Góc nhìn nghị trường: Không để giá tăng trước lương

Lương Đàm
Tại buổi làm việc cuối của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024.

Tán thành với đề xuất thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm: Hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng; quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập. Đợt cải cách tiền lương này được rất nhiều công chức, viên chức, người nghỉ hưu trông chờ. Nhưng kèm theo niềm vui được tăng lương là nỗi lo giá cả hàng hóa sẽ “té nước theo lương”.

Chị Hoàng Thị Hải (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, TP Hà Nội) chia sẻ: “Đối với công nhân viên chức, việc tăng lương là điều ai cũng mong mỏi. Nhưng lần nào cũng vậy, mới chỉ “rục rịch” có thông tin tăng lương là giá cả hàng hóa đã tăng rồi. Có khi lương tăng ít mà giá cả thực phẩm lại tăng “phi mã” thì tăng lương cũng không thấm vào đâu”. Trước tình trạng trên, nhiều cử tri bày tỏ mong muốn các ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ những chính sách điều hành, quản lý, kiểm soát thị trường để bình ổn giá cả hàng hóa, không để tái diễn “té nước theo mưa” và người lao động thực sự có niềm vui trọn vẹn khi được tăng lương.

gia-1719738548.jpg
Ảnh minh họa: Vietnam+

Nhìn nhận việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7 với mức 30% là một việc rất phấn khởi, song Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, tăng lương thì giá sẽ tiếp tục tăng, cho nên cần phải có giải pháp để bình ổn giá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng. Do đó, cần phải kiểm soát giá để tránh tình trạng đồng lương tăng được một chút thì tất cả mặt hàng tiêu dùng lại tăng nhanh hơn. Ngoài ra, ông Tạ Văn Hạ cũng cho rằng, khi tăng lương phải nghiên cứu mức thuế giảm trừ gia cảnh. Mức sống tăng lên, chi phí đắt lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng. “Khi tăng 30% lương thì ít nhất giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng được 30%, thậm chí phải đến 50%”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.

Có thể thấy, để việc tăng lương thật sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say làm việc thì ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát chặt về giá, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Mặt khác, với người lao động nói chung, công chức, viên chức trong khu vực công nói riêng, việc tăng lương đi liền với kiểm soát giá cả luôn là cơ sở giúp họ bảo đảm cuộc sống của bản thân, gia đình, từ đó có thể yên tâm gắn bó, cống hiến cho công việc.