Ngày 14/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho hay, sau khi rà soát các điều kiện thực tế, Sở xác định 10 trung tâm ngoại ngữ không thực hiện Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo và Chương trình tăng cường tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2023-2024.
Theo danh sách này, tại TP. Vinh có 4 đơn vị gồm: trung tâm Anh ngữ Olwen, đóng tại xóm 2, xã Nghi Ân. Lý do bị dừng là bởi đến thời điểm hiện tại trung tâm này hết hạn lao động đối với giáo viên người nước ngoài.
Ngoài ra còn có Anh ngữ Hoàng Quân IQ, có trụ sở ở đường Nguyễn Thái Học; 2G Education, địa chỉ ở số 65, đường Lê Hồng Phong; trung tâm STD LINKS, đóng tại số 18, đường Lê Văn Miến, phường Hà Huy Tập.
"Đơn vị đủ điều kiện, nhưng chưa triển khai thực hiện Chương trình tăng cường tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục trong năm học 2023-2024", ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nói lý do 3 trung tâm nói trên bị dừng.
"Góp mặt" trong danh sách còn có, trung tâm Anh ngữ Kids Today Quỳnh Lưu, đóng tại xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu); Guide Star, có địa chỉ xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu). Lý do hai đơn vị này không thực hiện Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo và Chương trình tăng cường tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An là bởi đến thời điểm hiện tại, hết hạn lao động đối với giáo viên người nước ngoài.
Tại huyện Đô Lương có trung tâm Anh ngữ Top Edu, địa chỉ tại xã Tân Sơn bị "điểm mặt" lần này. Ở huyện Nam Đàn có trung tâm Anh ngữ Seamap, đóng tại xã Kim Liên. Lý dó đối với 2 đơn vị này là đủ điều kiện, nhưng chưa triển khai thực hiện Chương trình tăng cường tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục trong năm học 2023-2024.
Tại thị xã Hoàng Mai cũng có 2 trung tâm Anh ngữ gồm: Blue Sky, đóng ở Thịnh Mỹ, phường Quỳnh Thiện và trung tâm Anh ngữ The Future, địa chỉ khối Yên Ninh, phường Quỳnh Dị nằm trong danh sách 10 trung tâm bị Sở ra thông báo lần này. Lý do, đến thời điểm hiện tại trung tâm này hết hạn lao động đối với giáo viên người nước ngoài.
Trung tuần cuối tháng 9 vừa qua, Tạp chí Nhân lực Nhân tài Việt đã có bài phản ánh về việc dạy và học tiếng Anh tăng cường trong các nhà trường khi có quá nhiều trung tâm Anh ngữ dạy tăng cường được cấp phép, hiện tượng trong một trường học lại có nhiều trung tâm khác nhau cùng dạy, xuất hiện nhiều đơn vị "vua thầu" tiếng Anh tăng cường; việc tổ chức lớp học, bố trí giáo viên chưa hợp lý; chưa bố trí trung tâm khảo thí độc lập để đánh giá chuẩn đầu ra cho các lớp tiếng Anh tăng cường... là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh Nghệ An khi năm học mới bắt đầu.
Ba ngày trước, tại họp báo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023, đại diện Nhân lực Nhân tài Việt đặt một số câu hỏi liên quan tới thực trạng tiếng Anh tăng cường trong trường. Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Nguyễn Văn Khoa hôm đó cho hay, toàn tỉnh có 34 trung tâm tiếng Anh tăng cường. Sở có trách nhiệm tổ chức thẩm định hai nội dung: Thứ nhất là Chương trình đó phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép và chương trình đó sẽ được Bộ hoặc Sở thẩm định; Thứ hai về đội ngũ giáo viên quy định...
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục, ngoài 10 trung tâm nói trên bị dừng không cho thực hiện việc liên kết dạy tăng cường vào các trường học, thời gian tới đơn vị tiếp tục rà soát, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định. Đồng thời Sở cũng "lắng nghe" nếu có báo chí phát hiện trung tâm nào có sai phạm thì họ sẽ vào cuộc ngay...
Toàn tỉnh Nghệ An năm nay có hơn 850.000 học sinh các cấp với hàng chục nghìn giáo viên. Ngày 16/9 vừa qua, Sở Giáo dục tỉnh này đã tạm dừng việc các trung tâm liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập để rà soát. Mục đích nhằm nâng cao chất lượng dạy kỹ năng sống...