Đó là thủy điện lớn thứ 4 cả nước, nhưng lớn nhất Tây Nguyên. Công trình kỳ vỹ ấy được xây dựng nhanh chóng và thể hiện bản lĩnh, sức mạnh của tinh thần Việt Nam chỉ trong vòng 3 năm. Công trình ấy đã làm thay đổi cả một vùng bắc Tây Nguyên.
Chuyện kể của nước mắt nàng Ly
30 năm trước, những con nước hùng vỹ trên 2 con sông Krông B'Lah và hệ thống sông Sê San thuộc ranh giới 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai đổ về dòng thác hùng vỹ bậc nhất Tây Nguyên. Dòng thác ấy vào những năm 1950, người ta từng đo chiều cao lên đến 42m.
Trong ký ức của mình, ông Rơ Châm Krí (76 tuổi, già làng Jrai của làng Vân, TT IaLy, Chư Păh, Gia Lai) bồi hồi nhớ lại, cái tên thác Yaly vốn có nhiều tên gọi khác nhau, nhiều người thường quen gọi ngọn thác này với cái tên Jrai Ly hoặc Yaly, Ialy. Những già làng của vùng Yaly này từ các làng Vân, làng Mun, làng B’loi (TT Ialy), các làng của xã Ia Xia, xã Ia Phí (huyện Chư Pah, Gia Lai) và xã Yaly (huyện Sa Thầy, Kon Tum) vẫn thường kể lại câu chuyện sử thi của mình về huyền thoại Nàng Ly. Trong tiếng Jrai, Ya (hay Ia) có nghĩa là nước, Ly là tên một người con gái.
Các già làng kể lại rằng, ngày xưa ở vùng đất này khô hạn, người dân thiếu nước sống khổ sở, đói khát. Một lãnh chúa ở vùng đất này biết một nguồn nước ngọt mang lòng yêu thương một cô gái xinh đẹp tên là nàng H’Ly. Lãnh chúa vì quá si mê nàng H’Ly nên đã tiết lộ nguồn nước quý giá đó cho cô. Vị lãnh chúa vùng đất này nói nếu nàng tiết lộ bí mật này cho dân làng thì nàng sẽ phải chết. Biết được sự thật này nhưng nàng H’Ly vẫn không giữ bí mật đó cho riêng mình và gia đình. Nàng H’Ly đã nhận lấy bi kịch cho mình khi chỉ cho dân làng nơi nguồn nước quý giá. Mái tóc của cô gái trẻ H’Ly đã biến thành thác nước Yaly chảy suốt đêm ngày cùng vĩ thanh của nó mang đến sự ấm no, sung túc cho các buôn làng trên vùng đất bazan đầy nắng gió này…
Các làng xung quanh đại công trình này cũng lưu truyền một chuyện kể khác về mối tình của nàng Ly và một chàng trai. Nàng H’Ly là con gái của trưởng làng, nổi tiếng với vẻ xinh đẹp cùng tấm lòng nhân hậu, yêu thương mọi người. Đến tuổi cập kê, H’Li được cánh đàn ông trong làng theo đuổi trong đó có 2 người cùng yêu nàng say đắm là chàng Rốc và chàng Rit. Tuy vậy, 2 người có hoàn cảnh vô cùng khác nhau. Chàng Rốc tuy khoẻ mạnh, can trường nhưng gia đình lại quá nghèo, không hề tương xứng với nàng H’Li. Còn chàng Rit là con nhà giàu có, giỏi giang nhưng lại không được nàng H’Li ưng thuận.
Cha của nàng đề nghị tổ chức một cuộc thi thố để cả 2 cùng trổ tài. Sau nhiều thử thách mà vẫn không chọn được người thắng cuộc, trưởng làng đành đưa ra lời thách đố cuối cùng “Ai dám vượt sông mang về cho ta con cọp dữ, người đó sẽ được con ta chọn để bắt làm chồng”. Chàng Rit run sợ rồi lặng lẽ bỏ cuộc. Trong khi chàng Rốc không ngần ngại mà lao thẳng xuống dòng Sê San đang gào thét. Thế rồi ngày qua ngày, chàng Rốc vẫn chưa quay trở lại. Nàng H’Ly đều đặn mỗi ngày đến nơi 2 người tạm biệt. Đến cuối cùng, nàng kiệt sức và ra đi tại nơi đó. Nước mắt nàng hóa thành ngọn thác Yaly vẫn còn chảy siết đến tận ngày nay.
