Đề xuất nâng mức phụ cấp, bồi dưỡng đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp từ 15% lên 25% và từ 20% lên 30% đối với viên chức, người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
bieudien-16947692731211281638640-1694933379.jpg
 

Bộ VHTTDL đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Tăng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp 

Theo đề xuất của Bộ VHTTDL, mục tiêu của chính sách về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhằm điều chỉnh mức phụ cấp từ 15% lên 25% và từ 20% lên 30% đối với viên chức, người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Cụ thể hóa đối với người làm việc được bổ nhiệm vào ngạch diễn viên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đang thực hiện nghề, công việc được xác định hưởng các mức phụ cấp như sau: 

- Dự kiến mức phụ cấp 30% áp dụng đối với người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng; diễn viên tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối nước, nhạc kịch Opera, vũ kịch (Ballet), kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể, kịch câm; người biểu diễn nhạc cụ hơi; kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng sân khấu tăng thêm 10% so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg). 

- Dự kiến mức phụ cấp 25% áp dụng đối với người chỉ huy dàn hợp xướng, dàn nhạc sân khấu truyền thống; diễn viên hát dân ca, hát mới, múa rối cạn, múa đương đại, múa dân gian dân tộc, múa hát cung đình, múa tạp kỹ; người biểu diễn nhạc cụ dây, nhạc cụ gõ, nhạc cụ bàn phím tăng thêm 10% so với quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg).

Chính sách về chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn

Mục tiêu của chính sách về chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn là điều chỉnh mức bồi dưỡng được tính theo tỉ lệ phần trăm (%) so với mức lương cơ sở. Việc quy định các mức bồi dưỡng theo hướng giữ nguyên giá trị mức bồi dưỡng được quy đổi theo tỉ lệ phần trăm (%) dựa trên mức lương cơ sở tại thời điểm ban hành Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg áp dụng từ năm 2023 trở đi để phù hợp với thực tế, mang tính bền vững và diễn biến khi mức lương cơ sở tăng, góp phần khuyến khích sức sáng tạo của người nghệ sỹ biểu diễn.

Chế độ bồi dưỡng luyện tập tính theo số buổi thực tế theo các mức sau:

 a) Dự kiến hưởng 7% mức lương cơ sở/buổi tập áp dụng đối với diễn viên đóng vai chính trong vở diễn sân khấu, nhạc kịch, vũ kịch, xiếc, rối; diễn viên hát chính, diễn viên múa chính, nhạc công độc tấu solist với dàn nhạc, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, chỉ huy hợp xướng, chỉ huy dàn nhạc sân khấu truyền thống tương đương 126.000 đ/buổi; 

b) Dự kiến hưởng 5% mức lương cơ sở/buổi tập áp dụng đối với diễn viên đóng vai chính thứ trong vở diễn sân khấu, nhạc kịch, vũ kịch, xiếc, rối; diễn viên hát chính thứ, diễn viên múa chính thứ, nhạc công chịu trách nhiệm lĩnh tấu trong dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc sân khấu truyền thống, diễn viên chịu trách nhiệm lĩnh xướng trong dàn hợp xướng; kỹ thuật viên chính âm thanh, kỹ thuật viên chính ánh sáng sân khấu tương đương 90.000 đ/buổi; 

c) Dự kiến hưởng 4% mức lương cơ sở/buổi tập áp dụng đối với diễn viên đóng vai phụ trong vở diễn sân khấu, nhạc kịch, vũ kịch, xiếc, múa rối, diễn viên múa, hợp xướng viên, nhạc công dàn nhạc giao hưởng, nhạc công dàn nhạc sân khấu truyền thống; kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng sân khấu tương đương 72.000đ/buổi; 

d) Dự kiến hưởng 3% mức lương cơ sở/buổi tập áp dụng đối với nhân viên hậu đài, nhân viên hóa trang, nhân viên phục trang, nhân viên đạo cụ, nhân viên kỹ thuật âm thanh, ánh sáng tương đương 54.000đ/buổi.

Chế độ bồi dưỡng biểu diễn tính theo số buổi biểu diễn và phục vụ biểu diễn thực tế đề xuất các mức sau:

a) Dự kiến hưởng 17% mức lương cơ sở/buổi áp dụng đối với diễn viên chính, nhạc công chính, Chỉ đạo nghệ thuật chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, vở diễn sân khấu (tương đương 306.000đ/buổi); 

b) Dự kiến hưởng 14% mức lương cơ sở/buổi áp dụng đối với diễn viên chính thứ, nhạc công chính thứ, kỹ thuật viên chính âm thanh, kỹ thuật viên chính ánh sáng sân khấu (tương đương 252.000đ/buổi); 

c) Dự kiến hưởng 10% mức lương cơ sở/buổi áp dụng đối với diễn viên phụ, nhạc công, kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng sân khấu kể cả trưởng, phó đoàn, cấp dưỡng (tương đương 180.000đ/buổi); 

d) Dự kiến hưởng 7% mức lương cơ sở/buổi áp dụng đối với nhân viên hậu đài, nhân viên hóa trang, nhân viên phục trang, nhân viên đạo cụ, nhân viên kỹ thuật âm thanh, nhân viên kỹ thuật ánh sáng sân khấu (tương đương 126.000đ/buổi).

Trường hợp người tham gia biểu diễn nghệ thuật thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm thì chỉ hưởng mức bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn cao nhất.