Điều ít biết về tác giả câu nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” – câu nói nổi tiếng trên tấm văn bia đầu tiên đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám đến nay vẫn được coi như một “định nghĩa” chuẩn mực nhất về kẻ sĩ, trí thức Việt Nam. Người viết nên câu văn bia bất hủ ấy chính là Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung.
than-nhan-trung-1644504524.jpg
Tiến sĩ Thân Nhân Trung là tác giả câu nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”

Cuộc đời và sự nghiệp của danh sĩ Thân Nhân Trung

Thân Nhân Trung (1418 – 1499) - người khai khoa cho làng tiến sĩ Yên Ninh (nay là thị trấn Nếnh) huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông tự là Hậu Phủ, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1469) dưới triều vua Lê Thánh Tông khi đã 50 tuổi.

Tuy đỗ đạt muộn nhưng Thân Nhân Trung lại gặp may, có một sự kiện quan trọng có tác dụng quyết định cuộc đời hoạt động giúp nước của ông, đó là việc Lê Thánh Tông lên ngôi Hoàng đế, mở ra một thời kỳ thịnh đạt mới trong sự nghiệp nhà Lê, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Thân Nhân Trung có cơ hội phát huy tài năng và hoài bão của mình.

Dưới triều Lê Thánh Tông, nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới trong đó mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá giáo dục đều đạt tới đỉnh cao. Cuộc gặp gỡ giữa "minh quân" Lê Thánh Tông và "lương tướng" Thân Nhân Trung quả không phải là điều dễ gì trong cuộc đời một con người, nhất là dưới chế độ phong kiến và đây là bước ngoặt quyết định sự nghiệp của Thân Nhân Trung. Từ đây, ông sẽ mang hết tâm lực của mình ra để đền đáp tấm ơn tri ngộ đối với vị "vua hiền", và ngược lại vị vua hiền cũng đã biết dùng đúng tài năng của ông để ông trở thành một danh thần về văn hoá và chính trị nổi tiếng một thời.

Và như đã nói, Thân Nhân Trung được triều đình tin dùng trong việc tuyển chọn nhân tài và đào tạo nhân tài cùng các công việc quan trọng khác trong triều. Các kỳ thi hương, thi hội ông đều có đóng góp tích cực, việc xem xét bài vở của các thí sinh, vua đều giao cho Thân Nhân Trung xem xét đọc duyệt để trình lên. Uy tín và vai trò của Thân Nhân Trung càng được đề cao vào năm 1493, khi ông được giữ chức Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các đại học sĩ kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu.

minh-quan-le-thanh-t-15-1644504524.jpg
Một số hình ảnh thi cử thời vua Lê Thánh Tông

Thân Nhân Trung có hai con trai và cháu đều đỗ Tiến sĩ và làm quan dưới triều vua Lê Thánh Tông. Con trai cả là Thân Nhân Tín đỗ năm 1490, con trai thứ là Thân Tông Vũ đỗ năm 1481, và cháu Thân Cảnh Vân (con trai của Thân Nhân Tín) đỗ Thám Hoa năm 1487. Ngoài 4 cha con ông cháu họ Thân, Yên Ninh còn có 6 người khác đỗ Tiến sĩ.

Hoàn cảnh ra đời câu nói bất hủ

Hiếm có vị vua và bề tôi nào thân thiết với nhau như vua Lê Thánh Tông và Thân Nhân Trung. Trong một bài văn khóc khi vua băng hà, Thân Nhân Trung đã viết: “Vận số xui thành bạn tri âm”. Ông lại được giao soạn “Thánh Tông Chiêu Lăng bi minh”. Vua cho Thân Nhân Trung dự bàn nhiều việc cơ mật, thậm chí giao trọng trách. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, ghi về Thân Nhân Trung, vua Lê Thánh Tông đề cập tới 12/16 lần xuất hiện. 

Ngày 15/8/1484, vua Lê Thánh Tông sai dựng bia từ khoa thi Nhâm Tuất (1442) đến khoa thi Giáp Thìn năm Hồng Đức thứ 15 (1484) gồm 10 khoa thi. Thân Nhân Trung được giao trọng trách soạn bài văn bia khoa thi năm 1442. Nhiều người đỗ đạt ở khoa thi quy củ này sau đó đã có nhiều đóng góp lớn cho đất nước như Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, Thám hoa Lương Nhữ Hộc, Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên.

