Cuộc chuyển cư ở ngôi làng “trời đánh”

Huyền Văn
Ngôi làng đồng bào ấy thường xuyên chịu những trận sấm sét đến nỗi cả làng hoang mang. Việc lập làng mới được chính quyền địa phương hỗ trợ hết sức để ổn định đời sống người dân trước Tết Nguyên đán.

Nỗi sợ hãi trong ngôi làng trời đánh

Anh Đinh Văn Bền (làng Long Vót, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) chụm tay lại trên đầu, cúi người xuống đất rồi chui xuống gầm bàn, khi bên ngoài trời đang mưa và “nổ” những tiếng đinh tai nhức óc. Anh Đào diễn tả lại tư thế chạy trốn ông trời như thế mỗi khi giông sét đổ xuống ngôi làng hẻo lánh trên rặng núi này.

nlntv-2-1672288614.jpg
Người làng Long Vót mong được hỗ trợ để an cư.
nlntv-1-1672287390.jpg
Người làng Long Vót mong được hỗ trợ để an cư.

Đang bận rộn với túp lều dang dở, được lắp ghép từ chính các vật liệu từ nhà ở làng cũ mang đến đây, anh Bền vẫn thảng thốt khi nhắc đến chuyện làng cũ. “Làng cũ nằm ở trên kia, sét đánh ghê lắm, nhất là ban đêm. Nhà nào có mái tôn là sét đánh xuống, lóe sáng như ban ngày. Ở bên đó 20 năm, năm nào cũng có chục trận sét lớn, không chịu nổi nữa, không dám ở nên di chuyển ra đây ở. Mới đợt vừa rồi đây, sét đánh sát ngay nhà, may không ai bị sao”, anh Bền rùng mình nói khi nghĩ về những chuyện cũ. Ngay cả vợ anh Bền, là chị Đinh Thị Trường cũng một lần may mắn nhất làng vì thoát chết trong gang tấc dưới “lưỡi búa” của thiên lôi.

nlntv-anh3-1672288376.jpg
Làng cũ tan hoang sau khi người dân Long Vót dời đến nơi ở mới.

Trước đây, người dân làng Long Vót chủ yếu sống với hình thức du canh, du cư phân tán khắp nơi. Tuy nhiên, qua thời gian dài, khó khăn lắm chính quyền địa phương mới vận động người dân, sau đó đưa người làng về sống tập trung theo cộng đồng. Nhờ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước nên cuộc sống người dân nơi đây, đi vào ổn định. Tuy nhiên, thời tiết lại khiến nhiều người sợ hãi. Nhiều người dân ở làng Long Vót cũng sợ hãi mỗi khi nhắc về mùa giông sét. Chỉ nghe “đùng” một cái là bò chết, heo chết, cây cau, cây quýt ngã rạp như bị dùng cuốc đánh bật lên. Người dân Ca Dong ở làng Long Vót phải dọn nhà cửa rời bỏ ngôi làng bị coi là “đất xấu” đến nơi khác dựng lều sống tạm. Người Ca Dong đã bỏ tập tục du canh, du cư từ nhiều thế hệ qua. Họ sinh sống quần cư và ổn định ở các ngôi làng. Sau nhiều sự cố khi cả trâu bò, vật nuôi và cả người làng bị sét đánh, một số người làng Long Vớt cố nấn ná ở lại, nhưng sấm sét vẫn xảy ra. Việc cả làng Long Vót kiên quyết rời làng vì sấm sét chưa từng xảy ra. Việc dân làng dắt díu nhau lập làng mới, tạo nên cuộc di cư chưa có tiền lệ ở vùng núi cao Quảng Ngãi này. Người Ca Dong ở đây chẳng biết vì sao làng mình thời gian qua có nhiều vụ sét đánh xảy ra như vậy. Sau những ngày tháng sống trong sợ hãi, cả làng đã dỡ nhà di dân vì sợ "trời đánh" xảy ra với mình.

nlntv-anh4-1672288631.jpg
Làng cũ tan hoang sau khi người dân Long Vót dời đến nơi ở mới.

Già làng Đinh Văn Điềm cũng có một người con trai bị sét đánh, dẫu đã được chạy chữa kịp thời để bảo toàn tính mạng, nhưng đến nay sức khỏe và thần kinh của người con này vẫn chưa trở lại bình thường. Trong cơn mưa nặng hạt mùa đông, già cùng nhiều gia đình trong làng Long Vót cũng cặm cụi nhặt nhạnh đồ đạc, gỡ từng thanh nứa, dọn từng miếng ngói để mang về làng mới dựng lại nhà.
Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết, sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra ghi nhận, đánh giá và báo cáo lên cấp trên. Chính quyền xã Sơn Long cũng không biết lý giải như thế nào để trấn an người dân, bởi theo khoa học, những nơi bị sét đánh thường ở trên cao. Đây ngôi làng nằm thấp hơn so với đồi núi vây quanh nhưng lại trở thành "lòng chảo sấm chớp". Sau khi kiểm tra thực tế, UBND huyện Sơn Tây xét thấy khu vực có nguy cơ giông sét rất nguy hiểm đến tính mạng người dân, dông sét xảy ra thường xuyên và có mật độ dày bình quân khoảng 15 lần/ năm và hay đánh vào các cây gỗ lớn ở làng Long Vót. Trước ý kiến của toàn bộ dân làng muốn có nơi ở mới để tránh nguy hiểm, chính quyền huyện và xã đã tổ chức khảo sát, tìm kiếm địa điểm để người dân làng Long Vót lập làng mới.

