Giá xăng dầu liên tiếp tăng khiến doanh nghiệp khó phục hồi

Giá xăng dầu và giá nguyên liệu đầu vào cùng tăng cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là trong thời điểm phục hồi sau dịch Covid-19.

Do biến động tăng của giá xăng dầu thế giới, sau 3 kì điều chỉnh gần đây, mặc dù có sự can thiệp của Quỹ Bình ổn giá (BOG) cũng như tỷ lệ giảm thuế môi trường nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn có sự tăng mạnh. Hiện tại, giá mặt hàng xăng RON95 đã chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít trong khi giá dầu diezel đã tăng lên 26.650 đồng/lít. Giá xăng dầu và giá nguyên liệu đầu vào cùng tăng cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh, trong thời điểm phục hồi sau dịch Covid-19.

Là DN đặc thù sản xuất phụ tùng cơ khí, Công ty CP Thống Nhất Hà Nội chuyên sản xuất xe đạp nên khi giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng lớn đến giá nguyên vật liệu đầu vào như thép, nhôm… kéo theo giá thành sản phẩm của DN tăng lên, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu cũng như biên độ lợi nhuận của DN.

nlntv-xangdautacdongsxkd3-1652922000.jpg
Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu liên tục tăng.

Ông Chu Văn Vượng, Trưởng phòng Nhân sự Công ty CP Thống Nhất Hà Nội cho biết, để có thể thích ứng với chi phí xăng dầu tăng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, DN cũng triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp như tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm có thể giảm bớt một phần chi phí, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất kinh doanh chặt chẽ hơn, hạn chế thất thoát.

“DN một mặt từng bước đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, mặt khác đã phải thương lượng, thuyết phục với đơn vị vận tải để không tăng cước vận chuyển quá cao. Song song với đó, DN cũng tìm kiếm thêm các nhà cung cấp nguyên vật liệu có chất lượng tốt nhất cũng như giá bán ít có biến động nhất. Trong công tác tuyên truyền, DN tăng cường thông tin, quảng bá để người tiêu dùng đi xe đạp nhiều hơn. Đối với người lao động, DN khuyến khích người lao động đạp xe đi làm, vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa nâng cao sức khỏe lại thân thiện với môi trường”, ông Vượng cho biết.

Thực tế, nhiều DN cho biết, giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến đà phục hồi của DN bởi chi phí xăng dầu chiếm khoảng 25% - 30% trong tổng chi phí sản xuất của toàn DN, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của cán bộ nhân viên. Chi phí nguyên liệu hiện nay đã tăng gấp 3 – 4 lần so với cùng kỳ năm trước buộc DN phải tính đến nâng giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, cái khó là khi giá trị sản phẩm tăng lại khiến người tiêu dùng đắn đo và cân nhắc khi lựa chọn mua sản phẩm.

Trong hơn 4 tháng qua, do yếu tố địa chính trị cộng với vấn đề dịch bệnh và biến động giá xăng dầu thế giới ở biên độ rất lớn, đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu Việt Nam, ảnh hưởng đến sự phục hồi nền kinh tế và đặc biệt là chỉ số lạm phát.

"Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng hoặc kéo dài có thể DN sẽ phải ngừng sản xuất, hoặc hàng hoá khó lưu thông dẫn đến DN thua lỗ… là điều không thể tránh khỏi”, đại diện một DN trăn trở.

nlntv-xangdautacdongsxkd1-1652922058.jpg
Nhiều DN cải tiến dầy chuyền sản xuất cùng đổi mới phương thức hoạt động nhằm ứng phó với biến động của giá xăng dầu và nguyên liệu.

Với tác động của lạm phát chuỗi cung ứng và diễn biến giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng như hiện nay, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lưu ý, các DN cần đa dạng hóa nguồn cung, chủ động nguồn cung nguyên vật liệu đủ để duy trì sản xuất vào những thời điểm giá cả tăng cao.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Bộ Tài chính cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa DN kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và DN sử dụng xăng dầu./.

Theo liên Bộ Công Thương – Tài chính, việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước; duy trì Quỹ BOG để có dư địa điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân./.