Những sản phẩm mây tre đan của làng Phú Vinh đa dạng về kiểu dáng và mẫu mã, từ các vật dụng sinh hoạt hàng ngày như rổ, thùng, túi xách, thúng, mủng, dần, sàng, hộp đựng đồ đến các sản phẩm trang trí như rèm cửa, chao đèn, tranh chân dung, hộp quà tặng,..Hiện ngoài những sản phẩm cổ truyền, các mặt hàng mây tre của làng nghề Phú Vinh còn kết hợp với những vật liệu như gốm, sứ, gỗ, sắt... để cho ra đời những sản phẩm đẹp và sáng tạo.
Các công đoạn sản xuất mây tre đan rất cầu kỳ và đòi hỏi người thợ có tay nghề cao. Nguyên liệu để sản xuất mây tre đan phải được lựa chọn kỹ lưỡng, sau đó phơi, chẻ nan, sấy, luộc trong nước sôi hoặc sấy khói rơm để có màu sắc tự nhiên. Cuối cùng, người thợ sẽ dùng tay khéo léo đan các sợi mây thành các sản phẩm đẹp và chất lượng.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh thì chẻ nan mây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thợ có tay nghề cao. Thân cây mây là thân tròn, phía bên trong lại có lõi nên chẻ không khéo sẽ khiến sợi nan có độ dày mỏng không đồng đều. Người thợ có tay nghề cao sẽ biết cách lấy được cả phần cật và lõi của cây mây.
Các nghệ nhân trong làng kể rằng, cách đây 400 năm, Phú Hoa Trang (tên cũ của làng Phú Vinh) xuất hiện 3 ông chuyên làm các sản phẩm “lâm sản ngoài rừng” như rổ, rá, rế, làn... phục vụ cho nhu cầu của bà con chòm xóm.
Theo thời gian, nghề dần lan rộng, “phủ sóng”cả thôn, rồi cả xã. Với truyền thống lâu đời, ở Phú Vinh nhà nào cũng có người làm nghề mây tre đan, từ thanh niên trai tráng, phụ nữ đến người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào một công đoạn nào đó của nghề.
Cha truyền con nối, nên bao đời nay người Phú Vinh vẫn sống chết với nghề mây tre đan. Người làm nghề, nghề cũng giúp cho nhiều gia đình trong làng đổi đời, sung túc.