Giáo sư Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam chưa cho phép mình một phút giây ngơi nghỉ, khi cuộc chiến chống căn bệnh ung thư mỗi ngày thêm khốc liệt, cam go.
Phóng viên: Thưa GS Nguyễn Bá Đức! Ông đã có hơn 40 năm gắn bó với ngành ung thư, 40 năm cùng Bệnh viện K khám và điều trị cho người mắc bệnh hiểm nghèo này. Cơ duyên nào đã đưa ông đến với nghề y và sau đó là chuyên khoa ung thư?
GS Nguyễn Bá Đức: Hơn 40 năm làm việc ở Bệnh Viện K, từ năm 1969 cho đến năm 2012 nghỉ hưu. Bao nhiêu năm như vậy để lại cho tôi nhiều kỷ niệm lắm, vui có và buồn cũng có, thành công có và thất bại cũng có. Có rất nhiều người tôi điều trị từ những ngày đầu đến bệnh viện, rồi đến khi về hưu thì bệnh nhân vẫn nhớ và mang hoa đến tặng. Có những kỷ niệm mình nhớ mãi.
Tôi nghĩ rằng, hầu hết bác sỹ không ngẫu nhiên đến với ngành y mà phải có sự đam mê hoặc câu chuyện thôi thúc từ nhỏ. Lúc tôi còn bé, mẹ tôi đã bị bệnh nên tôi luôn quyết tâm phải trở thành bác sỹ để chăm sóc mẹ, gia đình tốt hơn. Khi đã đi học y rồi thì lại vô tình được phân về ngành ung thư. Học đến năm thứ 6, Bệnh viện K Trung ương đến trường để xin 6 sinh viên về đào tạo thành những bác sỹ chuyên ngành ung thư. Lúc đó là năm 1969 - năm thành lập Bệnh viện K Trung ương.
Phóng viên: Thưa Giáo sư! Nhu cầu điều trị ung thư của người dân ngày càng cao. Đó là lý do khi đang là Giám đốc Bệnh viện K Trung ương ông đã định hướng và nỗ lực mở rộng trung tâm, bệnh viện điều trị căn bệnh nguy hiểm này trên khắp cả nước?
GS Nguyễn Bá Đức: Tiền thân của Bệnh viện K Trung ương là Bệnh viện Radium Đông Dương, thành lập năm 1923, đến năm 1969 mới đổi tên như bây giờ. Bệnh viện Radium Đông Dương do người Pháp thành lập, là tòa nhà cổ ở số 43 phố Quán Sứ, đối diện Đài Tiếng nói Việt Nam. Bệnh viện này chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu cho cả 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia. Suốt những năm ấy công tác khám, chữa bệnh thầm lặng và ít ai biết đến. Sau đó Bộ Y tế Việt Nam mới phát triển và tách nó ra thành Bệnh viện K Trung ương
Đến năm 2000 chúng tôi lại xây đựng tiếp Bệnh viện K2 ở xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Vì vậy, Bệnh viện K3, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội ra đời. Ban đầu bệnh viện có hơn 1.000 giường, bây giờ đã phát triển thêm nhiều rồi. Một điều đáng mừng nữa trong suốt thời gian gắn bó với ngày y của tôi là năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư từ tuyến trương ương đến địa phương giai đoạn từ 2009-2020. Tất cả khu vực lớn, đông dân đều xây dựng các trung tâm ung bướu hoặc là bệnh viện ung bướu hoặc khoa ung bướu nằm trong các bệnh viện đa khoa.
Phóng viên: Điều trị bệnh ung thư rất phức tạp, đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật chuyên môn hiện đại, cập nhật của các y bác sỹ. Được biết, hồi mới phát triển Bệnh viện K Trung ương, GS là một trong những người được cử đi nước ngoài đào tạo để đáp ứng nhu cầu điều trị ung thư trong nước. Đó là một hành trình thú vị và ý nghĩa?