Thác Ialy hùng vỹ xưa kia giờ đã thành một đại công trình trên đất Tây Nguyên. Song huyền thoại về một mối tình thuỷ chung, son sắt giữa nàng H’Ly và chàng Y Rốc vẫn làm say đắm con tim mỗi người thợ điện đang ngày đêm khai thác dòng nước mắt ấy và với mỗi du khách đến với Ialy.
“Người Sông Đà” viết tiếp huyền thoại
Trong ký ức của những người già tại các buôn làng quanh thác Ialy, ngọn thác huyền thoại ấy không chỉ là nguồn nước mang lại sự sống, là tiếng gọi của Yang trời Yang đất mỗi mùa Ning nơng, là lời gọi của tổ tiên và không bao giờ được xúc phạm hay làm vấy bẩn ngọn thác hùng vỹ ấy. Việc chặn dòng nước để làm thủy điện là một điều gì đó quá lớn lao ngoài sức tưởng tượng của những người Jrai nơi vùng đất này. Vốn sùng bái thiên nhiên, việc bắt dòng nước phát điện là một điều gì đó như đụng chạm đến đất trời. Người Jrai nơi đây chưa biết đến “cái điện” là gì và để làm gì, nên việc chặn dòng nước lại để phát điện gần như là điều không tưởng. Ông Rơ Châm Vân - người Jrai ở làng Bloi (TT Ialy) kể lại: “Cán bộ vào từng làng vận động người dân, chỉ ra tương tai phát triển cho cả vùng, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, giúp con em đồng bào nơi đây phát triển hơn, được học hành...người làng thủa ấy không mấy người tưởng tượng ra, nhưng rồi các già làng đứng ra nói chuyện, người làng đều hiểu và đồng thuận. Công trình lớn quá, người Kinh về làm đông quá, tiếng máy tiếng người rồi ánh điện sáng rực cả một vùng trời đêm!”.
30 năm trước, công trình đại thủy điện ở Tây Nguyên bắt đầu được từng bước xây dựng. Những con đường trải nhựa được mở ra để máy móc, vật liệu chuyển vào. Hàng chục ngàn công nhân từ miền Bắc, miền Nam, miền Trung và cả con em các buôn làng ở xung quanh nơi này rầm rập vào tiến độ. Những khu nhà ở công nhân được dựng lên nhanh chóng. Hàng loạt khu vực như Thủy Công, Đường Hầm, Lắp Máy, Sông Đà 7,8,9,11 hay khu Ban A, Ban B... cấp tập được xây dựng để chuẩn bị khởi công công trình. Nhà máy thủy điện Ryninh I và II được xây dựng để lấy nguồn điện phục vụ đại công trình và phục vụ đời sống cán bộ công nhân viên thủy điện.
Hàng chục ngàn công nhân, mà hầu hết đều là “Người Sông Đà” đã đến Yaly để xây dựng thủy điện. Ông Đăng Văn Giỡ (72 tuổi) người công nhân một đời làm thủy điện kể lại, ông từng tham gia xây dựng thủy điện Thác Bà, rồi sau đó tiếp tục theo công trình để xây dựng thủy điện Sông Đà (Hòa Bình) gần 10 năm, rồi tới năm 1991 ông lại tiếp tục từ Sông Đà vào Ialy để xây dựng thủy điện. Trong ký sức của ông 30 năm trước, vùng đất Ialy này heo hút gió và nắng, nằm gần biên giới Việt – Campuchia. Những cán bộ công nhân viên vào xây dựng thủy điện này đều từng đi xây dựng những công trình thủy điện lớn nhỏ khác nhau trên khắp đất nước. Họ có tuổi trẻ, có kinh nghiệm, có sức mạnh của dân tộc muốn xây dựng sự nghiệp Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là ở vùng đất cao nguyên Trung phần xa xôi này. Năm 1993, công trình thuỷ điện Ialy được khởi công xây dựng, đến năm 2003, nhà máy thủy điện Ialy hoàn thành đã biến cả vùng thác Ialy hoang sơ thành một công trình kỳ vĩ. 10 năm trời xây dựng, cả vùng đất này biến thành đại công trường với hàng ngàn máy móc, hàng chục ngàn công nhân và hàng chục ngàn hộ gia đình.
