Tối 29/12, tại Quảng trường Ngọ Môn, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP Huế.
TP Huế được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích 4.947,11km² và dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, cho biết việc trở thành TP trực thuộc Trung ương, TP Huế bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển với tâm thế là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam.
"Đây là nền tảng quan trọng, tạo động lực, khí thế mới để Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang, xây dựng và phát triển thành một đô thị di sản thông minh và giàu bản sắc, tiếp tục phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, tạo bứt phá để phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, khẳng định vai trò, vị thế các trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa, du lịch; y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ" - ông Lưu nói.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ niềm vui khi về dự Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP Huế giai đoạn 2023 - 2025.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cấp ủy, chính quyền TP Huế cần xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ ràng và khả thi để giải quyết những khó khăn, thách thức khi trở thành TP trực thuộc Trung ương.
Trong đó, thay đổi mô hình tổ chức quản lý nhà nước từ cấp tỉnh sang cấp TP trực thuộc Trung ương với mức độ đô thị hóa cao hơn; tổ chức bộ máy chính quyền thống nhất, chuyên sâu và chuyên nghiệp để vận hành hiệu quả. Đặc biệt, cần tập trung vào các nhiệm vụ như quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tập trung ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế; du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản và văn hóa; công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường; nông nghiệp công nghệ cao, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chính quyền số và dịch vụ đô thị thông minh.
Đặc biệt chú trọng phát triển khoa học, công nghệ theo hướng tăng trưởng xanh, đáp ứng các mục tiêu của chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường và sử dụng công nghệ sạch. Thường xuyên quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi và khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu chính quyền TP Huế tăng cường sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo người dân, doanh nghiệp được hưởng thành quả từ công cuộc đổi mới.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18 về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương hỗ trợ TP Huế trong việc hoàn thiện thể chế, tổ chức thực thi pháp luật và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.