Tài năng được định nghĩa là khả năng đặc biệt của một cá nhân, là năng lực thực hiện vượt trội xuất sắc một công việc, một lĩnh vực cụ thể của cá nhân nào đó. Tài năng có ba cấp độ: Năng khiếu, tài năng và thiên tài. Năng khiếu là những dấu hiệu tiềm ẩn bên trong, có tính bẩm sinh, năng khiếu có thể tạo ra thiên tài, có thể được phát triển nhưng cũng có thể bị lụi tàn. Vì vậy, để có một tài năng cần có cả một quá trình từ chỗ phát hiện năng khiếu đến nuôi dưỡng, đào tạo để phát triển thành tài năng.
Trong sự đa dạng của các loại hình nghệ thuật múa: Múa Cổ điển Châu Âu, múa Đương đại, múa Dân gian dân tộc, múa Tính cách nước ngoài, múa Sân khấu Truyền thống… thì múa Cổ điển Châu Âu (Ballet) – một bộ môn múa đỉnh cao của nghệ thuật hàn lâm đồng thời là một trong những môn học chiếm vị trí quan trọng trong công tác đào tạo tài năng của Trường Cao đẳng Múa Việt Nam nay là Học viện Múa Việt Nam.
Căn cứ Quyết định số 2882/QĐ-BVHTTDL ngày 17/08/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lựa chọn, giao nhiệm vụ đào tạo tài năng cho các cơ sở đào tạo Văn hóa nghệ thuật theo Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến 2030”, Học viện Múa Việt Nam đã và đang triển khai nhiệm vụ đào tạo tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật múa nhằm tạo ra một đội ngũ nhân lực có trình độ cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Chúng ta biết rằng, đào tạo tài năng biểu diễn múa là một việc không hề đơn giản, nhất là đào tạo tài năng đỉnh cao về múa Cổ điển Châu Âu, công việc này không chỉ cần có kiến thức, kỹ năng mà còn là một quá trình khổ luyện kéo dài từ 6 đến 8 năm của cả người dạy và người học. Nữ NSND Ulanốpva, anh hùng lao động (Liên Xô cũ) đã nói: “Tài năng nghệ thuật múa là năng khiếu và sự khổ luyện”. Trải qua nhiều năm giảng dạy với nhiều lớp tốt nghiệp hệ kịch múa, cá nhân tôi có đôi điều suy nghĩ về những yếu tố ảnh hưởng đến công tác đào tạo tài năng biểu diễn múa Cổ điển Châu Âu trong giai đoạn hiện nay như sau:
Sự hạn chế chất lượng đầu vào
Tuyển sinh đầu vào là một khâu vô cùng quan trọng trong việc đào tạo tài năng múa vì nghệ thuật phải được bắt đầu từnăng khiếu rồi mới đến được tài năng, phải “có bột mới gột nên hồ”. Hiện nay công tác tuyển sinh của các trường văn hóa nghệ thuật nói chung cũng như Học viện Múa Việt Nam nói riêng khá khó khăn, điểm chuẩn phải hạ xuống để lấy cho đủ chỉ tiêu, ngay trong lớp tuyển chọn tài năng khoảng 8 đến 12 em thì chỉ có khoảng ½ số lượng học sinh đạt điều kiện và năng khiếu để đào tạo. Ở Học viện Múa Việt Nam trung bình hằng năm chỉ tiêu tuyển sinh lấy khoảng 100 đến 120 em/150 đến 160 thí sinh dự tuyển, nếu so sánh với Học viện Múa Bắc Kinh - Trung Quốc tuyển chọn 100 em/1000 thí sinh dự tuyển, đây là một con sốđáng để chúng ta suy nghĩ tìm giải pháp cho nguồn tuyển. Chất lượng đầu vào phụ thuộc vào số lượng thí sinh dự tuyển và đương nhiên ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đầu ra. Trong khi đó, về mặt xã hội, đầu ra chưa đảm bảo được việc làm lâu dài và ổn định cho một ngành nghề có tuổi nghề ngắn, đầu tư cho thời gian học tập dài, vất vả và tốn kém nên ít phụ huynh muốn cho con đi học múa.
Trong khi đó có những gia đình muốn cho con đi học múa thì lại không biết về thông tin tuyển sinh hay các khóa đào tạo của Học viện múa. Ở thời đại 4.0 hiện nay việc quảng cáo không chỉ dừng lại ở các kênh thông tin truyền thống như tivi, báo giấy, dán áp phích… mà nên đẩy mạnh việc quảng cáo trên các mạng xã hội, có thể nói đây là kênh quảng bá rất hiệu quả hiện nay, nơi mà con người có xu hướng dành nhiều thời gian trong ngày để giải trí cũng như tìm kiếm thông tin. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tìm kiếm thí sinh tại các trung tâm đào tạo múa trong thành phố cũng như các tỉnh lân cận Hà Nội, đây là nguồn thí sinh tiềm năng hơn đối tượng học sinh phổ thông vì các em vừa học văn hóa vừa học múa như một môn học ngoại khóa nên ít nhiều đã bộc lộ được khả năng và năng khiếu múa. Chính vì thế cần làm tốt công tác truyền thông và quảng cáo để thu hút nhiều thí sinh đến dự tuyển hằng năm.