Ông Đặng Khắc Bộ, hiện là Tổ trưởng tổ Du Lịch Nhà máy thủy điện Yaly cho biết, tuyến đập Ialy nằm ngay phía thượng lưu thác có chiều dài 1.160 mét, chiều cao lớn nhất 65 mét, là loại đập đá đổ có lõi bằng đất sét. Mức nước dâng bình thường 515 mét, mức nước chết 490 mét. Dung tích toàn bộ hồ chứa 1.037 triệu m3, dung tích hữu ích 779 triệu m3. Hồ chứa nước rộng 64,5 km2. Công trình có 2 đường hầm dẫn nước, chiều dài mỗi hầm 3.750 mét, đường kính 7 mét. Tháp điều áp 2 buồng, buồng trên và buồng dưới. Tiếp theo nữa là 4 đường hầm áp lực, chiều dài mỗi hầm trung bình 250 mét, đường kính 4,5 mét, dẫn nước vào 4 tổ máy, công suất mỗi tổ 180 MW, tổng công suất 720 MW, điện lượng trung bình năm 3,65 tỷ kWh. Kể cả gian biến thế và 2 đường hầm dẫn ra, tất cả đều nằm trong lòng núi bờ phải.
Sự vĩ đại của đại công trình ở Tây Nguyên được thể hiện bằng các con số khổng lồ. Khối lượng công tác chính gồm đào đất đá 7,7 triệu m3, trong đó đào ngầm 854 nghìn m3, đắp đất đá các loại 8,7 triệu m3, bê tông 574 nghìn m3, với gần 240 nghìn m3 bê tông ngầm, lắp đặt gần 20 nghìn tấn thiết bị. Đây là nhà máy thủy điện ngầm lớn thứ 2 của Việt Nam sau nhà máy thủy điện Hòa Bình. Tuy vậy, do ưu thế chênh lệch địa hình cộng thêm chiều cao thác nước nên cột nước thiết kế Nhà máy Thuỷ điện Ialy cao hơn thủy điện Hòa Bình đến 2,3 lần. Vì thế, số lượng các hạng mục công trình của tuyến năng lượng nhiều hơn, dài hơn và phức tạp hơn.
Theo các con số thống kê của ngành năng lượng Việt Nam, chủ đầu tư - Tổng công ty Điện lực Việt Nam thuê Viện thiết kế thủy công Matxcơva (Nga) thiết kế tuyến năng lượng, Viện thiết kế thủy công Ucraina thiết kế đầu tràn, Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 là cơ quan nhận thầu chính thiết kế, chịu trách nhiệm thiết kế tuyến áp lực, lập tổng dự toán, tổng tiến độ, tổng mặt bằng, chịu trách nhiệm chính về phối hợp với các cơ quan thiết kế nước ngoài thiết kế tuyến năng lượng và thiết kế công nghệ thuộc công trình thủy điện Ialy. Tổng thầu xây dựng là Tổng công ty sông Đà, đơn vị lắp máy là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam.
Ngày 4/11/1993, công trình Thuỷ điện Ialy được khởi công xây dựng trong niềm vui hân hoan của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các vị lãnh đạo các bộ, ngành, 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc và Thành phố Hồ Chí Minh, cùng đại diện chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đã long trọng nhấn nút nổ mìn khởi công công trình.
