoát nước; Bổ sung nội dung về quản lý không gian ngầm đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật trong đô thị; Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách pháp luật về giao thông, cây xanh, chiếu sáng đô thị, nghĩa trang, cấp thoát nước, xử lý nước thải... Các địa phương cần dành nguồn lực đầu tư triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về cấp nước, cây xanh, công viên, xử lý rác thải, nước thải, ngập úng đô thị hay giao thông đô thị.

a22-1708501202.jpg
Xây dựng là cốt lõi để Thủ đô là Thành phố đáng sống (Ảnh nguồn Internet)

Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cũng đã tham mưu cho UBND TP. Hà Nội, Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội và Thành ủy xây dựng các chương trình, kế hoạch lớn để triển khai cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thành ủy, HĐND TP. Hà Nội. Trong đó đặc biệt, Sở đã cùng với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp hoàn thành Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023.

Đến nay đã cơ bản hoàn thành đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, thống nhất đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan, được Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội, HĐND TP. Hà Nội thông qua và đã trình Bộ Xây dựng thẩm định để tới đây báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Song song đó, trong năm 2023, Sở đã triển khai công tác lập Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh. Đến nay, ngoài 6 phân khu đô thị vệ tinh đã được phê duyệt tại Xuân Mai và Phú Xuyên, 25 phân khu khu đô thị vệ tinh và khu vực còn lại đã có đến 11 phân khu báo cáo trình duyệt, 4 phân khu tại Sóc Sơn đã được Ban thường vụ Thành ủy thông qua, 4 phân khu tại Hòa Lạc đã được Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố thống nhất, trình Thường trực Thành ủy xem xét, 2 phân khu được phê duyệt nhiệm vụ và 6 phân khu đã được phê duyệt dự toán lập quy hoạch.

a4-1708501231.jpg
Kiến trúc luôn là điểm nhấn cho Thành phố khang trang và lỗng lẫy (Ảnh nguồn Internet)

Ngoài ra, Sở đã thực hiện các quy hoạch chuyên ngành và một số dự án trọng điểm đặc thù, nhất là rà soát các đồ án, dự án hai bên đường Vành đai 4; thẩm định các dự án đường Vành đai 1, các đoạn vành đai 2,5; 3; 3,5… các hồ sơ dự án đầu tư công như cầu Vân Phúc qua sông Hồng, đường nối quốc lộ 32 huyện Phúc Thọ, tuyến đường cao tốc đại lộ Thăng Long nối QL 21 đến đường đi Hòa Bình; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai…

Bước sang năm mới 2024, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ tập trung cao độ để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô song song với quy hoạch Thủ đô, bảo đảm tạo lập các khu vực động lực phát triển đồng thời với việc giữ gìn, phát huy những điểm mạnh của Quy hoạch chung đã được duyệt, các giá trị di sản, kiểm soát phạm vi, quy mô phát triển đô thị bảo đảm hướng tới sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô bền vững.

Đồng thời đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai hoàn thành các đồ án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị, đồ án quy hoạch chi tiết, chuyên ngành quan trọng bảo đảm thực hiện và tuân thủ đồ án quy hoạch chung Thủ đô được duyệt; công bố công khai, bàn giao kịp thời các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Có thể nói, lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là dấu ấn mới về công tác quy hoạch, nên có nhiều thách thức từ nghiên cứu, từ nội dung quy hoạch và từ cả thể hiện trên các bản đồ, sơ đồ. Hơn nữa, quá trình này lại được triển khai trong giai đoạn vừa thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô nên thách thức là rất lớn. Hy vọng với sự quyết tâm của thành phố và việc tổ chức nghiên cứu khoa học, thực tiễn, với sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng, sẽ tạo lập được quy hoạch Thủ đô có chất lượng cao.

Diệp Bảo Long - Thế Vinh