Việc được giao soạn văn bia 1442 còn đem tới nhiều cơ duyên lạ kỳ nữa. Ví như: Nguyễn Trãi – người cứu giúp mẹ con hoàng tử Lê Tư Thành là người chấm thi năm 1442 và cũng bị án oan năm 1442. Vua Lê Thánh Tông cũng sinh năm 1442. Tại khoa thi 1442, Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên. Đến năm 1469, Nguyễn Trực chấm thi lấy đỗ Thân Nhân Trung. 

Là người sôi kinh nấu sử một thời gian dài, mãi đến năm 50 tuổi mới thi đỗ, chứng kiến nhiều sự hưng vong của các vị vua và sự ảnh hưởng của các đại thần, kẻ sĩ với vương triều nên Thân Nhân Trung đã viết nên những câu văn vừa chiêm nghiệm, vừa sục sôi, đau đáu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà vươn cao hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Vì thế các bậc thánh đế, minh vương, không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp đầu tiên…”

truoc-quoc-hoc-hue-21-1644504524.jpg
Câu nói nổi tiếng đến nay vẫn được coi như một “định nghĩa” chuẩn mực nhất về kẻ sĩ, trí thức Việt Nam

Trước Thân Nhân Trung, nhiều bậc đại trí thức đều biết sự quan trọng của kẻ sĩ đối với quốc gia. Sĩ được xếp vào hàng đầu tiên trong xã hội: “Sĩ, nông, công, thương, binh”. Nhưng không ai gọi hiền tài là “nguyên khí”. Nhưng sau khi Thân Nhân Trung định danh “hiền tài” như vậy thì các đại trí thức đời sau đã tán đồng và sử dụng tư tưởng này. 

Những lời dặn dò hiền tài của đất nước

Bên cạnh việc đề cao hiền tài, văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi 1442 còn có những câu mang tính răn đe kẻ sĩ như: “Ôi! Kẻ sĩ chốn trường ốc, lều tranh số phận thật nhỏ bé mà được triều đình đề cao như vậy thì cái chí của họ vì tự trọng bản thân mà phải lo báo đáp. Hãy đem tên họ những người đỗ trong khoa này mà kê lại. Những người đưa vào văn học chính sự tô điểm cho cảnh thịnh trị, thanh bình, vài chục năm trở lại đây, được quốc gia tin dùng, kể cũng nhiều vậy. Nhưng trong số đó cũng có kẻ vì hối lộ mà hư hỏng, hoặc sa ngã vào cùng loại với bọn gian ác, là bởi vì lúc họ sống chưa từng được nhìn thấy tấm đá trinh bạch này thôi. Giả sử hồi đó họ kịp nhìn thấy thì ắt hẳn lòng thiện sẽ tràn đầy, ý ác được ngăn chặn, đâu dám làm chuyện càn bậy. Thế thì việc dựng tấm bia đá này, ích lợi biết chừng nào. Kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà cố gắng. Làm sáng tỏ những điều đã qua, mở rộng dạy bảo cho hậu thế. Một là để dài mãi tư chất danh tiết cho kẻ sĩ, hai là củng cố sự bền vững của quốc gia. Thánh thần làm như vậy đâu phải chuyện vô ích. Vậy ai nhìn thấy cũng nên hiểu rõ ý này.”

 

bia-tien-si-1644504524.jpg
Bia tiến sĩ năm 1442 do Thân Nhân Trung soạn lời

Thân Nhân Trung cũng là người soạn văn bia đề danh tiến sĩ khoa thi Đinh Mùi (1487). Đây cũng là cái duyên mà không nhà đại khoa bảng nào có được khi ông viết văn bia đề danh cháu ruột Thân Cảnh Vân đỗ Thám hoa. Bài văn bia này cũng đầy ý nghĩa sâu sắc. Ông răn dạy các tiến sĩ: “Họ nên lấy trung nghĩa mà rèn luyện, cho danh thực hợp nhau, thực hành điều sở học, làm nên sự nghiệp vĩ đại sáng ngời khiến cho mọi người đời sau kính trọng thanh danh, mến mộ khí tiết, may ra trên không phụ lòng nhân dưỡng dục của triều đình, dưới không phụ công học tập thường nhật thì việc khắc tên vào tấm bia này sẽ muôn thủa bất hủ vậy. Thảng hoặc chỉ tu sức văn vẻ bên ngoài, đức hạnh thiếu thốn bên trong, điều thấy không bằng điều nghe, việc làm trái với điều học, hạnh kiểm sa sút, danh giáo nhuốc nhơ, chỉ tổ bôi nhọ cho tấm bia này mà thôi… Than ôi! Nhỏ học lớn hành, có chí học giỏi để góp cho đời, ai cũng đều như thế. Những người đời này đời sau sinh ra ở cõi đời, đọc bài văn này, nhìn tấm bia này, chắc còn xúc động lắm…”.