Doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh: Hiện đại hóa dây chuyền sản xuất

Khi dịch Covid-19 bùng phát, người lao động về quê, các dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết hiện đại hóa, tự động hóa công nghệ, dây chuyền sản xuất và trên thực tế thành phố Hồ Chí Minh luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện định hướng này.
san-xuat-hang-may-mac-tai-c-1638326249.jpg
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn

Cấp thiết chuyển đổi dây chuyền sản xuất

Tổng Giám đốc Tổng công ty May Nhà Bè (quận 7) Nguyễn Ngọc Lân cho biết, hiện công ty đã ký hợp đồng với các đối tác cung cấp đơn hàng đến hết quý I-2022. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của công ty là thiếu nhân lực. May mắn hơn Tổng công ty May Nhà Bè, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Công ty TNHH QST Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) đã kịp đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, nhờ đó giảm được đáng kể số lượng công nhân đứng máy.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và dai dẳng 2 năm qua, nhu cầu nguồn nhân lực là câu chuyện được hầu hết doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp khối sản xuất) đặc biệt quan tâm, nhiều đơn vị đang gặp khó khăn trong thu hút người lao động để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc chuyển đổi phương thức sản xuất từ thâm dụng lao động sang tự động hóa thông qua ứng dụng kỹ thuật, công nghệ được xem là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay và tính bền vững trong tương lai.

Ông Đào Xuân Đức, nguyên Phó Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) cho rằng, xu thế tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là tất yếu với mọi quốc gia. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, mà cần tận dụng mạnh mẽ hơn để “đi tắt, đón đầu”.

Còn Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh, khi các yếu tố đầu vào như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào... của thành phố không còn là thế mạnh, đòi hỏi thành phố phải thay đổi mô hình tại các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng tăng tính tự động hóa trong sản xuất.

Đồng hành với doanh nghiệp

Sau 30 năm hình thành và phát triển, Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) là một trong những khu chế xuất đầu tiên của cả nước đang chuẩn bị mọi điều kiện để bước sang giai đoạn phát triển mới. Đó là giai đoạn chuyển đổi và xây dựng mô hình Khu sinh thái công nghệ cao Tân Thuận.

Theo Hepza, những năm qua, Khu chế xuất Tân Thuận có sự chuyển dịch về ngành nghề và công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp hiện hữu. Các doanh nghiệp sản xuất, gia công truyền thống đã dần chuyển lên hiện đại, được đầu tư, đổi mới công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, góp vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mới đây, 22 doanh nghiệp là các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh (Samsung, BOSCH, Juki...) đã đưa ra danh mục 400 chi tiết linh kiện thuộc các lĩnh vực như điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, robot và tự động hóa nhà máy, thiết bị truyền tự động... cần nhà cung cấp trong nước nhằm thay đổi máy móc, trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất tại các nhà máy. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm tự động hóa dây chuyền sản xuất, giảm thâm dụng lao động.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, trước bối cảnh khó khăn của cả nước do đại dịch Covid-19 cũng như thách thức của việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành tăng cường hỗ trợ để duy trì các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Thành phố luôn hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, từng bước tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này giúp tạo động lực cho các nhà sản xuất tại Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, tự thân mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực để “làm mới” mình thông qua thay đổi công nghệ, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại theo hướng tự động hóa. UBND thành phố sẽ có chính sách ưu tiên hỗ trợ.

“Thành phố đang nghiên cứu các cơ chế chính sách về đất đai, thuế, hải quan, thủ tục, vốn... để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Thành phố cũng chuẩn bị xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao quy mô hơn 300ha để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi công nghệ của các doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho hay.