Đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động sau dịch COVID-19

Với những giải pháp linh hoạt trong công tác tư vấn, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã giới thiệu, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, nguồn cung hiện chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là đối với lao động có trình độ chuyên môn cao. Do đó, địa phương đang đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.
day-manh-giai-phap-ho-tro-giai-quyet-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-sau-dich-covid-19-1663303102.jpg
Người lao động tham gia lao động sản xuất. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Ninh Bình có hơn 3.400 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng trên 170.000 lao động; trong đó có 5 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với gần 80.000 lao động. Toàn tỉnh có 136 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng gần 27.000 lao động ở nhiều vị trí, việc làm. Tuy nhiên, thị trường lao động mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu là do địa phương thiếu nguồn lao động tại chỗ, có chuyên môn, kỹ thuật cao. Vì vậy, các doanh nghiệp khó tuyển đủ số lao động cần thiết.

Đối với lực lượng lao động đang thất nghiệp và hưởng bảo hiểm thất nghiệp, vị trí việc làm lại không phù hợp với chuyên môn nên đa số người lao động chưa tìm được việc. Mặt khác, lực lượng lớn gồm phụ nữ, thanh niên trong độ tuổi lao động gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm do chưa có điều kiện tiếp cận với thị trường lao động, chưa được kết nối để giới thiệu việc làm phù hợp với khả năng, năng lực.

Anh Mai Thanh Đồng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Handloyal Outwear (huyện Yên Khánh) cho biết, Công ty hiện có khoảng 100 công nhân và đang thiếu khoảng 500 người. Mặc dù đã có kế hoạch tuyển lao động từ sớm và thường xuyên nhưng đến nay, lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của Công ty, đặc biệt lực lượng có tay nghề cao. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Handloyal Outwear là một trong số rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp trên trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, công nhân ở nhiều lĩnh vực do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trước thực trạng trên, để thu hút và sở hữu được nguồn lao động tại chỗ, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tích cực triển khai các chiến dịch tuyên truyền, tuyển dụng đến tận các đơn vị, xã, phường; đồng thời, chủ động tăng lương và các khoản phụ cấp cho công nhân. Đầu năm 2022 đã có 47 doanh nghiệp điều chỉnh lương và các khoản phụ cấp với tổng số tiền gần 14 tỷ cho gần 47.000 đoàn viên, người lao động.

day-manh-giai-phap-ho-tro-giai-quyet-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-sau-dich-covid-1901-1663303102.jpg
Người lao động tham gia lao động sản xuất. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu, thông tin về thị trường lao động trong nước và nước ngoài giúp người lao động tìm kiếm việc làm theo nhu cầu. Trung tâm đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm hàng tháng, chuyên đề và online nhằm kết nối doanh nghiệp và người lao động. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tư vấn cho trên 17.000 lượt người; trong đó hơn 1.500 lao động được giới thiệu và có việc làm ổn định. Chị Đồng Thị Thu, xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh chia sẻ, chị sinh sống ở vùng nông thôn nên ít được tiếp xúc với những cơ hội việc làm ở các công ty, doanh nghiệp. Nhờ tham gia phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức tại địa phương, chị đã tìm được công việc ổn định, phù hợp với nhu cầu và năng lực, giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình cho biết, Trung tâm đang tiếp nhận các thông tin tuyển dụng từ phía doanh nghiệp, từ đó sẽ phân tích, tổng hợp để có xu hướng tổ chức những hoạt động giao dịch việc làm. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tổ chức những phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng và các phiên giao dịch việc làm theo chuyên đề phù hợp với từng thị trường lao động để hỗ trợ tối đa cho nhóm doanh nghiệp, lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng nặng trong thời gian dịch COVID-19. Đồng thời, mở rộng các phiên giao dịch việc làm lưu động và ngày hội việc làm tại các địa phương, tạo mọi điều kiện để người lao động tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại để sớm trở lại thị trường lao động.

Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp và ngành Lao động, ngay từ đầu năm 2022, Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình đã ký chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để kết nối, giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ và những người trong độ  tuổi lao động. Nhờ đó, hơn 1.000 lao động đã được tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp. Ông Trần Kim Long, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, Liên đoàn đẩy mạnh phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để kết nối thị trường, kết nối cung cầu lao động; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trong giai đoạn thích ứng an toàn với dịch COVID-19 và hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong tuyển dụng, khắc phục tình trạng thiếu lao động nhằm đảm bảo việc sản xuất, nhất là dịp cuối năm.