GS Nguyễn Bá Đức: Phải nói là chúng ta có sự hợp tác rất tốt với các nước có nền y tế phát triển, đặc biệt với Pháp, Mỹ. Tôi cũng vinh dự là người đầu tiên ở Bệnh viện K Trung ương được cử sang Pháp học tập vào năm 1980. Sau đó, nước ta thường xuyên cử cán bộ sang Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… học tập và trau dồi kinh nghiệm. Không chỉ bác sỹ nước mình sang nước bạn mà bác sỹ nước bạn cũng sang nước mình học tập. Đặc biệt, nhiều bác sỹ nước mình phẫu thuật rất giỏi nên trở thành tấm gương của nhiều bác sỹ nước khác học hỏi. Người Việt mình khéo tay lắm và tôi rất vui khi sang nước ngoài được nghe điều này.
Phóng viên: Ngoài công tác cứu chữa bệnh nhân, đào tạo nhân tài điều trị ung thư cho đất nước, GS Nguyễn Bá Đức còn cùng đội ngũ y bác sỹ khởi xướng và phát triển quỹ “Ngày mai tươi sáng”. Tên của quỹ như một thông điệp tích cực trong cuộc sống. Đây là quỹ có giá trị về cả vật chất và tinh thần đối với những bệnh nhân nghèo?
GS Nguyễn Bá Đức: Quỹ "Ngày mai tươi sáng" là nơi hội tụ và lan tỏa yêu thương. Trong quá trình công tác, tôi rất buồn vì thấy nhiều người nghèo đến mức không có tiền để đi mua bảo hiểm y tế. Chính vì vậy, tôi và nhiều cán bộ trong ngành y tế, đặc biệt là đồng nghiệp ở Bệnh viện K nghĩ rằng: Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì phải lập quỹ “Ngày mai tươisáng” để giúp cho người nghèo.
Ban đầu, quỹ nhận hỗ trợ từ các thầy thuốc và những người đến bệnh viện nhưng giờ đây, cả cộng đồng đều ủng hộ quỹ "Ngày mai tươi sáng". Tại các bệnh viện ung bướu, khoa ung bướu trong các bệnh viện cũng tích cực vận động để quỹ ngày càng mạnh hơn. Các đơn vị y tế sẽ có trách nhiệm thống kê bệnh nhân nghèo để trích quỹ hỗ trợ, để người bệnh có thêm chi phí chữa bệnh hoặc có quà ở những ngày lễ,Tết.
Phóng viên: Thưa GS Nguyễn Bá Đức! Dựng nền móng cho ngành ung bướu, từ số 0 tròn trĩnh lúc ban đầu, những “thiên thần áo trắng”, trong đó có ông đã phải vượt qua, hóa giải bao gian nan, thử thách để hệ thống điều trị ung thư ngày càng phát triển. Ông còn mong muốn điều gì trong hành trình điều trị bệnh ung thư của nước ta?
GS Nguyễn Bá Đức: Bên cạnh những việc mình làm được vẫn còn nhiều việc mình làm chưa được. Hiện nay, nhiều người bị ung thư lắm, những con số thống kê chỉ là bề nổi thôi, còn rất nhiều người bệnh chưa được phát hiện. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ của mình dù đã phát triển nhanh nhưng so với nhu cầu của thực tế còn rất mỏng. Những cán bộ có chất lượng, chuyên môn cao chủ yếu vẫn đang tập trung ở Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, TP Hồ Chí Minh. Nhiều địa phương khác đã có bệnh viện, khoa ung bướu nhưng lực lượng còn mỏng. Vì vậy, tôi mong muốn nước ta phát triển nhân lực y tế nhiều hơn nữa, trong đó đào tào nhân lực trong lĩnh vực ung bướu cần được đẩy mạnh.
Bản thân tôi hiện nay chỉ nghỉ hưu ở bệnh viện thôi, chứ tôi vẫn làm việc ở Hội ung thư Việt Nam và các quỹ từ thiện. Bây giờ tuổi đã cao, sức đã yếu hơn nhưng tình yêu với nghề y vẫn còn và hi vọng những việc mình làm sẽ giúp ích được nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư.
Phóng viên: Xin cảm ơn GS Nguyễn Bá Đức đã dành thời gian chia sẻ về chuyện nghề.