Giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm: Lo ngại lương hưu sẽ thấp

Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để tạo điều kiện cho thêm nhiều người có lương hưu. Tuy nhiên, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) xuống 15 năm dẫn tới mức lương hưu không cao, nhưng sẽ hạn chế được người lao động rút BHXH một lần.
nguoi-lao-dong-1677810693.jpg
Giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm dẫn tới mức lương hưu không cao (Ảnh: daidoanket.vn)

Về mức lương hưu, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, mức lương hưu được tính bằng 45% mức đóng, nếu tham gia BHXH đủ 15 năm với nữ và 20 năm đóng với nam. Sau đó, mỗi năm đóng BHXH được cộng thêm 2% vào lương hưu. Lương hưu tối đa bằng 75% mức đóng (nam đóng tối đa 35 năm, nữ tối đa 30 năm). 

Trường hợp nam đóng BHXH từ 15 đến dưới 20 năm và nữ đóng dưới 15 năm, mỗi năm đóng được tính lương hưu bằng 2,25% mức lương tính đóng bảo hiểm xã hội. Nếu quy định trên được thông qua, người lao động (NLĐ) tham gia BHXH 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu, đối với nam khi nghỉ sẽ được nhận mức lương hưu bằng 33,7% tiền lương tính đóng bảo hiểm, nữ được nhận mức lương hưu bằng 45% mức đóng.

Không ít người hưởng lương hưu ở mức rất thấp

Nếu đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm được thông qua có thể khuyến khích người lao động đóng BHXH đủ thời gian hưởng lương hưu thay vì rút BHXH một lần. Ước tính mỗi năm sẽ tăng từ 10-40 nghìn lao động có lương hưu.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, đóng BHXH để có lương hưu là tích lũy cả đời, người đóng BHXH thời gian dài sẽ có lương hưu cao. Ngược lại một số người tham gia thị trường lao động muộn, đóng BHXH ngắn, tiền đóng ít nên lương hưu thấp.

Phương án lương hưu cho người tham gia BHXH dưới 20 năm trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang mang tính cơ học, kiểu tính lùi so với luật hiện hành. Giải pháp này sẽ dẫn tới tương lai có không ít người hưởng lương hưu ở mức rất thấp.

Vì vậy, ông Huân đề xuất, luật có thể nghiên cứu đưa ra phương án cho người lao động chọn, nếu thời gian đóng BHXH ít, có thể nhận lương hưu mức cao nhưng thời gian hưởng ngắn, hoặc hưởng lương hưu thấp nhưng được nhận tới lúc chết. 

Ông Huân cũng băn khoăn về đề xuất mức hưởng lương hưu của nam và nữ khác nhau, để được nhận mức lương hưu bằng 45% mức đóng, nữ chỉ cần đóng BHXH 15 năm, nhưng nam phải mất 20 năm, dù cơ sở đóng như nhau. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để đảm bảo cho người lao động hài hoà về mức đóng và mức hưởng.

15 năm đóng BHXH chỉ là thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu

Xung quanh đề xuất đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu, nhiều ý kiến cho rằng mức hưởng thực tế sẽ rất thấp, do vậy chính sách nghiên cứu ban hành phải đảm bảo mức lương tối thiểu cho người lao động.

Về vấn đề này ông Lê Đình Quảng chia sẻ, mức lương hưu phụ thuộc vào 2 điều kiện thời gian đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu.

Thời gian đóng ngắn khi đến tuổi nghỉ hưu mức hưởng không cao, nhưng đó là mức lương hưu tối thiểu. Khi người tham gia BHXH đủ 15 năm nhưng đang còn tuổi lao động, sẽ khuyến khích họ tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, tăng thời gian đóng để hưởng lương hưu cao hơn.

Hiện nay mức lương đóng BHXH ở nước ta cơ bản còn thấp. Mức lương hưu có sự phân hoá lớn, có người về hưu hưởng lương rất cao nhưng có người rất thấp, sự chia sẻ lương hưu chưa cao.

Lương hưu ở các nước không có sự chênh lệch nhiều, vẫn theo nguyên tắc đóng cao hưởng cao, nhưng cơ bản khi về hưu bộ trưởng với người lao động bình thường không chênh lệch nhiều. Trong khi ở nước ta lại có sự phân hóa lớn. Đây là bất cập chính sách cần phải quan tâm để điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Có thể đóng bổ sung để nhận lương hưu cao

Khi giảm thời gian đóng BHXH để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, dù có thêm nhiều NLĐ có lương hưu, nhưng nhóm nhận mức lương hưu thấp cũng sẽ tăng thêm. Điều này dẫn tới những lo ngại rằng, ngân sách nhà nước phải cấp bù để đảm bảo mức lương và cuộc sống cho người có mức lương hưu thấp, tương tự như các lần điều chỉnh lương hưu gần đây.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH cho rằng, khi có lương hưu, dù thấp, người nghỉ hưu sẽ được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, các chế độ tử tuất. Điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ bao phủ BHXH khi số người hưởng BHXH một lần. 

Nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng, nên người đóng trong thời gian dài hơn thì sẽ nhận mức lương hưu cao và ngược lại. Có người đóng ít, và chỉ đóng trong 15 năm, sẽ nhận mức lương hưu thấp nhưng vẫn hơn không có lương hưu. Với quy định này, Nhà nước sẽ gặp rủi ro hơn NLĐ, vì có người đóng ít năm nhưng nhận lương hưu kéo dài khi tuổi thọ tăng lên. Ngân sách sẽ phải bù cho phần hưởng vượt thời gian đóng.

Về lo ngại rằng, thực tế sẽ có người chỉ tham gia đóng bảo hiểm trong thời gian tối thiểu, hoặc nhiều người nhận mức lương hưu thấp, ngân sách phải bù, bà Hương nêu đề xuất: Có thể cho phép NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH thấp có thể đóng thêm vài năm để nhận lương hưu cao hơn.

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH, đơn vị xây dựng luật) cho hay, cùng với việc giảm điều kiện đóng BHXH để nhận lương hưu xuống 15 năm, sẽ có các quy định bổ sung để giải quyết tình huống lương hưu thấp. Theo ông Nam, cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu đề xuất một số giải pháp như: NLĐ tham gia BHXH 15 năm có thể chưa nhận lương hưu và đóng tiếp. Thời gian kéo dài đóng BHXH sẽ được tính tỷ lệ vào lương hưu cao hơn...

Phương Thảo - TH