Đà Nẵng: Xây dựng văn minh thương mại tại các chợ truyền thống

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Đà Nẵng trong những năm gần đây đã có nhiều chủ trương, từng bước quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, các điểm vui chơi giải trí nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ cả vật chất lẫn tinh thần của người dân và của bạn bè du khách gần xa khi đến tham quan và nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, góp phần xây dựng Đà Nẵng ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Văn hóa của mỗi địa phương phần nào cũng được phản ánh qua nhịp sống người dân, hoạt động giao thương thường ngày ở các chợ. Nhận định trên khá là chính xác; người ta nói chợ là một xã hội thu nhỏ, phản ánh chân thật văn hóa cả một vùng đất. Đà Nẵng hiện có 74 chợ (02 chợ đầu mối, 06 chợ hạng 1, 19 chợ hạng 2, 42 chợ hạng 3 và 05 chợ tạm), trong đó: Sở Công Thương quản lý 04 chợ hạng 1; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý 01 chợ hạng 1; các quận/huyện, xã/phường quản lý 67 chợ và 02 doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý 02 chợ.

Khi đến với Đà Nẵng, du khách trong nước và quốc tế đều nhận thấy sự thay đổi rõ rệt không chỉ về diện mạo, về cơ sở hạ tầng, về chất lượng dịch vụ mà còn sự khác biệt về nét văn hoá, văn minh của con người Đà Nẵng. Điều này thể hiện rõ nhất khi du khách đến tham quan và mua sắm tại các chợ truyền thống như: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Bắc Mỹ An,… Với không gian mua sắm tấp nập, nhộn nhịp, hàng hóa đa dạng và phong phú, du khách không còn bị chen lấn, chặt chém mà thay vào đó là hệ thống các quầy hàng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, lối đi thông thoáng, giá cả niêm yết công khai. Có thể nhận thấy các chợ ở Đà Nẵng, đặc biệt là những chợ truyền thống quen thuộc với khách du lịch thì việc quản lý và ý thức của các tiểu thương đã được đổi mới.

trao-chung-nhan-1699862038.jpg
Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng trao Giấy chứng nhận "Quầy hàng sinh thái" cho tiểu thương chợ Cồn

Mang lại tâm lý thoải mái cho người dân và du khách khi đến các chợ Đà Nẵng là mục tiêu phấn đấu của tiểu thương buôn bán tại chợ trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. Ngoài việc sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp các quầy hàng, quản lý hiện đại hơn thì thái độ ứng xử trong mua - bán chính là điểm đáng nói nhất, đặc biệt sau khi thành phố ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, tại hầu hết các chợ đã không còn hình ảnh chèo kéo khách, cãi nhau, không có chuyện đốt vía, xua đuổi khách nữa mà là hình ảnh tiểu thương lịch sự chào mời, giọng nói nhẹ nhàng đậm chất người Đà Nẵng. Với ý thức mỗi người bán là một “đại sứ văn hoá”, là người đại diện cho thành phố trong mắt du khách, các tiểu thương đang ngày càng tiếp thu và thay đổi cách thức buôn bán, xây dựng hình ảnh thương mại văn minh, góp phần thu hút du khách đến với thành phố. Ý thức bảo vệ môi trường được nâng lên, tình trạng vứt rác, xả rác bừa bãi không còn xảy ra, mỗi chợ được trang bị 02 thùng rác để phân loại rác; công tác phòng chống cháy nổ cũng được bà con tiểu thương quan tâm tự đầu tư trang bị các bình chữa cháy cá nhân, bên cạnh đó các hộ tiểu thương cũng đã thành lập các tổ tự quản để bảo vệ môi trường,… Ngoài ra, một số chợ lớn như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường đã tổ chức mặc đồng phục vào những ngày lễ lớn để bán hàng, thể hiện sự văn minh thương mại tại các chợ. Nhiều mô hình như: “Sạch quầy, đẹp chợ”, “Điểm bán hàng văn minh thương mại”, “Quầy bán hàng đúng giá”, dán tem QR code truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa,… được xây dựng tại các chợ và nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tiểu thương. Theo đó, hàng năm 04 chợ trực thuộc Sở Công Thương quản lý và trên 20 chợ trên địa bàn quận, huyện đều được các cấp có thẩm quyền công nhận chợ văn minh thương mại, trong đó chợ Hàn 09 năm liền là “Chợ văn minh thương mại” cấp thành phố.

Điểm nhấn có thể tạo bước đột phá trong phát triển văn minh thương mại tại các chợ trực thuộc Sở Công Thương quản lý là sau gần 01 năm chuẩn bị về các điều kiện vật chất, thiết bị, trong tháng 4/2022 Sở Công Thương đã phối hợp với Viettel Đà Nẵng tổ chức ra mắt mô hình chợ 4.0 - chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại 03 chợ (chợ Hàn, chợ Cồn và chợ Đống Đa) và hiện nay mô hình này đã được nhân rộng lên đến gần 50 chợ các loại trên địa bàn quận, huyện. Theo đó, Viettel Đà Nẵng đã xây dựng các điểm nạp/rút trong chợ và xung quanh chợ; trang bị mã code VietQR cho hơn 2.000 tiểu thương tại các chợ kết nối với 37 ngân hàng và các ví điện tử, tạo tài khoản Viettel Money để hỗ trợ tiểu thương, khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng mọi lúc, mọi nơi với tổng số tiền giao dịch của tiểu thương bình quân hơn 11 tỷ đồng/tháng; giao dịch thanh toán của khách hàng hơn 3 tỷ đồng/tháng. Với mô hình trên, tiểu thương và khách hàng có thể mua, bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên các ứng dụng thanh toán (Viettel Money, VNPT Money của Viettel, VNPT…) rất thuận tiện; giúp khách hàng có thể thoải mái đi chợ mà không gặp những trở ngại như phải mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa,... Ngoài ra, các đơn vị quản lý chợ đã phối hợp với các ngân hàng, đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc thu các khoản thu dịch vụ của chợ (thu phí, tiền điện, nước, thuê vị trí, vệ sinh môi trường,…) và chi trả lương cho nhân viên hưởng lương tại chợ bằng hình thức không dùng tiền mặt tại các chợ trên địa bàn.

