Đề xuất tăng lương tối thiểu từ 1/7/2024, giảm giờ làm cho người lao động

Chiều ngày 31/10, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ sớm tăng lương tối thiểu cũng như giảm giờ làm cho người lao động.
tien-luong-1698746355.jpeg
Đề xuất tăng lương tối thiểu từ 1/7/2024, giảm giờ làm cho người lao động (Ảnh: Internet)

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đánh giá cao kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm. Song đại biểu này nhìn nhận, vẫn còn 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động. 

Ông Nghĩa lo ngại tốc độ tăng năng suất lao động bình quân có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn trước.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, theo Sắc lệnh số 29 ngày 12/3/1947 quy định thời gian làm việc của công nhân không quá 48 giờ/tuần. Sắc lệnh cũng quy định, thời gian làm thêm không quá 100 giờ/năm.

Sau gần 80 năm độc lập, qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới nhưng thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm trong khi thời giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần.

Theo đại biểu, người lao động cần được quan tâm, được chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước.

Về giải pháp trong thời gian tới, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho hay, tại kỳ họp này, Chính phủ đã báo cáo việc thực hiện các kế hoạch, chương trình 5 năm gửi đến Quốc hội, trong đó, đề xuất 52 nhóm giải pháp và nhiệm vụ.

Theo ông Phạm Trọng Nghĩa, cần quan tâm đến ba nhóm giải pháp.

Thứ nhất, tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa: Tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp; đại biểu nhất trí kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024. 

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đề nghị trong Kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu tổng soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đến đổi mới, sáng tạo để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Thứ ba, tăng cường liên kết vùng: Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội đã thông qua 2/3 quy hoạch quan trọng cấp quốc gia, nhằm định hướng không gian phát triển của đất nước. 

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/ 1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999). 

Đồng thời, ông Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng, đàm phán sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động, bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024, cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương với khu vực công. 

Phương Thảo - TH