Diễn đàn Mekong lần thứ X đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Võ Việt
Vừa qua, tại Hà Nội, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN (VASEAN) tổ chức Diễn đàn Mekong lần thứ X với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu COVID-19 khu vực Mekong”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS. TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ KH&ĐT, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội VASEAN cho biết: “Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) bao gồm các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc).

Đây là khu vực kinh tế năng động và có nhiều tiềm năng phát triển, tài nguyên khoáng sản phong phú. Bên cạnh đó, sông Mekong với chiều dài hơn 4.800km đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hơn 65 triệu người dân quanh lưu vực”.

PGS. TS Bùi Tất Thắng nhấn mạnh: “Khu vực GMS có thế mạnh đặc biệt về sản xuất nông nghiệp, là vựa lúa lớn nhất của thế giới. Năm 1992 với sáng kiến và sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 06 nước đã tham gia Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng. Sáng kiến đã thúc đẩy tăng cường kết nối và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các nước, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên.

Được sự ủng hộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VASEAN đã tổ chức Diễn đàn Mekong thành hoạt động thường niên. Tuy nhiên, trong 02 năm qua, do tác động của COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc tổ chức sự kiện này. Năm 2022, trong điều kiện đại dịch đã cơ bản đã khống chế, Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế của các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng được các quốc gia thành viên khởi động trở lại.

Diễn đàn Mekong lần thứ X với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu COVID-19 khu vực Mekong” sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đối thoại về chính sách, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội tham gia vào các dự án hợp tác phát triển kinh tế của các nước khu vực GMS. Đồng thời, sẽ góp phần tuyên truyền về tầm quan trọng của Chương trình hợp tác GMS, giới thiệu môi trường đầu tư, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, thương mại của các nước khu vực GMS.

Trên cơ sở mục tiêu của hợp tác GMS là xây dựng một Tiểu vùng sông Mekong phát triển thịnh vượng, hội nhập và bình đẳng, Diễn đàn sẽ tăng cường quan hệ giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Tạo điều kiện để lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị về chính sách lên Chính phủ, Đại sứ quán các nước thuộc khu vực Mekong, hướng tới xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

dien-dan-2-1664109588.jpg
Văn nghệ chào mừng Diễn đàn Mekong lần thứ X đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Phát biểu tại Diễn đàn, nhiều đại biểu đã khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong GMS. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến tháng 8/2022, Việt Nam đã đầu tư vào 04 nước Tiểu vùng Mekong gồm Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan 549 dự án (còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký 8,53 tỷ USD, chiếm tới 87% tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào các nước ASEAN.

Trong số đó, có 237 dự án đầu tư vào Lào với tổng vốn đăng ký gần 4 tỷ USD, 197 dự án vào Campuchia với tổng vốn đăng ký 3,2 tỷ USD, 109 dự án vào Myanmar với vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD, 16 dự án vào Thái Lan với vốn đăng ký 29 triệu USD.

Đầu tư của Việt Nam vào các nước Tiểu vùng Mekong tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực khai khoáng, nông lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính ngân hàng và bảo hiểm, bất động sản, bán buôn và bán lẻ...

Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 9/2022, 4 nước Tiểu vùng Mekong đã đầu tư vào Việt Nam 707 dự án với tổng đầu tư 13,23 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 668 dự án có tổng vốn đăng ký 13,1 tỷ USD.

Chia sẻ tại Diễn đàn với tham luận “Giải pháp thúc đẩy tăng cường đầu tư nước ngoài (FDI) giữa các nước Tiểu vùng Mekong trong thời gian tới”, TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) - cho rằng, đầu tư trực tiếp nội bộ giữa các nước Tiểu vùng Mekong còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Mặc dù dòng vốn FDI toàn cầu đã có xu hướng phục hồi từ năm 2021, song bên cạnh một số yếu tố thuận lợi, đầu tư trực tiếp nội bộ giữa các nước Tiểu vùng Mekong đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn.

dien-dan-3-1664109588.jpg
PGS. TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ KH&ĐT, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội VASEAN - phát biểu khai mạc tại Diễn đàn

TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ và doanh nghiệp các nước cần nhận thức đầy đủ hơn về vai trò FDI đối với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế Tiểu vùng, qua đó tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách hỗ trợ đầu tư lẫn nhau giữa các nước trong khu vực; thúc đẩy và đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN đầy đủ năm 2025.

Tiếp đó cần nâng cao “khả năng chống chọi” của nền kinh tế các nước trong khu vực trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động chất lượng cao hiện đang diễn ra tại một số nước. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nhất là môi trường pháp lý, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Chính phủ và doanh nghiệp cần tranh thủ sự hỗ trợ của các nước và tổ chức quốc tế trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết nối giao thông nội vùng, đảm bảo an ninh năng lượng gắn với chuyển đổi sang năng lượng sạch, hỗ trợ tăng cường năng lực cho tăng trưởng xanh, áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chống biến đổi khí hậu,…

Tăng cường trao đổi, cập nhật thông tin về chính sách thu hút đầu tư, tiềm năng và cơ hội đầu tư của các nước trong Tiểu vùng, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước tiếp cận thông tin và có sự hướng dẫn cần thiết về hợp tác đầu tư trong khu vực.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các diễn giả, doanh nhân; đại diện Uỷ ban sông Mekong, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương; đại diện Đại sứ quán các nước thuộc khu vực Mekong, các Hiệp hội và các doanh nghiệp,… đã cùng nhau thảo luận về triển vọng hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong hậu COVID-19. Các khuyến nghị chính sách và chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài.

Các đại biểu, doanh nhân - doanh nghiệp đã có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, bàn thảo về nội dung các chính sách mới, môi trường đầu tư; trao đổi văn hóa, phát triển du lịch; chia sẻ kinh nghiệm thành công trong phát triển lĩnh vực kinh tế trong nỗ lực đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu COVID-19 khu vực Mekong.