Trình độ và phương pháp của giáo viên
Đào tạo tài năng là đào tạo tinh hoa, tinh hoa phải được bắt đầu từ người dạy. Cơ sở đào tạo nên cân nhắc kỹ việc lựa chọn giáo viên để dạy lớp tài năng. Với những yêu cầu khắt khe về chất lượng, giáo viên dạy lớp tài năng phải là những người thầy hội tụ đủ kiến thức, năng lực, có trình độ chuyên môn cao, phương pháp sư phạm tốt, có nhiều năm kinh nghiệm và đã đạt được những thành tựu giảng dạy nhất định để đào tạo những học sinh có năng khiếu trở thành tài năng. Trong quá trình đào tạo tài năng, người thầy cần không ngừng nỗ lực trau dồi, cập nhật kiến thức thông qua việc học tập qua mạng Intenet, trao đổi, tập huấn trong nước và nước ngoài để việc giảng dạy không chỉ dừng lại ở truyền nghề mà còn là công việc khoa học trong việc khám phá, phát huy khả năng, năng lực, sở trường, kích thích tư duy sáng tạo của học trò.
Bên cạnh đó rất cần sự quan tâm của Ban Giám đốc cũng như công tác đối nội, đối ngoại của Học viện Múa để có những chính sách bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên được học hỏi, thực tập ở trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và đổi mới phương pháp.
Ngày nay, trên thế giới những thành tựu nghiên cứu công nghệ sinh học và khoa học giải phẫu sinh lý người đã đem lại những kiến thức vô cùng bổ ích cho công tác đào tạo tài năng trên mọi lĩnh vực nói chung và đào tạo tài năng biểu diễn múa nói riêng. Nó sẽ giúp người giáo viên huy động được chức năng nhận thức, khả năng điều chỉnh cảm giác, cảm xúc, phản xạ… từ não bộ của người học trong quá trình tiếp nhận kiến thức một cách tốt nhất, đồng thời dễ dàng phát hiện khả năng vượt trội ở mỗi cá thể. Để đi đến thành công người thầy không chỉ cần có tài mà cần có đức, có tâm để truyền đam mê đến học trò. Bởi vì con đường đi đến thành công, đi đến đỉnh cao cần phải có đam mê mà nguồn gốc của đam mê bắt đầu từ chính người chở đò truyền cảm hứng. Người thầy không chỉ dạy trò học múa, học nghề mà còn phải dạy đạo đức làm người cũng như nhân cách của người nghệ sĩ.
Thời lượng và cường độ tập luyện
Hoạt động đào tạo sẽ kích thích sự phát triển của vỏ bọc sợi thần kinh myelin, giúp phát triển kỹ năng. Với đào tạo nghệ thuật múa quá trình khổ luyện là điều thiết yếu về mặt thần kinh học và mặt sinh học để hình thành phương tiện chuyển tải ngôn ngữ múa, kỹ năng kiệt xuất hay còn gọi là tài năng. Một tài năng là phải có tố chất, có nền tảng nhưng sự quyết định tài năng đều đến từ một công thức chung: Đó là sự nỗ lực và rèn luyện bền bỉ. Sự bền bỉ mới chính là chìa khoá của thành công. Sự bền bỉ bao gồm lòng đam mê và sự kiên trì để đạt tới một mục tiêu dài hạn. Không phải một ngày, một tuần, một tháng hay một năm mà trong nhiều năm liền không ngừng nỗ lực và cố gắng luyện tập.
Với bộ môn múa Cổ điển Châu Âu, nếu thời lượng và cường độ tập 1,5 tiếng/ngày như hiện nay thì chỉ dừng lại ở mức độ rèn luyện cơ bản, chưa thể chuyên sâu và hướng tới đào tạo đỉnh cao. Việc ứng dụng các dạng bài tập theo phương pháp giảng dạy hiện đại cần thiết phải có thêm giờ để luyện tập các phần bổ trợ như: tập độ mở, độ dẻo, sự nhạy cảm phần ngón chân với miếng vải, với dây chun, tập trọng tâm, sự cân bằng trên quả bóng tròn, luyện kỹ thuật cá nhân, kỹ thuật múa trên giày mũi cứng cho nữ, các biến tấu và các trích đoạn ballet… Việc đào tạo không chỉ cần tăng thêm về thời gian, cường độ, giảm thiểu các môn kiến thức cơ bản cũng như chuyên môn khác (dân gian, đương đại, tính cách…) mà còn cần đảm bảo tính liên tục của quá trình, không nên bị gián đoạn bởi việc đi biểu diễn các chương trình lễ hội hay các công tác sinh hoạt khác.
