Giữ nhân lực cho tuyến đầu

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 145/NQ-CP điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, tăng mức phụ cấp cho lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương có ca mắc Covid-19 cao như nhân viên y tế, quân đội, công an... Đây là nguồn động viên về vật chất, tinh thần cho những nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

benhnhancovid0812-1639060046.jpg
Y, bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19

Trong những ngày cả nước đương đầu với đại dịch Covid-19, rất khó để kể hết sự nỗ lực, hy sinh của các lực lượng trên tuyến đầu. Từ khi dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến nước ta, cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên và các cấp, ngành, địa phương đã không quản ngại khó khăn, vất vả, cống hiến hết mình để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế, lực lượng tuyến đầu đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực khi số ca nhiễm đang ở mức cao, cùng với đó là những trường hợp tiếp xúc gần trong diện F1, F2. Áp lực công việc đè nặng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều nhân viên y tế không thể tiếp tục gắn bó với nghề.

Thống kê tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong 10 tháng năm 2021 đã có gần 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc, lý do chính là vì sức ép công việc, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Một vấn đề đáng lưu tâm là số nhân viên y tế nghỉ việc chủ yếu tập trung ở tuyến cơ sở, khiến lực lượng y tế ở cấp xã vốn đã mỏng nay lại càng thiếu hụt, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch.

Qua thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19, một trong những kinh nghiệm rút ra là cần phải quan tâm, đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở. Không chỉ có trang thiết bị, cơ sở vật chất mà y tế ở xã, phường, thị trấn cần được bổ sung nhân lực bảo đảm chuyên môn, nghiệp vụ, kịp thời xử lý những tình huống cấp bách, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát.

Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho y tế cơ sở đang là bài toán đặt ra cấp bách để đất nước có thể đứng vững trước những đợt sóng dồn dập của đại dịch. Để giải quyết vấn đề này, một trong những vấn đề cần quan tâm hàng đầu là có chính sách đãi ngộ tương xứng với khó khăn, vất vả mà lực lượng y tế cơ sở đang phải đối mặt, giúp họ yên tâm gắn bó với công việc.

Cùng với chính sách chung, nhiều địa phương trên cả nước đã có phương án dành nguồn lực từ ngân sách để hỗ trợ nhân viên y tế, trong đó có tính đến những yếu tố đặc thù, tính chất phức tạp trong công việc hằng ngày.

Bên cạnh cơ chế, chính sách đãi ngộ, việc tăng cường, bổ sung nhân lực cho ngành y tế, nhất là những người trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân F0 cũng cần được quan tâm hơn nữa. Có những tâm sự nhói lòng của y, bác sĩ, điều dưỡng viên khi trên địa bàn khoảng 100.000 dân nhưng chỉ có 9 nhân viên y tế, mỗi trạm y tế lưu động đảm nhận chăm sóc 850 F0.

Làm việc liên tục 24 giờ trong nhiều ngày liền đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, khiến cho những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch bị quá tải, rơi vào trạng thái mệt mỏi, hao mòn sức lực. Một trong những giải pháp đang được kiến nghị áp dụng tại TP Hồ Chí Minh là khuyến khích bác sĩ mới tốt nghiệp đến công tác tại các trạm y tế cấp cơ sở.

Thay vì thực hành 18 tháng ở bệnh viện, các bác sĩ này sẽ có 12 tháng làm việc ở trạm y tế, vừa được tích lũy kinh nghiệm, vừa có phụ cấp và hỗ trợ chi phí. Chính sách này sẽ giúp bổ sung nhân lực chất lượng cao cho y tế cơ sở và bản thân người nhận nhiệm vụ cũng nhiệt tình, hào hứng với công việc, tạo dựng hành trang cho bước trưởng thành trong nghề nghiệp chuyên môn.

Càng trong khó khăn, thử thách, bản lĩnh, quyết tâm của lực lượng trên tuyến đầu chống dịch càng cần được tiếp tục phát huy. Sự quan tâm của cộng đồng xã hội sẽ là động lực để các y, bác sĩ, nhân viên y tế nói riêng và những người đang ngày đêm đương đầu với dịch bệnh nỗ lực hơn nữa, đưa đất nước đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến với đại dịch.