Du xuân khám phá thủ đô đất nước Triệu Voi

Viêng Chăn là thủ đô có diện tích, dân số vào loại nhỏ ở Đông Nam Á. Nó không sầm uất như Bangkok (Thái Lan) hay náo nhiệt như Singapore hoặc Hà Nội (Việt Nam), nhưng chính "thành phố nhà vườn" này lại tạo nên một bầu không khí rất riêng cho du khách khi đến trải nghiệm, đặc biệt mỗi dịp xuân về.
anh-1-1675050401.jpg
Bình yên những ngôi chùa trên đất Triệu Voi

Bắt đầu những năm 90 thế kỷ trước, Lào bắt đầu mở cửa chào đón du khách nước ngoài và từ đó tới nay du lịch trở thành một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Lào.

Người dân Lào hiền hậu, mến khách. Tại quốc gia nhỏ bé này, du khách có thể tìm thấy cả thiên nhiên tươi đẹp lẫn nền văn hóa phong phú tại bất kỳ điểm dừng chân nào. Thiên nhiên hoang sơ, núi rừng nhiệt đới ở phía Bắc và những cánh đồng rộng lớn ở phía Nam sẽ mang lại cho bạn một kỳ nghỉ thú vị với nhiều trải nghiệm. Đặt chân tới nước Lào xinh đẹp, bạn không thể bỏ qua điểm đến nổi tiếng - Thủ đô Viêng Chăn. 

Nhân dịp đón xuân Quý Mão 2023, mời bạn cùng điểm qua những điểm đến và đặc trưng du lịch của thủ đô Viêng Chăn cùng phóng viên Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt:

anh-2-1675050401.jpg
Wat Si Muang hay còn được gọi là chùa Si Mương được xây dựng vào năm 1566 là ngôi chùa linh thiêng nhất tại thủ đô Viêng Chăn. Ngôi chùa không chỉ là địa điểm tâm kinh của thủ đô mà còn là biểu tượng của thành phố mang nhiều nét tinh hoa và văn hóa đặc sắc
anh-3-1675050401.jpg
Ngôi chùa tọa lạc ở ngã tư các con phố Sethathirat và Samsenethai tại nơi ngày nay vẫn được người Lào theo truyền thống gọi là “bản” Simuong thuộc quận Sisattanak, Thủ đô Vientiane, Lào. Rộng hơn 2ha, nơi đây vẫn thu hút đông đảo lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước Lào đến đây ghé thăm mỗi năm, đặc biệt các dịp Tết Nguyên đán.
anh-4-1675050401.jpg
Vào sáng sớm của ngày đầu năm mới tết Nguyên đán hay Tết Lào vào tháng 4, những hàng dài người dân Lào, người Lào gốc Việt... đã xuất hiện ở những ngôi chùa. Không có cảnh chen lấn, xô đẩy đặt tiền rồi đặt lễ như cảnh đi lễ chùa thường thấy của người Việt Nam. Người dân Lào trật tự xếp hàng và thảnh thơi bước vào làm lễ. Trên tay mỗi người có thể là một đài hoa kết từ hoa vạn thọ quấn bằng lá chuối xếp thành tháp nhỏ hay vài bông hoa, 2-3 cây nến dài… dâng lên Phật cầu mong sức khỏe và an lành. Không gian tĩnh lặng và yên bình vang vang lời kinh cầu.
anh-5-1675050407.jpg
Lễ buộc chỉ cổ tay (còn gọi là lễ Sou khoẳn) là phong tục tập quán tâm linh gắn với đời sống của người dân Lào từ lâu đời, trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người dân Lào với những ý nghĩa đem lại sự bình an, may mắn cho người được buộc chỉ. Chùa Simuong là điểm thường được du khách Việt Nam xin lễ buộc chỉ cổ tay.
anh-6-1675050670.jpg
Khải Hoàn Môn là một điểm đến vô cùng lý tưởng dành cho những ai lần đầu ghé thăm Lào. Khải Hoàn Môn Patuxai nằm cuối đại lộ Lan Xang (hay đại lộ Thanon Luang) về phía Đông Bắc thủ đô Viêng Chăn, là một biểu tượng chiến thắng của người Lào. Patuxai được xây dựng vào năm 1957 để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp tại Lào.
anh-7-1675050670.jpg
Khải Hoàn Môn Patuxai cao 55m, có 4 mặt, mỗi mặt có bề ngang 24m, gồm bảy tầng tháp và hai tầng phụ. Patuxai được mô phỏng theo kiến trúc của Khải hoàn môn Paris. Tuy nhiên Patuxai vẫn giữ được những nét rất riêng biệt, mang đậm chất của văn hóa Lào.

Các cửa sổ bên cầu thang của tòa tháp cũng được thiết kế khéo léo theo hình những bức tượng Phật. Patuxai có bảy tầng tháp được nối với nhau bởi những cầu thang xoắn ốc. Các cửa sổ ở bên cạnh những cầu thang được thiết kế khéo léo và tinh tế bởi những bức hình tượng Phật. Khi lên đến tầng cao nhất của Patuxai, du khách có thể nhìn ngắm toàn cảnh thành phố Viêng Chăn thơ mộng và yên bình.

anh-8-1675050670.jpg
Tòa nhà làm việc của Chính phủ Lào, cạnh Khải Hoàn Môn cũng là điểm check in của nhiều du khách, muốn lưu lại những ký ức khi đến với Thủ đô Viên Chăn.
anh-9-1675050670.jpg
Trên quốc huy và tiền giấy của Lào là hình ảnh của Pha That Luang. Nếu Patuxai là biểu tượng của Viên Chăn thì Pha That Luang là biểu tượng của nước Lào.

