Giải quyết việc làm mới cho hơn 13.000 lao động

Quý I/2022, tỉnh Thanh Hóa tạo việc làm mới cho trên 13.000 lao động. Dự kiến cả năm, địa phương này tạo việc làm mới cho 58.000 lao động.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Thanh Hóa, trong quý I/2022, địa phương này đã giải quyết việc làm mới cho trên 13.180 lao động, trong đó có 325 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Sở đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh khu vực phía Bắc tổ chức phiên giao dịch việc làm online kết nối 11 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 312 lao động tham gia, qua đó đã kết nối việc làm trong và ngoài tỉnh cho 201 lao động.

Đồng thời Sở đã giới thiệu, hướng dẫn 5 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu kinh tế trong và ngoài tỉnh; 16 doanh nghiệp xuất khẩu lao động có đơn hàng tốt về phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tuyển lao động.

z2787570129577acab471442fa12a7787b73b782b58ae5-1632409049925-1647511222.jpg
Trong quý I/2022, tại Thanh Hóa đã giải quyết việc làm mới cho trên 13.000 lao động (Ảnh: CTV).

Sau Tết Nguyên đán 2022, lao động tại Thanh Hóa quay trở lại làm việc đạt khoảng 98%. Từ tháng 2/2022, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoa Lợi có chủ trương tăng 6% lương cơ bản cho tất cả công nhân lao động.

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng trên 12.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp bị mắc Covid-19 nên đã ảnh hưởng đến đơn hàng và việc bố trí sắp xếp làm việc tại nhiều doanh nghiệp.

Sở LĐ-TB&XH đã tăng cường chỉ đạo chính quyền cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh lao động, nhất là trong các lĩnh vực có nguy cơ cao gây mất an toàn lao động. Trong quý I/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 2 vụ tai nạn lao động khiến 2 người tử vong tại nơi làm việc.

Đồng thời, theo dõi sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh; chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, không để xảy ra đình công, ngừng việc tập thể trái pháp luật, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Đến thời điểm hiện tại, thị trường lao động tại Thanh Hóa cơ bản đã được phục hồi, các doanh nghiệp có xu hướng tiếp tục tuyển dụng thêm nhiều lao động để mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo khảo sát sơ bộ, khoảng 220 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 32.000 lao động sau Tết Nguyên đán 2022 (trong đó lao động nữ chiếm 70%).

Do yêu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp về trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao, chủ yếu là lao động phổ thông nên khả năng đáp ứng về nguồn cung lao động của tỉnh Thanh Hóa khoảng 90%. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa được thành lập và đi vào hoạt động tiếp tục tăng sẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động.

Ước cả năm 2022, toàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tạo việc làm mới cho 58.000 lao động, trong đó giải quyết việc làm trong nước là 53.000 người và xuất khẩu lao động là 5.000 người.

Để hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm, nhiều giải pháp được đưa ra như: Thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến của cung - cầu lao động, dự báo thông tin thị trường lao động, tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để giới thiệu các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động về các huyện, thị xã, thành phố tuyển chọn lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm.

Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người cận nghèo, thanh niên nông thôn, lao động bị mất việc làm tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, làm việc trong các khu công nghiệp, khu vực kinh tế trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Cùng với đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động để kịp thời cung ứng cho doanh nghiệp, hạn chế sự thiếu hụt lao động kỹ năng cho phục hồi sản xuất kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng lao động ở khu công nghiệp, khu vực kinh tế trên địa bàn, lựa chọn một số ngành nghề có nguy cơ thiếu hụt nhiều nhất để đào tạo, bồi dưỡng…