Bắt nhịp sản xuất
Chưa đầy một tuần sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, gần như toàn bộ công nhân của Công ty cổ phần May mặc Dony đã quay trở lại làm việc, giúp Công ty nhanh chóng hoàn thiện đơn hàng sản xuất cho 2 container xuất khẩu đi Nhật Bản và Đài Loan trong những ngày đầu năm.
Đại diện Công ty Dony cho biết, nắm bắt tâm lý công nhân thường chậm trễ khi trở lại làm việc sau Tết, nên doanh nghiệp đã tăng chính sách đãi ngộ. Trước Tết, Công ty đã nhận đơn hàng xuất khẩu có giá trị lớn, nên đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để vừa hết kỳ nghỉ Tết là công nhân có thể vào guồng sản xuất trở lại. Ngoài ra, để thu hút người lao động, Công ty cũng cam kết thưởng thêm nếu họ quay trở lại làm việc đúng hạn.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết, tính chung tất cả các lĩnh vực ngành nghề, tỷ lệ người lao động trở lại làm việc đạt 94% so với thời điểm trước Tết.
Tại Khu công nghệ cao có đến 80 - 95% công nhân trong tổng số 45.000 công nhân của 80 nhà máy của toàn khu quay lại làm việc sau Tết. Trong đó, nhiều nhà máy có tỷ lệ lao động trở lại cao như Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex (hơn 6.000 lao động) đạt trên 95%, nhà máy Nidec Sankyo (4.000 công nhân) đạt 94%. Các nhà máy Intel, Jabil... cũng ghi nhận trên 90% lao động trở lại.
Tương tự, tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp của TP.HCM, tính đến nay đã có gần 1.500 doanh nghiệp hoạt động với 273.000 lao động, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc gần 90%. Theo thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, một số khu công nghiệp có tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trên 90% là Đông Nam, Tây Bắc Củ Chi, Tân Phú Trung.
Riêng Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Tân) - nơi có đông công nhân nhất TP.HCM với trên 52.000 người, đã có 82% công nhân quay lại làm việc trong ngày đầu tiên. Tại Bình Dương, Liên đoàn Lao động và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho hay, một số doanh nghiệp lớn có tỷ lệ người lao động trở lại cao hơn năm trước, như Công ty TNHH Shyang Hung Cheng có hơn 6.800 trong tổng số 8.200 lao động đã trở lại làm việc (tỷ lệ 83%), Công ty TNHH Chí Hùng có hơn 6.700 trong tổng số 7.200 lao động trở lại làm việc (tỷ lệ 93%)...
Tương tự, Đồng Nai có hơn 95% số lao động trở lại làm việc tại doanh nghiệp. Công ty TNHH Changshin Việt Nam có khoảng 40.000 công nhân và hiện tại đã có 95% công nhân quay trở lại sản xuất. Được biết, trong những ngày Tết, đại diện Công đoàn của công ty này đã đến tận phòng trọ để động viên, hỗ trợ người lao động.
Tăng phúc lợi để giữ chân lao động
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, có được kết quả trên là do phần lớn doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách lương, thưởng Tết để giữ chân công nhân. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thu hút các đơn hàng trong năm 2022.
Ngoài ra, tỷ lệ công nhân quay trở lại đạt cao còn nhờ một lượng lớn công nhân không về quê. Song song đó, các nhà máy tổ chức sản xuất xuyên Tết, nên nhiều lao động đăng ký ở lại làm việc đã bắt nhịp nhanh. Một số công ty cho nghỉ từ trước Tết thêm 2 - 3 ngày nên người lao động có đủ thời gian ở với gia đình, sau Tết quay lại đúng ngày, không cần nghỉ thêm.
“Khi đón công nhân trở lại, các doanh nghiệp đã triển khai biện pháp bảo đảm an toàn như tiếp nhận khai báo y tế, đo thân nhiệt, yêu cầu mang khẩu trang... Một số nhà máy tổ chức quay số may mắn tặng xe máy, lì xì đầu năm, tạo động lực để người lao động quay lại sản xuất đúng ngày sau Tết”, ông Lâm cho biết.
Một số doanh nghiệp còn đưa ra chính sách hỗ trợ tàu xe cho công nhân ở tỉnh khi di chuyển đến TP.HCM làm việc. Chẳng hạn, Công ty TNHH SaiGon Precision, chuyên sản xuất linh kiện cơ khí (Khu chế xuất Linh Trung 1) hỗ trợ chi phí di chuyển, sắp xếp chỗ ở, tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 cho công nhân…
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, sau Tết, TP.HCM cần 50.000 lao động ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí, sản xuất hàng điện tử, chế biến lương thực - thực phẩm - đồ uống, hóa dược - nhựa - cao su) và 9 ngành dịch vụ như thương nghiệp, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, thông tin và truyền thông...
Trong năm 2022, Sở sẽ tăng cường các giải pháp hỗ trợ việc làm, đẩy mạnh tần suất tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến hoặc trực tiếp để kết nối cung cầu lao động tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp để nhanh chóng gia nhập lại thị trường lao động, nhất là người mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.