Cuộc chuyển cư còn lắm nhọc nhằn

Từ những ngày cuối tháng 11 cho đến bây giờ, cuộc chuyển cư của người dân cả làng vẫn được thực hiện. Chính quyền địa phương đã theo ý kiến người dân chọn được một khu vực phù hợp để chuyển dân cư đến nơi an toàn để bà con nhân dân an, cư lập nghiệp. Tất cả 17 hộ dân với 73 nhân khẩu của làng Long Vót đã di đến nơi ở tạm. Dù địa phương có những hỗ trợ bước đầu, song về lâu dài thì bà con gặp nhiều bất lợi vì khu vực này giao thông cách trở, lại không có điện, nước sinh hoạt. Địa điểm di dời cách làng cũ khoảng 2km theo hướng Tây Nam, giáp ranh với thôn Mang Nách (xã Ngọc Tem, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum).

nlntv-lang-moi-1672297281.jpg
Nhiều người dân vẫn còn sợ hãi khi giông sét liên tục giáng xuống làng cũ.

Làng Long Vót nằm sâu trong rừng già, bốn bề được bao phủ bởi núi rừng. Con đường gần nhất vào làng phải đi qua đất thôn Mang Nách, xã Ngọc Tem. Những ngày qua, hàng chục túp lều tạm bợ mọc lên dưới chân núi. Phải lật đật chạy khỏi làng đến nơi ở mới, người làng che túp lều tạm bằng tấm bạt bên sườn núi ở tạm. Dù trống hoác, gió lùa từng cơn, nhưng với nhiều người vẫn an toàn hơn ngôi nhà ở làng cũ.

Làng mới bây giờ không điện chiếu sáng, không đường giao thông, không nước sạch, không đường sá hay sóng điện thoại, y tế cũng bằng không nên cuộc sống người dân muôn vàn khó khăn. Những ngôi nhà, căn lều ở làng mới được lắp ghép từ chính các vật liệu từ nhà ở làng cũ mang đến đây. Dù đã tháo chạy khỏi làng cũ nhiều ngày, song trên khuôn mặt người dân làng Long Vót vẫn còn hiện lên nỗi sợ hãi. Bởi với họ, những gì xảy ra do giông sét luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Thậm chí, nhiều người đến giờ khi trời nổi giông là họ lao vào trong lều ngồi co ro.

nlntv-anh5-1672288640.jpg
Cuộc sống tạm bợ của người dân trong những túp lều tranh tre.

Anh Đinh Văn Bền vừa dựng xong căn nhà tạm đủ che mưa che chắng bảo, đi đến đây dựng nhà rất tốn kém và không có ruộng để trồng lúa, rẫy để trồng keo. Ở đó hơn 20 năm rồi nhưng giờ sét đánh liên tục khiến ai cũng sợ nên bà con phải đi thôi. Đa số các hộ dân ở làng Long Vót thuộc diện hộ nghèo, nay phải bỏ làng ra đi vì giông sét, khiến cuộc sống của họ đã khổ càng thêm khó, rất cần được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khu tái định cư nhằm giúp người dân vơi bớt khó khăn. Già làng Đinh Văn Điềm bộc bạch: “Ở làng mới không có điện, không có nước, đường đi lại rất khó khăn. Nhưng qua đây được sống yên ổn, không phải lo sét đánh nữa. Mong Nhà nước sớm đầu tư điện, đường, nước sạch cho người dân định cư lâu dài ở đây và an tâm làm ăn, sinh sống”.

nlntv-anh6-1672288648.jpg
Tài sản của ông Đôn chỉ là những tấm ván gỗ dỡ ra từ nhà cũ mang theo.

Trước những khó khăn ấy của người dân ở làng mới, chính quyền huyện Sơn Tây đã trình tỉnh phương án hỗ trợ kinh phí cho bà con làm nhà ngay nơi ở mới để phù hợp đặc thù riêng và thuận lợi cho quá trình canh tác, sản xuất của người dân. Kinh phí của huyện hạn chế nên không thể xây dựng khu tái định cư mới cho người dân được.

Người làng Long Vót bây giờ, vẫn đang mong lắm sự hỗ trợ của chính quyền. Chắc sẽ sớm thôi người làng sẽ được ổn định cuộc sống. Nhưng những ngày này, khi cơn mưa mùa đông vẫn còn, khi những túp lều tạm bợ chỉ đủ che mưa che nắng, khi trời đã ngả bóng những triền núi sương mù lẩn khuất, người dân Long Vớt lại quần tụ lại bên bếp lửa sưởi ấm thay cho những ngày tháng nơm nớp.

Tiêu Dao