Đằng sau những loạt bài viết về giáo dục

14 năm gắn bó với báo Tin tức là 14 năm tôi được phân công theo dõi mảng giáo dục - được xem là một mảng “nóng” trong dòng thông tin của toà soạn. Đọng lại trong tôi là những khoảng thời gian được tôi luyện trong những dòng tin thời sự cũng như dấu ấn cá nhân được ghi nhận bằng những loạt bài viết về lĩnh vực này.
hopbao-1683529964.jpg
Những buổi họp báo nóng luôn là tư liệu để phóng viên đặt vấn đề cho loạt bài tiếp theo. Ảnh: Báo Tin tức

Những mùa hè đỏ lửa theo thí sinh vào trường thi

Trong dòng chảy thông tin giáo dục, những thông tin về các kỳ thi luôn ‘nóng’ cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen, là bởi các kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp, tuyển sinh… thường diễn ra vào mùa hè.

Trong những ngày diễn ra kỳ thi, nếu phụ huynh, học sinh đi đã sớm, phóng viên theo dõi giáo dục đi sớm hơn để phản ánh về tình hình giao thông, thời tiết và phỏng vấn được phụ huynh, thí sinh trước giờ thi. Khi thí sinh đã ổn định trong phòng thi, bên ngoài chúng tôi ngồi đợi cùng với những phụ huynh, tranh thủ làm những chùm ảnh tình nguyện viên tham gia tiếp sức mùa thi hoặc những câu chuyện từ phụ huynh đưa đón con.

Sau mỗi buổi thi, khi thí sinh và phụ huynh được nghỉ ngơi, phóng viên giáo dục vẫn tiếp tục đội nắng “tỉ thí” xem phóng viên nào về Bộ Giáo dục và Đào tạo săn thông tin tổng hợp kỳ thi nhanh nhất.

Tôi được phân công theo dõi mảng giáo dục vào tháng 4/2009, ngày đó, báo cáo nhanh là một tờ giấy có đóng dấu đỏ của Ban chỉ đạo thi về tình hình sau mỗi buổi thi của cả nước và phóng viên phải đến tận nơi để nhận. Thời tiết tháng 6 như đổ lửa, mỗi ngày cứ vài lượt từ điểm thi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhưng bản thân không hề thấy mệt. Cuộc đua tin tức và lửa nghề luôn khiến tôi cảm thấy có động lực để đi lấy tin.

Còn nhớ những ngày báo Tin tức vẫn là báo giấy, tôi thường phải chờ báo cáo xong mới quay về toà soạn để hoàn thiện bài. 7 giờ tối, chị Ninh Hồng Nga, khi đó là Trưởng phòng Kinh tế - Xã hội vẫn đợi bài thời sự của phóng viên. Bài viết còn non tay, tôi ngồi đợi sửa. Buổi thi cuối luôn đi kèm với buổi họp báo của Bộ GD&ĐT tới 7 giờ tối. Tôi thường phải thực hiện tiêu điểm (cả trang chính cho tờ báo) đến 9 giờ tối mới xong việc của mình nhưng lãnh đạo luôn ở đó để sửa cả trang cho tôi.

Sức nóng của kỳ thi không chỉ bởi thời tiết mà còn ở mức độ liên tiếp. Thi tốt nghiệp THPT kết thúc là kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đến. Có những đợt thi, tôi phải đến từng trường đại học, cao đẳng để tiếp cận, làm quen và lấy tư liệu.

Bài thời sự luôn cần nhanh và trúng vấn đề, vì thế những lần ngồi cùng với lãnh đạo phòng luôn khiến tôi căng thẳng nhưng nhìn lại đó là những lúc tôi học nghề nhanh nhất.

Đến những dấu ấn loạt bài  

Sau những ngày lăn lộn ở những điểm thi, lãnh đạo phòng Kinh tế - Xã hội khi ấy luôn nhắc tôi, dòng tin thời sự luôn chảy mãi nhưng em cần lẩy vấn đề để thực hiện những loạt bài. Loạt bài viết luôn thể hiện sự hiểu biết sâu của mỗi phóng viên.

