Đại học Đà Nẵng chính thức tuyển sinh kỹ sư thiết kế vi mạch từ tháng 8/2024

Bắt đầu từ tháng 8/2024, ba trường Đại học Bách khoa, CNTT-TT Việt Hàn và Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) sẽ chính thức tuyển sinh, đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch.

Theo đó, từ tháng 8/2024, Đại học Bách khoa sẽ tuyển sinh kỹ sư bậc 7 chuyên ngành “Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản” với chỉ tiêu 60 sinh viên; Đại học CNTT-TT Việt Hàn sẽ tuyển sinh kỹ sư chuyên ngành “Thiết kế vi mạch” với chỉ tiêu 60 sinh viên; Đại học Sư phạm Kỹ thuật sẽ tuyển sinh kỹ sư chuyên ngành “Thiết kế vi mạch” với chỉ tiêu 50 sinh viên.

Ngoài ra, từ tháng 3/2024, các trường đại học này đã bắt đầu tổ chức 3 khóa đào tạo chuyển đổi sang chuyên ngành thiết kế vi mạch cho 41 sinh viên năm cuối và tốt nghiệp ngành gần (điện tử viễn thông, tự động hóa) của các trường đại học trên địa bàn (13 sinh viên Đại học Bách khoa, 12 sinh viên Đại học CNTT -TT Việt Hàn, 16 sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật). Về đào tạo giảng viên, Trung tâm DSAC phối hợp với Synopsys, VKU tổ chức lớp đào tạo giảng viên nguồn cho 25 giảng viên đến từ 6 trường Đại học và Cao đẳng trên địa bàn TP Đà Nẵng (gồm Đại học Bách khoa, Đai học Sư phạm kỹ thuật, Đại học CNTT – TT Việt Hàn, Đai học FPT, Đại học Đông Á và Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng), bên cạnh đó có 34 giảng viên  các trường Đại học Bách khoa, CNTT-TT Việt Hàn và Sư phạm Kỹ thuật tham gia 3 lớp đào tạo thiết kế vi mạch khác do đơn vị tự tổ chức.

anh-vi-mach-ban-dan-1715508888.png
Lớp đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn và AI đầu tiên tại Đà Nẵng (Ảnh: Hồ Xuân Mai)

Được biết, nội dung đào tạo hiện đang ở mức thiết kế cơ bản. Trong thời gian tới, đội ngũ giáo viên sẽ phải tiếp tục đào tạo ở cấp độ thiết kế cao cấp, đối với các sinh viên sẽ được tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, các trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế uy tín để nâng cao chất lượng và số lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế thuộc lĩnh vực lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Cụ thể, Trung tâm DSAC đã ký MOU với Đại học Phenikaa Hà Nội, tham mưu MOU liên kết các trường Đại học Đà Nẵng với Đại học Oregon State University (Hoa Kỳ), Đại học Arizona State University (Hoa Kỳ), Học viện Sycada (Đài Loan), Viện Nghiên cứu bán dẫn Đài Loan TSRI; Đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng liên kết Đại học Khoa học và Công nghệ Long Hoa (Đài Loan); Đại học CNTT-TT  Việt Hàn liên kết Đại học Kyung Hee University (Hàn Quốc), Đại học Bách khoa Đại học Đà Nẵng liên kết với Đại học Thanh Hoa (Đài Loan)... để đào tạo kỹ sư chuyên ngành vi mạch bán dẫn và AI.

Trước đó, Đà Nẵng cũng đã khai giảng lớp giảng viên nguồn về thiết kế vi mạch cơ bản do Trung tâm DSAC phối hợp Synopsys, Đại học CNTT-TT  Việt Hàn và Viện CNTT Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức (gồm 25 giảng viên học lý thuyết và thực hành trong thời gian 6 tháng, gồm 3 tháng lý thuyết, thực hành và 3 tháng làm dự án) và dự kiến đến 28/5 sẽ hoàn thành nội dung lý thuyết và thực hành để triển khai làm dự án tốt nghiệp); hoàn thành thống kê số lượng giảng viên và sinh viên (năm cuối, đã tốt nghiệp trong 2 năm gần nhất) các chuyên ngành gần với vi mạch bán dẫn và AI để có kế hoạch đào tạo.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã khảo sát nhu cầu đào tạo giảng viên về vi mạch và trí tuệ nhân tạo tại các trường Đại học trên địa bàn TP đã gửi danh sách hơn 80 giảng viên đăng ký tham gia các khóa bồi dưỡng về thiết kế vi mạch bán dẫn và AI (bao gồm các trường: Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng, Đại học CNTT-TT Việt Hàn, Đại học FPT. Riêng Đại học Duy Tân trên cơ sở MOU với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp và Tập đoàn Cadence sẽ có chương trình bồi dưỡng giảng viên thiết kế vi mạch riêng).

Hồ Xuân Mai