tham-quan-gian-hang-1699862038.jpg
Tham quan các quầy hàng dán nhãn sinh thái

Văn minh thương mại còn được thể hiện qua việc tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn đang chung tay chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần. Nhằm thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTG ngày 20/8/2023 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và trong khuôn khổ dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương”, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) đã phối hợp với Sở Công Thương triển khai thực hiện mô hình Chợ giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ Hàn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, từ tiểu thương tới khách hàng, qua đó thúc đẩy người dân hình thành thói quen giảm sử dụng nhựa dùng một lần và đã nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí Nhãn sinh thái cũng như việc triển khai thí điểm và đánh giá, công nhận các quầy hàng sinh thái tại chợ Hàn. Bên cạnh đó, Sở cũng đã hỗ trợ, trang bị cho tiểu thương những vật dụng chứa hàng, trưng bày hàng bằng nhựa mica, rổ bằng tre thay vì dùng bao nilon, hỗ trợ một lượng bao bì bằng giấy để chứa hàng khi bán cho khách. Mỗi tháng 1-2 lần vào ngày Chủ nhật, tại các quầy hàng sinh thái thực hiện thu gom các túi ni-lông sạch trong cộng đồng để tái sử dụng. Ngoài ra, trong chợ có bố trí 4 kệ để các bao nilon tái sử dụng phục vụ người đi chợ khi quên mang theo túi đựng.

Qua trao đổi, ông Lê Thanh Hạ - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và XTTM TP. Đà Nẵng cho biết: Khi đến chợ Đống Đa cũng dễ dàng bắt gặp nhiều người tiêu dùng và tiểu thương dùng túi “đồng phục” khi đi mua hàng. Đây là những túi vải do Hội phụ nữ Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng phát tặng cho các tiểu thương, khách mua hàng tại chợ Đống Đa khi đến chợ mua sắm để đựng hàng hóa thay vì sử dụng túi nilon dùng một lần. Có thể thấy, việc sử dụng túi nilon từ lâu đã trở thành thói quen tiêu dùng của cả tiểu thương và người mua hàng nhờ tính tiện lợi. Tuy nhiên, do túi nilon khó phân hủy nên thời gian qua thông qua tuyên truyền, phổ biến các tiểu thương tại chợ đều đã biết tác hại của túi nilon khi thải ra môi trường, dần hình thành cho tiểu thương ý thức trách nhiệm trong việc phân loại rác thải; hạn chế “lạm dụng” túi nilon; ký cam kết tham gia thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”; đồng thời Ban quản lý các chợ thường xuyên tuyên truyền cho người dân, khách hàng khi đến mua sắm tại chợ sử dụng túi thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải, túi dễ phân hủy để đựng hàng hóa, hạn chế sử dụng túi nilon, nhựa dùng một lần. Đặc biệt là phát động cao điểm không sử dụng túi nilon vào ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần tại chợ,…

luu-niem-1699862038.jpg
Chụp hình lưu niệm cùng các chủ quầy hàng được trao Giấy chứng nhận quầy hàng sinh thái

Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, sự đổi thay của chợ truyền thống ở Đà Nẵng đã dần hình thành nên hình ảnh đẹp trong mắt du khách, để mỗi khi nhắc đến Đà Nẵng, du khách không chỉ nhắc đến những điểm du lịch hấp dẫn, những dịch vụ du lịch chất lượng cao, những cây cầu nổi tiếng mà còn nhắc đến chợ Đà Nẵng - nét văn hoá và văn minh của người Đà Nẵng. “Để Đà Nẵng phát triển xứng tầm, thành phố cần tập trung đầu tư cho thiết chế văn hóa, xây dựng hơn nữa nếp sống văn minh đô thị, trong đó có văn minh thương mại, là mục tiêu quan trọng, cấp thiết, thường xuyên và lâu dài, là nền tảng góp phần đưa kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển. Theo đó, về lâu dài ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm xây dựng văn minh thương mại gắn với thanh toán không dùng tiền mặt và giảm thải rác thải nhựa tại các chợ truyền thống” ông Nguyễn Văn Trừ - PGĐ Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết.

Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị là một chủ trương lớn của Đảng bộ, chính quyền và là mong muốn chung của nhân dân thành phố, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc, để mỗi người dân có thêm niềm tự hào về thành phố quê hương của mình. Đồng thời đây cũng là việc làm thường xuyên, lâu dài và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và ý thức tự giác chấp hành của mỗi người dân thành phố. Việc triển khai tốt các giải pháp trong việc thực hiện các tiêu chí về văn minh thương mại sẽ góp phần tạo nên môi trường thân thiện, thu hút sự quan tâm của du khách khi đến với Đà Nẵng.

Phúc Đinh