Sau 2 năm lăn lộn với mùa thi, tôi đã có những loạt bài của riêng mình. Được sự gợi ý của lãnh đạo phòng tôi đã bắt đầu thực hiện các loạt bài có tính sâu chuỗi sự kiện, phản ánh, phỏng vấn và phân tích. Loạt bài “Hệ luỵ bùng bổng các trường đại học” với 3 bài viết đã đi theo hướng như vậy.

Loạt bài nêu dẫn chứng về việc liên tiếp có những trường đại học mở ra mà chưa chú trọng chất lượng. Chất lượng đại học một lần nữa được đặt ra trong giai đoạn này. Loạt bài viết nêu những số liệu, dẫn chứng thuyết phục, đồng thời phỏng vấn chuyên gia cũng như lãnh đạo của Bộ GD&ĐT. Loạt bài đã đoạt giải C Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam năm 2011 và Giải C Giải Báo chí quốc gia năm 2011. Đây là giải đơn (giải cá nhân - PV) cao nhất của Thông tấn xã Việt Nam đi dự giải năm đó.

Đến giờ, nhìn lại tôi vô cùng biết ơn khoảng thời gian đó. Bởi có lẽ, tôi đã được trong một tập thể trẻ trung, năng động đã kéo tôi về phía trước và những người lãnh đạo luôn có khen, chê kịp thời, đặc biệt những sự động viên, thấu cảm và nhân hậu đã giúp tôi dần lớn khôn.

Đã theo nghề báo là không ngại dấn thân. Điều đó, dường như đã thấm vào máu thịt của tôi. Khao khát ấy luôn trỗi dậy mỗi khi tôi có cơ hội được làm việc.

Những ngày đầu tháng 8/2019, vụ việc học sinh bị tử vong nghi bị bỏ quên trên xe đưa đón của Trường Tiểu học Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) đã gây chấn động xã hội.

9 giờ tối, chị Phạm Thuỳ Hương, Trưởng phòng Phóng viên Báo Tin tức nhắn trên nhóm thông tin của phòng: “Có vụ học sinh tử nghi bị bỏ quên trên xe đưa đón, nhà bạn nào ở Cầu Giấy đi được?”. Khi nhận tin đó, tôi không ngần ngại đăng ký lên đường đến Viện E để đưa tin về sự việc vì nhà ở gần khu vực này. Lúc đó con thứ hai của tôi được 10 tháng tuổi và đang giờ đi ngủ. Nhưng sự kiện cần phải đưa tin, tôi chọn lên đường.

Đó dường như là thời điểm không thể quên với những phóng viên có mặt. Ai cũng đang cố gắng để có thông tin sớm nhất. Gọi điện cho Sở GD&ĐT Hà Nội, tôi cũng chỉ có được một câu nói chỏng lỏn về sự việc là đang chờ báo cáo cụ thể. Gần 12 giờ đêm, tôi gõ tin chỉ khoảng 400 chữ nhưng đó là những dòng tin có sức nặng như chì và ám ảnh tôi rất nhiều.  

Loạt bài “An toàn trên những chuyến xe đưa đón" ra đời. Dưới sự gợi ý của chị Phạm Thuỳ Hương và chắp bút trong một số sự việc, tôi đã nhanh chóng có được những phản ánh, phỏng vấn cho loạt bài. Loạt bài viết đã đoạt giải Khuyến khích Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam năm 2019.

Đằng sau những loạt bài là những ngày tôi chạy thời sự đến chồn chân, mỏi gối. Tôi luôn khắc cốt ghi tâm: Sự kiện thời sự đi qua nhưng dấu ấn của mỗi phóng viên luôn những trong những tin, bài, loạt bài, nếu như bản thân mỗi người luôn trăn trở với ngành được phân công theo dõi, với công việc cầm bút của người phóng viên.