Cảnh báo dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Đà Nẵng

Thời gian vừa qua, Đà Nẵng ghi nhận hàng ngàn ca sốt xuất huyết trên địa bàn. Sở Y tế thành phố vừa đã đưa ra cảnh báo tới người dân về dịch bệnh mùa hè này.

Ngày 19/5, Sở Y tế Đà Nẵng thông tin, trong khoảng 2 tuần gần đây, Đà Nẵng ghi nhận 172 ca mắc sốt xuất huyết, tính từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố ghi nhận 1.326 ca mắc sốt xuất huyết. Địa phương có số ca mắc tăng gồm quận Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Đến nay, địa bàn có 108 ổ bệnh sốt xuất huyết nhỏ. Nếu như những năm trước đây, mùa cao điểm về sốt xuất huyết ở Đà Nẵng thường bắt đầu vào tháng 7 thì năm nay, từ đầu tháng 5 số ca mắc bệnh đã tăng mạnh.

Theo ghi nhận, chỉ trong một buổi sáng, tại Trung tâm y tế Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng đã có hơn 30 ca bệnh sốt xuất huyết đến khám và điều trị. Đây cũng là một trong những khu vực ở Đà Nẵng có số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh nhất tính từ đầu năm đến nay. Trong số các ca mắc phần lớn là trẻ em và học sinh với triệu chứng chung là sốt cao, mệt mỏi, thậm chí có trường hợp nôn, ói, nhập viện trong tình trạng cơ thể có dấu hiệu kiệt sức.

da-nang-so-y-te-canh-bao-dich-sot-xuat-huyet-tren-dia-ban-02-1652963483.jpg
Số ca nhập viện vì sốt xuất huyết tăng cao trong thời gian qua tại Đà Nẵng

Bác sỹ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố, cho hay số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Một số địa phương xuất hiện nhiều ổ bệnh nhỏ, có nguy cơ lan rộng, khó kiểm soát. Hiện tại, ở các khu vực có khu công nghiệp, tập trung các trường đại học – cao đẳng được Đà Nẵng cảnh báo đang có nguy cơ cao.

Trước tình hình đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố đề nghị các cơ sở y tế địa phương, Ủy ban Nhân dân xã, phường tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết như vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy, không để muỗi có môi trường sinh sản; phun hóa chất diệt muỗi chủ động và phun diện rộng tại khu vực có nguy cơ cao.

da-nang-so-y-te-canh-bao-dich-sot-xuat-huyet-tren-dia-ban-03-1652963483.jpg
Trong số các ca mắc phần lớn là trẻ em và học sinh với triệu chứng chung là sốt cao, mệt mỏi

Ngoài ra, các cơ sở y tế tổ chức giám sát, xử lý ổ bệnh nhỏ và ca bệnh đơn lẻ; tập trung tuyên truyền người dân về cách phòng, chống bệnh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Để phòng chống dịch bệnh, ngoài việc vệ sinh môi trường sống, người dân cần chủ động đến các trung tâm y tế để khám kịp thời, đặc biệt là với đối tượng người bệnh là trẻ em.

Bác sĩ Lê Văn Hỷ, Trưởng khoa Nhi, Trung tâm Y tế Q. Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng khuyến cáo: Khi đã nhiễm bệnh sốt xuất huyết thì chúng ta cũng nên để ý để hạn chế rủi ro khi không được điều trị tốt, tức là điều trị tại nhà hoặc là mình không biết cách để theo dõi hoặc không biết cách để đến bệnh viện theo dõi và điều trị đúng cách dẫn đến hậu quả thì khi đó, có lời khuyên mọi người là: Với bệnh sốt xuất huyết, trong ngày 1 ngày 2 nếu trẻ không có dấu hiệu gì bất thường lớn thì cũng có thể thăm khám và điều trị ngoại trú”.

Minh Ngọc