Học trò đang “suy đồi” đạo đức?
Những ngày qua, dư luận xã hội xôn xao về những đoạn clip nhóm học sinh ở trường Trung học cơ sở Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) vừa khóa cửa, vừa dồn cô giáo vào góc lớp kèm theo những lời lẽ tục tĩu, xúc phạm,... đỉnh điểm là ném dép vào đầu khiến cô giáo ngất xỉu.
Đáng nói, đây không phải là những sự việc hiếm hoi xảy ra. Nhìn lại quá khứ đau lòng, nhiều vụ việc giáo viên là “nạn nhân của bạo lực học đường”, bị học trò, phụ huynh lăng mạ, hành hung vẫn hiện diện ở đó.
Tháng 5/2023, giáo viên trường Trung học Phổ thông (THPT) Lê Duẩn, tỉnh Đắk Nông bị phụ huynh học sinh đến nhà đánh đập vì xếp hạnh kiểm học sinh loại trung bình. Hay tháng 10/2022, mạng xã hội xôn xao clip nữ sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Khánh Hòa) “cãi tay đôi” và dùng nhiều lời lẽ thô tục, xưng “mày - tao” với thầy giáo.
Cũng trong tháng 10/2022, tại Hà Tĩnh, một phụ huynh xông vào trường Tiểu học Sơn Lâm đe dọa hành hung cán bộ, giáo viên và bắt hiệu trưởng quỳ gối xin lỗi,... vì bất bình trước hành động đọc tên hai con trước toàn trường khi chưa đóng tiền bảo hiểm.
Tháng 2/2018, với sức ép của phụ huynh, một giáo viên buộc phải quỳ gối bày tỏ sự “hối lỗi” dưới sự chứng kiến của các giáo viên khác. Mặc dù trước đó người giáo viên này đã nhận ra lỗi sai khi đưa ra hình phạt học sinh quỳ gối và xin lỗi phụ huynh….
Ngoài ra còn nhiều vụ việc bạo lực học đường đã xảy ra chưa liệt kê hết được. Nhưng hiện tại xu hướng bạo lực học đường ngày một gia tăng là điều không thể chối cãi. Đáng báo động là đối tượng, ranh giới của bạo lực học đường đã không còn giới hạn. Hiện nay, ngay cả giáo viên cũng là nạn nhân của bạo lực học đường, đáng buồn hơn “hung thủ” là những cô cậu học trò mình đang dạy dỗ, truyền dạy tri thức.
“Tức nước vỡ bờ” khi những clip về nhóm học sinh 12, 13 tuổi có những lời nói, hành vi xấc xược với giáo viên được lan truyền “chóng mặt” trên các trang mạng xã hội, cộng đồng mới “giật mình” và phẫn nộ trước những hành động vi phạm đạo đức nghiêm trọng của các cô cậu học trò hiện nay.
Trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc Gia Hà Nội), ông không khỏi bàng hoàng khi xem những đoạn clip đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
“Tôi tin rằng bất cứ người nào làm trong lĩnh vực giáo dục khi chứng kiến những đoạn clip đều cảm thấy sốc. Bởi trong “thánh đường giáo dục”, nơi các giá trị như: yêu thương, chia sẻ, hợp tác, tôn trọng… luôn được các thầy cô giáo đề cao lại xuất hiện những vụ việc đi ngược lại những giá trị đó.
Đáng nói, những hành vi thiếu chuẩn mực không phải được thực hiện bởi những học sinh cá biệt mà là tập thể lớp học sinh đối với người thầy, người cô dạy mình. Điều này khiến nhiều người quan ngại về vấn đề giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị cho thế hệ trẻ bây giờ như thế nào.” - Vị Phó Hiệu trưởng chia sẻ.
Thẳng thắn bày tỏ quan điểm trước vấn đề này, chuyên gia tâm lý, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng: “Dù cô giáo có như thế nào đi chăng nữa, học sinh cũng không được phép có những thái độ, hành vi như vậy. Cả một “bầy” hơn chục học sinh vây quanh, xúc phạm, hành hung cô giáo là điều không thể chấp nhận được. Ở đây rõ ràng có vấn đề trong đạo đức của học sinh.”