Ông Đặng Văn Giỡ, cựu công nhân xây dựng công trình thủy điện này kể lại, vào mùa khô năm 1993-1994 hàng ngàn công nhân vẫn qua sông bằng cầu phao, mùa lũ đi bằng phà. Nhưng đến năm 1995 có thể đi từ bờ trái sang bờ phải bằng cầu cứng tạm lắp qua kênh dẫn dòng bờ phải. Mùa khô năm 1997 sau khi đã đắp đập lấp kênh thì dỡ cầu phao, giao thông đôi bờ đi qua tuyến đập được đắp bằng hàng triệu khố đá. Nhưng khó nhất, phức tạp nhất vẫn là công tác đào hầm tuyến năng lượng. Công tác đào hầm chính là đường găng của tiến độ thi công công trình. Để phục vụ thi công hệ thống công trình ngầm, cơ quan thiết kế Nga đã thiết kế một hệ thống 14 hầm phụ với tổng chiều dài trên 4,5 km để đi đến mọi vị trí cần thiết. Những máy khoan thủy lực 2 cần như Boomer, Tamrock và máy khoan Robin đào hầm là những máy khoan hiện đại nhất, thế hệ mới nhất lúc bấy giờ lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam.
Nhìn vào khối lượng công trình ngầm mà những người thợ Ialy góp phần hoàn thành, chúng ta khó có thể tưởng tượng được sức mạng của hơn 10.000 công nhân lao động cùng lúc trong giai đoạn cao điểm, nhưng sẽ hiểu được ý chí quyết tâm của hàng ngàn người có mặt tại đây hoàn thành 16.000 mét đường hầm trong đó có hai đường dẫn nước, bốn ống áp lực, rồi hệ thống điều áp, hầm thông gió, hầm dẫn cáp, hầm dẫn nước ra cửa, hệ thống công trình ngầm gian máy, gian biến thế… với tổng khối lượng đá đào tới 940.000 mét khối.
Chỉ trong vài năm, một khối lượng công việc khổng lồ đã hoàn thành, tổ máy số 1 đã phát điện vào ngày 7/5/2000, tổ máy số 1 của nhà máy thủy điện lớn đầu tiên trên sông Sê San đã hòa lưới điện quốc gia, ngày 12/12/2001, tổ máy cuối cùng phát điện và ngày 27/4/2002 khánh thành công trình, hòa vào lưới điện Quốc gia, thắp sáng cả vùng Tây nguyên rộng lớn, hoàn thành sứ mệnh "Khơi nguồn vàng trắng sông Sê San thành dòng điện sáng cho đất nước". Sau gần 7 năm thi công, đương đầu với thời tiết khắc nghiệt và địa hình hiểm trở, hàng vạn công nhân, kỹ sư, chuyên gia, cán bộ quản lý trên công trường đã biến cả vùng thác Ialy hoang sơ thành một công trình vĩ đại. Nhưng, vẫn có 32 cán bộ công nhân viên đã nằm lại với dòng nước thủy điện này. Họ chính là những người đổ xương máu vì dòng điện cho Tây Nguyên. Họ chính là niềm tự hào của những người làm thủy điện Sông Đà. Họ là những huyền thoại mới trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Hơn 30 năm từ khi bắt đầu khảo sát và xây dựng thủy điện Yaly, bây giờ thủy điện Ialy không chỉ là công trình thủy điện lớn bậc nhất Tây nguyên, mà còn là điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh Gia Lai. Và có rất nhiều người công nhân xây dựng thủy điện năm xưa đã ở lại, góp phần xây dựng lên thị trấn Ialy ngày càng đổi mới khang trang hơn.
Hiện Công ty Thủy điện Ialy đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện I bắt đầu phương án mở rộng quy mô Nhà máy Thủy điện Ialy thêm 2 tổ máy với công suất 180 MW/tổ máy, nâng tổng số tổ máy lên con số 6 với tổng công suất 1.080MW. Theo tính toán, việc mở rộng quy mô Nhà máy Thủy điện Ialy sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng thiếu điện thường diễn ra vào các tháng mùa khô ở Tây Nguyên. Mặt khác, doanh thu từ việc bán điện cũng sẽ tăng thêm khoảng hơn 765 tỷ đồng/năm.