Đại học Quốc gia Hà Nội chốt chỉ tiêu tuyển sinh vào 13 trường thành viên

Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 18.000 chỉ tiêu (tăng hơn 3.000 chỉ tiêu so với năm ngoái) cho 150 ngành/chương trình đào tạo.

Chi tiết đề án tuyển sinh Đại học Quốc gia Hà Nội 2024: Xem tại đây

Theo đề án tuyển sinh đại học năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng các phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và quy chế, quy định đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đạt 80/150 điểm trở lên.

Ngưỡng đầu vào với thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có thông báo cụ thể trên trang thông tin điện tử sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến công bố trước ngày 21/7).

ts-1717210141.png
Đại học Quốc gia Hà Nội chốt đề án tuyển sinh của 13 trường thành viên. (Ảnh: VNU)

Ngưỡng đầu vào của thí sinh sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức với một số ngành khối sức khỏe: Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, ngưỡng đầu vào tối thiểu 100 điểm.

Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển theo các phương thức khác:

- Thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM đạt 750/1.200 điểm trở lên.

- Thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level, có kết quả 3 môn thi trong đó bắt buộc có môn toán hoặc ngữ văn theo tổ hợp quy định của ngành đào tạo tương ứng đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt tối thiểu 60/100 điểm.

- Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT đạt 1.100/1.600 điểm trở lên.

 - Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT đạt 22/36 điểm trở lên.

- Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS tối thiểu 5.5 điểm hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương và có tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn) đạt tối thiểu 14 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm tuyển sinh.

- Thí sinh là người Việt Nam tốt nghiệp THPT hoặc tương đương ở nước ngoài có kết quả học tập 3 môn học bậc THPT theo tổ hợp môn xét tuyển tương ứng của ngành học kết hợp với kiểm tra kiến thức chuyên môn và năng lực tiếng Việt hoặc năng lực ngoại ngữ (tùy theo yêu cầu của ngành học để xét tuyển) đáp ứng quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngoài các phương thức tuyển sinh trên, một số đơn vị có ngành/chương trình đào tạo/lĩnh vực đặc thù có phương thức tuyển sinh riêng (thi năng khiếu hoặc phỏng vấn kết hợp với kết quả học tập cấp THPT/kết quả thi tốt nghiệp THPT/kết quả thi đánh giá năng lực/chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP) được công bố cụ thể trong đề án tuyển sinh thành phần của các đơn vị.

Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục có các chương trình đào tạo thí điểm như sau: Công nghệ hàng không vũ trụ, Công nghệ nông nghiệp, Kỹ thuật năng lượng, Kỹ thuật robot, Thiết kế công nghiệp và đồ họa, Khoa học máy tính và thông tin, Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật điện tử và tin học, Khoa học thông tin địa không gian, Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, Khoa học và công nghệ thực phẩm, Tài nguyên và môi trường nước.