Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch là một trong những kỳ nghỉ lễ được người dân Việt Nam mong đợi trong năm; và kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2022 được nghỉ mấy ngày là câu hỏi của nhiều người lao động.
Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, mỗi năm, người lao động có tất cả 11 ngày nghỉ lễ được hưởng nguyên lương. Trong đó, với lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, người lao động được nghỉ 1 ngày. Tuy nhiên, số ngày nghỉ thực tế trong dịp này sẽ nhiều hơn 1 nếu ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trùng hoặc sát kỳ nghỉ cuối tuần.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 2022 nhằm vào Chủ nhật 10/4 Dương lịch. Do đó, người lao động sẽ được nghỉ bù vào thứ hai tuần kế tiếp (tức ngày 11/4). Như vậy, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, mọi người được nghỉ 3 ngày liên tiếp, từ thứ Bảy 9/4 đến hết thứ Hai 11/4.
Ngày Giỗ Tổ Hùng vương trong lịch sử
Sách Ngọc phả Hùng Vương được soạn vào thời vua Lê Thánh Tông viết rằng: “Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (tức thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của đấng Thánh tổ xưa... Phụng ban hương Trung Nghĩa làm dân Trưởng tạo lệ, cấp 500 mẫu ruộng tại xã Hy Cương, lại cho thu thuế ruộng từ của một vùng trên từ Tuyên Quang, Hưng Hóa, dưới Việt Trì làm hương hỏa phụng thờ”.
Măm 1823, vua Minh Mạng cho rước bài vị các vua Hùng vào thờ ở miếu Lịch đại đế vương (miếu thờ các đời đế vương), đồng thời cấp sắc để thờ phụng tại đền Hùng. Nghi lễ tổ chức giỗ tổ được quy định chi tiết, chặt chẽ. Nhà Nguyễn định lệ 5 năm một lần mở hội lớn (vào các năm thứ 5 và 10 của thập kỷ). Năm Khải Định thứ 2 (1917), nhà Nguyễn ấn định lấy ngày 10/3 (Âm lịch) hằng năm làm ngày Quốc lễ, các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.
Sang thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ Lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25/7 phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mồng 10/3 Âm lịch thì cử hành "quốc tế" hàng năm, tức là sức cho các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) và UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Theo Nghị định 82/2001/NĐ-CP được Chính phủ ban hành năm 2001, vào năm lẻ, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương được UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức, mời lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội. Vào năm tròn (số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là 5), UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội, mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương. Vào năm chẵn (số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là 0), Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch và UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội, mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương.
Năm 2007, Luật số 84/2007/QH11 sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động 1994 được ban hành, theo đó người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương vào 9 ngày lễ, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch.
Ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày người Việt Nam thể hiện lòng tôn kính, tri ân đối với tổ tiên, theo tinh thần uống nước nhớ nguồn vốn là truyền thống của dân tộc.
Đây cũng là dịp để chúng ta đề cao niềm tự hào dân tộc, nhắc nhở mỗi người Việt Nam phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc, nguồn cội của tổ tiên, qua đó không ngừng nỗ lực phát huy các truyền thống quý báu để xây dựng đất nước giàu đẹp, xứng đáng với công lao của các thế hệ anh hùng dân tộc, với tổ tiên ta ngày trước.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cũng có ý nghĩa nhắc nhở về tinh thần đại đoàn kết, yêu nước thương nòi, chung sức chung lòng vì một đất nước Việt Nam hùng cường, tiếp nối công việc bảo vệ và xây dựng đất nước mà tổ tiên nhiều đời để lại.