Môi trường hoạt động và biểu diễn
Môn nghệ thuật nào cũng cần môi trường để hoạt động và biểu diễn. Với múa Cổ điển Châu Âu – bộ môn nghệ thuật đỉnh cao là một môn học khó nhưng nó lại là một trong những môn mà ai cũng muốn được thưởng thức trong các kỳ thi tốt nghiệp quốc gia cũng như các buổi biểu diễn của Học viện. Hằng năm Học viện Múa Việt Nam thường xuyên tổ chức các cuộc thi tài năng biểu diễn múa, đến nay đã được 5 năm nhằm tìm kiếm và phát triển những tài năng học sinh sinh viên. Để tìm kiếm được tài năng múa Cổ điển Châu Âu cần có những quy chế và chính sách phù hợp. Trong các cuộc thi conquer ballet ở nước ngoài chỉ có thi biến tấu trích trong các vở ballet nổi tiếng. Nếu chúng ta mong muốn đào tạo tài năng để đi thi quốc tế thì phải có sự chuẩn bị từ các cuộc thi cấp trường từ bây giờ.
Hiện nay các thí sinh dự thi tài năng ở Học viện chỉ phân ra hai bảng A và B phù hợp lứa tuổi với lớp bé và lớp lớn, các em có thể thi biến tấu ballet hoặc tác phẩm múa đương đại hay dân gian cùng chung trong một bảng. Như vậy sẽ khó có thể đánh giá và chấm điểm đúng theo khả năng của thí sinh được mà cần phải phân theo môn học chính được đào tạo là: Tài năng múa Cổ điển Châu Âu phân ra hai bảng phù hợp trình độ lớp bé và lớp bé, tài năng múa Đương đại và tài năng múa dân gian dân tộc cũng như vậy. Các em học sinh ở các lớp đào tạo tài năng, lớp chọn, lớp A chuyên học mũi cứng là bắt buộc phải thi biến tấu ballet. Điều đó sẽ kích thích sự phấn đấu của học sinh, tăng số lượng thí sinh thi biến tấu ballet, nâng cao chất lượng cho mỗi một mùa thi. Qua đó chúng ta sẽ tiếp tục đào tạo một, hai em đạt giải cao để tiếp tục tham gia các cuộc thi trong nước, thi giữa các cơ sở đào tạo và tiến tới đi thi khu vực và quốc tế.
Cơ sở vật chất cùng điều kiện dạy và học
Bên cạnh vai trò của người giáo viên thì cơ sở vật chất là một trong những điều kiện không thể thiếu trong việc đào tạo nghệ thuật múa: sàn tập cần có diện tích rộng, có gương soi, đàn piano, giọng tốt. Sàn gỗ hay sàn thảm phải đạt chuẩn, không được quá trơn hay quá dít. Đàn piano tốt, không bị ẩm dẫn đến việc phím đàn hay bị sịt. Gióng có thể điều chỉnh độ cao thấp theo chiều cao của học sinh, tránh trường hợp học sinh bé phải với tay lên gióng làm so vai, học sinh lớn thì phải ghì xuống làm vẹo thân trên. Các em hiện nay được cấp quần áo, giày tập tuy nhiên chưa phải loại tốt. Ở nước ngoài giày mũi cứng được đóng theo size và form chân của người sử dụng. Tuy nhiên ở nước ta Nhà nước chỉ bao cấp giày Trung Quốc, mũi giày to và cứng, đi nhanh bị mềm và không có các loại form giày khác nhau. Với những học sinh gia đình có điều kiện kinh tế, các em thường đặt mua giày từ Nhật, Nga, Pháp, Mỹ.
Hiện nay chưa có những chính sách cụ thể về chế độ cho người dạy và học ở lớp tài năng. Để đào tạo tài năng rất cần có sự đầu tư về ngân sách như phụ cấp cho giáo viên và học sinh. Đầu tư cho giáo viên trang thiết bị giảng dạy, băng đĩa nhạc, đĩa hình về múa Cổ điển Châu Âu. Đầu tư cho học sinh thêm giày tập, quần áo tập, các dụng cụ hỗ trợ luyện tập như: dây chun tập, bóng tròn tập thăng bằng, khuôn tập mu chân…
Đ.Coi-li, một học giả người Mỹ, tác giả của cuốn sách “Giải mã tài năng” từng viết: “Sự vĩ đại không tự nhiên sinh ra mà cần được ươm trồng”. Tài năng biểu diễn múa là hạt mầm cần thiết, hạt mầm này cần phải được phát hiện, bồi dưỡng, rèn luyện để có đức, có tài trở thành những tài năng nghệ thuật thực thụ đủ tầm vươn ra khu vực và quốc tế trong một tương lai gần.
Nguyễn Văn Chung
16:24 25/03/2024
Bài viết rất hay. Kiến thức sâu và chắc. Rất mong khoa Diễn viên kịch múa, Học viện Múa Việt Nam sẽ đào tạo được thật nhiều diễn viên múa chất lượng cao phục vụ đất nước.