Data Center & Cloud Infrastructure Summit 2023 cam kết quy tụ hơn 20 doanh nghiệp quốc tế và trong nước, các chuyên gia hàng đầu về trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây cùng hơn 35 gian hàng công nghệ, mở ra cơ hội kết nối kinh doanh với hơn 1000 khách mời đến từ các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế.
Phát biểu mở màn sự kiện Data Center & Cloud Infrastructure Summit 2023 ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC cho biết, với hơn 5 tỷ người trên toàn thế giới, mỗi phút trôi qua có hàng TB dữ liệu được tạo ra để kết nối, chia sẻ thông các nền tảng như TikTok, Instagram… Như với quy mô của Viettel IDC, hiện đang có khoảng 7 TTDL (data center) trên toàn quốc, dù được coi là lớn tại Việt Nam nhưng công ty cũng chỉ đủ tài nguyên để chứa thông tin dữ liệu trên toàn cầu trong vòng 1 năm. Với Việt Nam, các nội dung tạo ra ở trong nước chỉ chiếm khoảng 20%, còn 80% vẫn thuộc về các đơn vị cung cấp nước ngoài như Netflix, Google, Facebook… Do đó, thách thức là làm thế nào để các DN nước ngoài đặt máy chủ ở Việt Nam để giảm bớt áp lực kết nối quốc tế.
Cũng theo ông Ngọc, mặc dù số lượng TTDL ở Việt Nam còn đang rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực nhưng lại đa phần nằm phân tán ở các tổ chức, đơn vị cũng như ở cơ quan nhà nước (CQNN)… Điều này tạo ra thách thức rất lớn về vấn đề ATTT vì mỗi đơn vị phải tự bảo vệ cơ sở dữ liệu của mình, nhất là với sự bùng nổ của CĐS, dữ liệu số.
Cũng tại sự kiện, ông Trần Nguyên Chung, Trưởng phòng An toàn Hệ thống thông tin, Cục ATTT (Bộ TT&TT) cho biết: Phát triển hạ tầng số, trọng tâm là phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng và hạ tầng điện toán đám mây (ĐTĐM) cơ quan quản lý đặt ra trong nhiều chiến lược, chương trình, cũng như văn bản chỉ đạo, các nhà cung cấp ĐTĐM trong nước cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu hạ tầng, lưu trữ, sao lưu dự phòng (backup) cho DN Việt Nam. Với lợi thế về hạ tầng TTDL, mạng lưới kết nối, hệ thống đường trục… và văn hoá địa phương, sự tiếp cận sâu sát, xây dựng tốt mối quan hệ với khách hàng, các nhà cung cấp trong nước đã linh hoạt trong việc xây dựng các giải pháp chuyên biệt cho từng nhóm khách hàng, từ đó từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh về giá so với các nhà cung cấp nước ngoài ở các mảng sản phẩm liên quan đến hạ tầng. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các DN cung cấp dịch vụ ĐTĐM Việt Nam cũng gặp bất lợi khi cạnh tranh về thương hiệu và hệ sinh thái sản phẩm… “Do vậy, các DN Việt Nam cần xác định mục tiêu để cải thiện các yếu điểm này, đặc biệt là về hệ sinh thái sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu sự đa dạng và thị hiếu thị trường trong nước”, ông Chung cho biết thêm.
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là năm dữ liệu, là tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, bảo vệ dữ liệu cá nhân, là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ, bảo mật dữ liệu…
Các chuyên gia cho rằng, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thay vì tự đầu tư, vận hành các trung tâm dữ liệu nhỏ thì hãy chuyển sang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây với chi phí hợp lý, tối ưu, đảm bảo an toàn an ninh mạng. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi có nhu cầu cũng nên nghiên cứu, lựa chọn các đơn vị cung cấp các dịch vụ Cloud Việt Nam cung cấp, để đáp ứng yêu cầu, bảo vệ an toàn dữ liệu và chủ quyền số , thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp số Việt Nam.