Pha That Luang là ngôi tháp Phật giáo nổi tiếng, nằm ngay trung tâm Viêng Chăn ấn tượng bằng kiến trúc tháp đặc trưng của Lào và màu vàng óng ánh nổi bật. Tương truyền tháp chứa đựng xá lị Phật tổ, được xây từ năm 1566, bị phá hủy trong chiến tranh và sau đó được khôi phục nguyên trạng.

anh-10-1675050670.jpg
Nếu chỉ đứng bên ngoài tháp, du khách đã có vô số những bức ảnh lộng lẫy với Pha That Luang trên nền trời xanh và màu vàng rực rỡ của tháp. Mua vé vào trong tháp sẽ được ngắm nhìn các tượng Phật qua các thời kỳ lịch sử, những bức tượng bị tàn phá trong chiến tranh để hiểu hơn những thâm trầm của ngôi tháp, của lịch sử một dân tộc.

Pha That Luang có không gian mở xung quanh để dù nhìn gần hay đứng xa đều có thể ngắm nhìn được vẻ đẹp huy hoàng của ngôi tháp.

anh-11-1675050940.jpg
Tượng Phật nằm ở Chùa Thatluang Tai ( Bản Nam That Luang ) là điểm thu hút khá nhiều du khách khi đến thăm khu vực Thatluang, Học viện Phật giáo và Quảng trường, tòa nhà Quốc hội.
anh-12-1675050940.jpg
Quốc hoa của Lào –  Ý nghĩa hoa Đại (Champa ) của nước Lào. Đối với người dân Lào, Dok Champa đại diện cho sự chân thành và niềm vui trong cuộc sống. Loài hoa này thường được sử dụng để trang trí các nghi lễ hoặc làm thành vòng hoa chào đón khách. Hoa dok Champa được trồng phổ biến trên toàn lãnh thổ Lào, đặc biệt là gần khu vực các tu viện. Hoa Champa thể hiện được triết lí nhân sinh cao quý, ý nghĩa về đạo lý của nhà Phật, tính cách đôn hậu và hiền hòa của người dân Lào.
anh-13-1675050940.jpg
Những ai từng đi du lịch sang Lào chắc đều không quên mua một món đồ trang sức bằng Bạc làm quà cho người thân. Khách du lịch đều rất thích vì bạc Lào có lịch sử nổi tiếng và kiểu dáng thời trang, chế tác hoàn toàn bằng thủ công nên giá trị sản phẩm rất khác biệt. Khi đến với Viên Chăn, cửa hàng Bạc Lào Chittana của vợ chồng chị Hương -Việt Kiều lúc nào cũng tấp nập khách du lịch Thái Lan, Việt Nam.
anh-14-1675050940.jpg
Tam Mak Houng là món nổi danh và được yêu thích ở đất nước Triệu Voi.

Đối với người Lào trong các bữa ăn thường không bao giờ thiếu món Tam Mak Houng, nhất là trong mâm cơm truyền thống của Lào, món ăn này đã đi sâu vào nét văn hóa ẩm thực của người dân Lào và cũng luôn tạo ấn tượng khó quên đối với các du khách ngay từ lần đầu thưởng thức. Tại Lào, bạn có thể dễ dàng tìm thấy món này ở khắp nơi, ở những khu chợ bình dị, các quán vỉa hè cho đến các nhà hàng sang trọng. Ông Nguyễn Hữu Bắc - Chủ tịch Du lịch PhucGroup, đơn vị chuyên cung cấp Landtour Lào - Đông Bắc Thái Lan cho thị trường khách du lịch Việt Nam có nói đùa rằng " Nên gọi đó  là món gia vị cuộc đời. Bởi vì đầy đủ chua, cay, mặn ,ngọt. Ăn một lần sẽ nhớ cả cuộc đời, và đôi khi gây nghiện bởi món này".

anh-15-1675050940.jpg
Trong những ngày lễ tết, ngoài tập tục té nước và buộc chỉ cổ tay như gởi đến nhau những lời chúc may mắn, người Lào thường mời khách đến nhà chơi và thưởng thức món lạp truyền thống. “Lạp” trong ngôn ngữ Lào có nghĩa là lộc, sự may mắn. Đây là món ăn truyền thống trong các dịp lễ hội, một món ăn giản dị và gần gũi với đời sống của người dân Lào hiền hòa, một món ăn đậm đà tính dân tộc biểu trưng cho sự may mắn và bình an… Người Lào vẫn thường tặng nhau món lạp thay cho lời cầu chúc may mắn đầu năm và gia đình nào nhận được nhiều quà tặng độc đáo này thì đó là dấu chỉ năm mới sẽ có nhiều tài lộc. ( Ảnh: Ole Internet )
Lâm An