Năm 2022: Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể đạt 105 nghìn người
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Hiện nay, có hơn 600 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đang làm việc.
Địa bàn làm việc của người lao động tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với thu nhập ổn định. Lao động gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 tỷ đôla Mỹ/năm. Số lượng lao động đưa đi tăng dần các năm, trung bình tăng 10%/năm.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong hai năm 2020-2021, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Số đưa đi làm việc năm 2020 là 78.641 người, năm 2021 là 45.058 người.
Năm 2022, hoạt động này có dấu hiệu phục hồi. Qua 8 tháng đầu năm 2022 số lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt 81 nghìn lao động, bằng 90% kế hoạch năm 2022.
Dự kiến tới hết năm nay, số lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể đạt 105 nghìn, vượt mục tiêu 90 nghìn người đề ra trong năm.
Chia sẻ tại hội nghị ‘’Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp’’ diễn ra mới đây, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan khẳng định, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng.
Theo ông Nguyễn Bá Hoan, thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt. Thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… tăng đáng kể. Nhiều thị trường mới được mở ra như Australia, New Zealand, CHLB Đức, CH Séc, Slovakia, Romania..
Tuy nhiên, trong hơn hai năm qua, lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình thế giới và bối cảnh thị trường lao động trong nước, nhất là do đại dịch Covid-19.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết các quốc gia đều tập trung phòng, chống dịch, thực hiện các biện pháp mạnh như đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội… tập trung mọi nguồn lực cho nghiên cứu, sản xuất và tiêm phòng Covid-19. Việc này dẫn tới đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tiêu cực tới nền kinh tế, làm giảm nhu cầu sử dụng lao động của nhiều quốc gia.
Nhiều chính sách bảo đảm quyền của lao động đi làm việc ở nước ngoài
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cũng nhấn mạnh, việc bảo đảm ổn định việc làm, tiền công, phúc lợi xã hội, bảo đảm về quyền lợi cho sức khỏe, môi trường làm việc cho người lao động,…đặc biệt trong bối cảnh quốc tế và trong nước liên tục biến động cần được quan tâm đặc biệt. Công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp giám sát của người dân. Từ đó, để bảo đảm hoạt động này đạt hiệu quả, đi vào thực chất, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.
(Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan)
Từ ngày 1/1/2022, Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi tắt là Luật) chính thức có hiệu lực và đi vào cuộc sống. Văn bản này có những sửa đổi quan trọng, tạo cơ hội bảo vệ tốt hơn lao động nước ta đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, các nội dung về bảo đảm quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thể hiện khá cụ thể. Trong Luật có một số nội dung nổi bật đáng chú ý.
Trước hết, quyền chủ động và tự nguyện của người lao động đi làm việc ở nước ngoài giúp họ được ra nước ngoài làm việc hợp pháp, tự do lựa chọn hình thức đi làm việc ở nước ngoài phù hợp và không bị ép buộc phải làm việc trái ý muốn của họ.
Luật cũng khuyến khích người lao động đi làm việc ở ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đi làm việc an toàn, việc làm có thu nhập cao, làm việc ở những ngành, nghề, công việc cụ thể ở nước ngoài. Qua đó, giúp người lao động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề. Sau khi về nước, họ có thể phát huy và sử dụng có hiệu quả các kiến thức, kỹ năng, trình độ phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Với mục tiêu lấy người lao động làm trung tâm, nội dung các điều, khoản của Luật đã thể hiện quy định Nhà nước có các chính sách đối với người lao động; quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cũng trong năm nay, Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước chính thức có hiệu lực từ tháng 2/2022.
Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường, phòng ngừa. Đồng thời, Quỹ giúp giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng đóng góp 150 nghìn đồng cho mỗi lao động trên một hợp đồng vào Quỹ.
Lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp vào Quỹ 100 nghìn đồng mỗi người trên một hợp đồng.
Trong trường hợp phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác, người lao động được hỗ trợ từ 7 triệu đồng đến 20 triệu đồng/trường hợp.
Quỹ hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/trường hợp. Cùng với đó, Quỹ hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật và thông tin thị trường lao động ngoài nước với các nội dung cụ thể.