Gìn giữ nét văn hóa cộng đồng trong căn nhà dài Êđê

Võ Việt
Việc gìn giữ nếp nhà dài của đồng bào Êđê tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không chỉ góp phần bảo tồn phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn giúp phát triển du lịch văn hóa cộng đồng…

Ngôi nhà dài Êđê dựng trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, sau nhiều năm phục vụ khách tham quan, đã bắt đầu xuống cấp. Để bảo tồn, gìn giữ lâu dài các công trình kiến trúc dân gian đặc sắc này, nhằm giúp công chúng tiếp tục khám phá về văn hóa của người Êđê, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức cho cộng đồng người Êđê từ Tây Nguyên ra sửa chữa mái nhà và một số hạng mục.

anh-1-nha-dai-ede-1681811977.jpg
Nhóm thợ người đồng bào Ê đê tham gia sửa nhà dài tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Từ ngày 25/2/2023, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời nhóm thợ người Êđê đến từ buôn Ky, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk ra sửa chữa ngôi nhà dài Êđê. Sau gần hai tháng, nhóm thợ người Êđê đã tiến hành sửa chữa và hoàn tất một số hạng mục của ngôi nhà dài như: Lợp lại mái nhà, làm lại cửa sổ, cửa chính, sửa lại sàn, vách, thay sàn gỗ và sắp xếp lại một số hiện vật bài trí bên trong ngôi nhà.

anh-2-nha-dai-ede-1681811977.jpg
Việc sửa chữa được tiến hành để nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê trường tồn trong không gian.

Nhân dịp này, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức buổi giao lưu với người Êđê nhằm tạo cơ hội cho công chúng tìm hiểu trực tiếp về ngôi nhà truyền thống và những biến đổi hiện nay của tộc người này cũng như những quan điểm trong việc bảo tồn di sản văn hóa của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Buổi giao lưu có sự tham gia của 13 người thợ Êđê; TS. Lưu Hùng; PGS. TS Phạm Lợi - những người đã có nhiều năm nghiên cứu về Tây Nguyên và gắn bó với ngôi nhà dài Êđê; TS Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; các nhà nghiên cứu và các bạn sinh viên đến từ một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

anh-4-nha-dai-ede-1681811977.jpg
Ông  Y Yôč Hmok - trưởng nhóm thợ sửa nhà chia sẻ cảm nghĩ về quá trình sửa nhà dài Êđê

Phát biểu tại buổi giao lưu, Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - cho biết: Giữ nếp nhà dài không chỉ góp phần bảo tồn phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn giúp phát triển du lịch văn hóa cộng đồng. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mong muốn quá trình tu sửa nhà dài sẽ là cuộc truyền dạy các tri thức dân gian cho các thế hệ trẻ, nhất là giữa bối cảnh có nhiều biến đổi trong không gian sống của người Ê Đê hiện nay.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, ông Y Yôč Hmok - Trưởng đoàn thợ tham gia sửa chữa nhà dài cho biết: “Thợ ra sửa nhà lần này có 13 người thì có 7 người cũ và 6 người mới, trong số 6 người mới có cả con trai và em vợ của bác. Cho ra lần này để nó học việc như tập vuốt mây, lợp mái... chừng nào mà ba không ra được thì con cái phải ra".

Theo ông Y Yôč Hmok: "Thường thì mái nhà lợp được 7 đến 8 năm là đã phải thay rồi. Ở buôn Ky, ngày xưa nhà nào cũng đun bếp lửa hàng ngày, có nhà có tới 5, 6 bếp vì mỗi gian là một gia đình nhỏ và một bếp, khói hàng ngày giúp bảo vệ mái nhà tốt và bền hơn. Ngoài Hà Nội có 4 mùa mưa nắng lại không có khói bếp hàng ngày nên mái nhà sẽ hỏng nhanh hơn".

anh-5-nha-dai-ede-1681811977.jpg
TS. Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong quá trình sửa chữa ngôi nhà dài Êđê

“Hiện nay, ở buôn làng, những ngôi nhà dài truyền thống đã bị biến đổi ít nhiều, do đó, được tu sửa ngôi nhà truyền thống, đóng góp vào quá trình bảo tồn công trình kiến trúc dân gian của dân tộc vô cùng ý nghĩa. Bác muốn con, cháu chúng ta biết được cách cha ông mình làm ngôi nhà dài như thế nào. Khi tự tay làm, chúng ta mới hiểu và yêu ngôi nhà truyền thống của mình hơn”, bác Y Yôč Hmok nhấn mạnh.

Nhà dài của đồng bào dân tộc Êđê ở Đắk Lắk nguyên bản được làm bằng những nguyên liệu của núi rừng, như: Khung nhà bằng gỗ, xương mái, sàn bằng tre nứa, vách bao quanh nhà bằng tre nứa đập dập, đan kết lại hoặc thưng bằng ván. Kích thước nhà dài phổ biến là xà ngang dài từ 3,2 đến 3,4 m, cột cao 3,6 đến 4 m, lòng nhà rộng từ 4,5 đến 5,3 m.

Nhà dài nằm trong các buôn đều có đòn nóc nằm theo hướng Bắc - Nam, cửa ra vào và cầu thang lên xuống thường mở hai đầu hồi, tránh được gió Đông Bắc vào mùa mưa... Trước mỗi hiên nhà có cầu thang lên xuống, cầu thang có 7 bậc được làm bằng gỗ tốt, chủ yếu là cẩm lai, hương, rộng từ 0,8 đến 1,2 m, phía đầu cầu thang nơi tiếp giáp với hiên nhà thường tạc các hình mặt trăng lưỡi liềm, hai bầu vú tượng trưng cho sức sống và uy quyền của mẫu hệ.

anh-3-nha-dai-ede-1681811977.jpg
Ngôi nhà dài trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Bên trong nhà dài là gian lớn, giáp với hiên nhà được dùng làm phòng khách, nơi tổ chức các sinh hoạt gia đình, sinh hoạt cộng đồng như đánh chiêng, các nghi lễ hằng năm, tiếp khách... Bên cạnh gian lớn là các gian buồng riêng có từng bếp lửa của từng cặp vợ chồng; thông thường mỗi nhà dài của đồng bào dân tộc Êđê có từ 7 đến 9 cặp vợ chồng cùng chung sống...

Ngồi quanh bếp lửa trong ngôi nhà dài, người già truyền lại những phong tục tập quán, tín ngưỡng cho những người trẻ. Nhà dài chính là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp, gìn giữ bản sắc và những nét văn hóa đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc thiểu số Êđê.

Ngày nay, để nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê trường tồn trong không gian, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa, bản sắc ngôi nhà dài truyền thống.

Nguyễn Liên