Chương trình gặp mặt truyền thống kỷ niệm 70 năm cán bộ, bộ đội, học sinh Quảng Nam tập kết ra miền Bắc (10/1954 - 10/2024) do Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hà Nội tổ chức với sự tham dự của các ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Trí - Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội.
Về phía tỉnh Quảng Nam có ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Nghẹn ngào ngày gặp lại
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Trí - Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội đã ôn lại chặng đường 70 năm lịch sử cán bộ, bộ đội, học sinh Quảng Nam tập kết ra miền Bắc.
“Bảy mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, dân tộc Việt Nam trải qua một bước ngoặt lịch sử lớn, ghi đậm dấu ấn không thể nào quên.
Hàng nghìn cán bộ, bộ đội, học sinh xứ Quảng chia tay người thân tập kết ra miền Bắc. Thật bùi ngùi xúc động khi nhớ về cuộc chia tay lịch sử năm ấy với lời hẹn sau hai năm sẽ trở về.
Nhưng có ai ngờ, đó là cuộc chia ly suốt 21 năm trường kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 miền Nam mới được giải phóng hoàn toàn, đất nước thống nhất, non sông thu về một dải” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí ôn lại kỷ niệm.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí, từ những ngày đầu tập kết ra miền Bắc, những người con xứ Quảng đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân miền Bắc nói chung và nhân dân Thủ đô nói riêng yêu thương, đùm bọc, giáo dục, bố trí công tác, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt nhiệm vụ với Tổ quốc, với Thủ đô và với quê hương.
70 năm qua, nhiều cán bộ, bộ đội, học sinh Quảng Nam đã trưởng thành và thành danh trên đất Thủ đô, có nhiều người là lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các ngành và địa phương; các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp; các nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba… Nhiều người đã trở thành anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng thay mặt lãnh đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn sự ủng hộ, động viên, hỗ trợ của bà con Quảng Nam xa quê, trong đó có sự đóng góp tích cực và đầy trách nhiệm của bà con là đồng hương Quảng Nam tại TP.Hà Nội.
Những người con quê hương Quảng Nam ở Hà Nội luôn dõi theo và quan tâm đến tình hình của quê hương, nhất là các bậc lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có những góp ý quý báu vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Lê Văn Dũng mong muốn những người con xứ Quảng xa quê tiếp tục hướng về quê hương, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, tạo các mối quan hệ thuận lợi để quảng bá, hợp tác và thu hút các nguồn lực đầu tư vào Quảng Nam; hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh nhà trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới...
Quê hương luôn ở trong tim
Trung tá Nguyễn Văn Nghiêm (quê xã Duy Thành, Duy Xuyên) năm nay tròn 90 tuổi đời và 68 năm tuổi Đảng. Ông cho rằng, buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 70 năm cán bộ, học sinh, sinh viên Quảng Nam tập kết ra miền Bắc là sự kiện vô cùng ý nghĩa, giúp gợi lại những kỷ niệm không thể nào quên trong tiềm thức của bà con đồng hương Quảng Nam.
Ông tâm sự, cuộc đời ông có 4 lần khóc không bao giờ quên, trong đó có lần khóc khi chia tay gia đình bà con xứ Quảng xuống tàu tập kết ra Bắc. Mặc dù xa quê từ nhỏ nhưng trong tim luôn nhớ về quê hương Quảng Nam.
“Mỗi người sinh ra ai cũng có một quê hương, chính quê hương đó là nơi chôn rau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng ta lớn khôn thành người, dù đi đâu, ở đâu, ai cũng nhớ đến quê hương. Vì đó là cội nguồn của dòng họ, của gia đình...” - ông Nghiêm bộc bạch.
GS-TSKH.Đặng Huy Huỳnh (người con quê hương Đại Lộc) cho biết, dẫu rằng qua 70 năm, so với lịch sử thì không dài nhưng với đời người thì đáng suy ngẫm.
“Mặc dù trải qua 70 năm sống xa quê hương, nhưng tâm hồn của những người con Quảng Nam vẫn luôn tưởng nhớ đất mẹ thiêng liêng, đất mẹ Quảng Nam anh hùng... Đó là động lực lớn để nhắc nhở bà con Quảng Nam xa quê hương luôn phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng học tập, cống hiến, sống vui, sống khỏe, sống có ích để mãi mãi xứng đáng và tự hào là những người con của xứ Quảng thân yêu, mảnh đất đã trải qua gần 600 năm (1471 - 2024) luôn kiên cường bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển” - GS-TSKH.Đặng Huy Huỳnh chia sẻ.
Tiếp bước cha anh
Kế thừa truyền thống quý báu của các thế hệ đi trước cũng như tập hợp, đoàn kết, định hướng hoạt động của thế hệ trẻ đồng hương Quảng Nam đang sinh sống, công tác, học tập tại Thủ đô Hà Nội.Năm 2015, Ban liên lạc Đồng hương tỉnh Quảng Nam tại Hà Nội đã quyết định thành lập Đồng hương trẻ - kế cận Quảng Nam tại Hà Nội.
Kể từ khi thành lập, với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng như dưới sự dẫn dắt của các cô chú, anh chị trong BLL đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội, đồng hương trẻ đã từng bước thực hiện các nhiệm vụ được giao, sau đó là phát huy thế mạnh của thể hệ trẻ, từng bước xấy dựng kế hoạch hành động, chủ động trong các hoạt động kết nối, định hướng, giáo dục, … để kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp mà thế hệ trước đã gầy công tạo dựng theo phương châm “Đoàn Kết, Nghĩa Tình, Trách Nhiệm”
Đại diện Ban liên lạc đồng hương trẻ kế cận, anh Hồ Vi Đại Thảo cho biết “Bên cạnh một số kết quả bước đầu đã đạt được, trong thời gian tới thế hệ trẻ đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội vẫnđang và sẽ tiếp tục nỗ lực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, tài năng của con người xứ Quảng. Thế hệ trẻ đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội, càng mong muốn nhận được sự dìu dắt, chỉ bảo của các cụ, các bác, các cô chú, những người đi trước, sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền tỉnh nhà, của Đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội và Đồng hương các huyện, trực tiếp là Ban Liên lạc Đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội,… để Đồng hương trẻ kế cận ngày càng trưởng thành, phát triển cả về tổ chức và hoạt động”.
Chặng đường 70 năm không phải là dài trong tiến trình lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng cũng đủ để ghi nhận tình cảm gắn kết yêu thương và những đóng góp tích cực của các thế hệ người xứ Quảng với đất nước và Thủ đô.