“Vì đâu nên nỗi?”
Theo TS Khuất Thu Hồng, học sinh không tự nhiên trở nên “hư hỏng”, nguyên cớ bắt nguồn từ giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và những vấn đề của đạo đức xã hội khiến trẻ em “thiết lập” suy nghĩ lệch lạc, coi việc hư hỏng, hay bạo lực là những chuyện bình thường, không có gì đáng sợ.
Vẫn biết người lớn là tấm gương phản chiếu cho lớp trẻ, tuy nhiên người lớn đã làm đúng vai trò “làm mẫu”của mình? Thay vì suy nghĩ, tìm kiếm hướng giải quyết nhẹ nhàng, tình cảm trong hòa bình, người lớn có xu hướng tìm đến bạo lực. “Ở nhà chửi nhau, ra đường chửi nhau, ra chợ chửi nhau, động một tí là sử dụng vũ lực… thử hỏi sao trẻ con không “hấp thụ”, bắt chước. Bản thân người lớn khi xem những clip đó cũng nên nhìn nhận lại bản thân, trách bản thân mình trước khi trách con trẻ…” - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Mặt khác, nhà trường chú trọng “nhồi nhét” kiến thức khoa học, nhưng ít trang bị kỹ năng sống, trong đó có những kỹ năng giải quyết, đàm phán, khi mâu thuẫn xảy ra làm thế nào để tránh bạo lực.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho rằng việc học sinh có những hành vi vô lễ, ngang ngược với giáo viên phải xem xét từ nhiều phía, không thể “đổ” hoàn toàn trách nhiệm cho nhà trường.
“Vai trò của gia đình ở đâu? Nếu giáo dục gia đình làm tốt nhiệm vụ của mình thì bản thân những đứa trẻ sẽ có những nguyên tắc, hành vi ứng xử và những giới hạn đảm bảo phép lịch sự, sự lễ độ đối với người lớn, đặc biệt người lớn ở đây là những người thầy, người cô dạy mình.”- ông Nam chia sẻ.
Hiện nay, những đứa trẻ đang sống trong những môi trường ẩn chứa nhiều tiêu cực. Những vụ việc mâu thuẫn, xích mích, “động tay động chân với nhau” hiện hữu ngay trên đường đến trường, trong khu chợ gần nhà,... khiến những người trẻ “dần quen” sự hiện diện của những tiêu cực, thậm chí hòa mình vào môi trường đó lúc nào không hay. Thời gian dài chúng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới quan và nhân sinh quan của những người trẻ.
Mặt khác, hiện nay, những người trẻ tiếp cận quá sớm với những nội dung trên không gian “ảo”, không gian chứa đựng nhiều chất liệu bạo lực, hình ảnh tình dục, những nội dung mang tính chất người lớn, không phù hợp với độ tuổi. Thử nghĩ nếu hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc, “tiêu thụ” những thông tin, hình ảnh “rác” và thiếu sự kiểm soát của cha mẹ, nhà trường cũng như cộng đồng thì tư duy, nhận thức của những người trẻ sẽ đi về đâu?
Dễ quan sát thấy nhất là những đứa trẻ sẽ “tập nhiễm” những hành xử bạo lực, coi đó là bình thường khi cảm thấy ấm ức, khi nhận định ai đó có hành vi không đứng đắn, khi các em nghĩ rằng mình được phép sử dụng những lời nói hạ nhục người khác, hoặc sử dụng những hành vi tấn công về mặt thể chất và các hành vi đó được chấp nhận.
“Nếu tất cả chúng ta không có cùng chung tay giúp giáo dục cho các em những nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị thì những hiện tượng này sẽ tiếp tục xảy ra, gây đau lòng cho những người làm cha, làm mẹ, những người làm thầy cô và gây hoang mang cho cộng đồng”, Phó hiệu trưởng Trần Thành Nam cho biết.